Vì sao các toà cao ốc vô lý vẫn mọc?

Chừng nào vấn đề quy hoạch đô thị còn bất cập thì các phương án chống ùn tắc giao thông vẫn chỉ là giải pháp tình thế

Trong phần đầu của phóng sự “Giao thông Hà Nội nhìn từ các toà cao ốc”, chúng tôi đã đề cập hệ lụy của các toà cao ốc trong khu vực nội đô đối với tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Vậy, tại sao các toà cao ốc vẫn mọc? Giới chuyên môn trong ngành giao thông, xây dựng và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nói gì về thực trạng này?

Nhà cao tầng ở Hà Nội (Ảnh minh hoạ)

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải cho rằng, tác động từ các toà cao ốc đối với giao thông là rất lớn, nhưng thực tế này chưa được những nhà quy hoạch nhìn nhận đúng mức.

Ông Hùng viện dẫn, trên thế giới, với những công trình xây dựng từ 5.000 m2 sàn trở lên đều có quy định đánh giá về tác động giao thông. Từ kết quả đánh giá này, kiến trúc sư phải thiết kế tòa nhà cao cho phù hợp, dựa trên cơ sở tổng nhu cầu chuyến đi phát sinh gần tòa nhà đó. Vậy, những nhà quy hoạch của thành phố Hà Nội biết hay không những quy định mang tính khoa học này? Tiến sĩ Khuất Việt Hùng cho rằng, họ biết tất, nhưng từ chỗ biết đến việc ban hành được một quyết định lại là một chặng đường dài.

Chính vì thiếu căn cứ, đánh giá khoa học, nên việc các tòa cao ốc mọc lên “vô tội vạ” là điều dễ hiểu: “Nếu chúng ta tiếp tục quy hoạch theo kiểu như thế này thì có thể nói chúng ta đang cố tình làm cho Hà Nội ngày càng trở nên ách tắc hơn, chứ không phải chúng ta đang giải quyết vấn đề cách tắc giao thông của Hà Nội.

Bản thân những người chịu trách nhiệm nghiên cứu để lập quy hoạch, tôi tin rằng, họ biết rất rõ nhưng phải chăng có những mục tiêu quy hoạch nào đó đã được áp đặt từ đâu đó khiến cho họ không thể nào làm khác được?” - Tiến sĩ Khuất Việt Hùng nói.

Từ lâu, Hà Nội đã có chủ trương di dời các nhà máy gây ô nhiễm, công sở, bệnh viện, trường học lớn ra ngoại thành để giảm ùn tắc giao thông. Nhưng, thực tế những gì đang diễn ra trên địa bàn thành phố thì lại đi ngược với chủ trương này. Lác đác vài nhà máy được chuyển đi thì thay vào đó là sự tăng lên cấp số cộng, cấp số nhân những công trình đồ sộ giữa lòng thành phố.

Kiến trúc sư Trần Quang Hà, Trung tâm Kiến trúc Hà Việt tỏ ra khó hiểu: “Liệu chủ trương di dời các nhà máy, trường học, bệnh viện có thực sự vì mục đích giảm ùn tắc giao thông hay vì một mục đích nào khác?”.

Kiến trúc sư Trần Quang Hà nghi vấn về chủ trương di dời nhà máy, xí nghiệp của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: “Tôi muốn hỏi một câu là những cơ quan xí nghiệp, công sở, nhà máy, bệnh viện khi chuyển ra ngoài diện tích ấy sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Thay thế nó sẽ là những công viên, những khu vực giải trí, những nơi mà có thể làm cho đường thông hè thoáng hơn, những nơi mà có thể giảm bớt áp lực về dân số hay sẽ lại thay thế bằng những tòa nhà cao ốc với những khu văn phòng hàng chục nghìn cán bộ công nhân viên?”.

Ông cho rằng, thực trạng quy hoạch mà thành phố Hà Nội đang tiến hành hiện nay, không những không giải tỏa áp lực giao thông, mà đang “nén chặt” dân cư, làm giao thông thêm “nóng”. Nhận định của Kiến trúc sư Trần Quang Hà là hoàn toàn có cơ sở, bởi ngay cả Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, vốn là một kiến trúc sư cũng tỏ ra lúng túng khi đề cập đến việc xuất hiện ngày càng nhiều nhà cao tầng trong nội đô hiện nay.

“Chúng ta đều thừa biết, mục tiêu của chúng ta là hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong các quận nội đô, nhưng bây giờ đưa ra cụ thể quy chế quản lý như thế nào thì chưa có. Chỗ nào được xây cao tầng, chỗ nào không. Hạn chế tức vẫn có. Vấn đề này bây giờ phải cụ thể hóa, chứ nếu không chúng ta quản lý như thế nào? Đây là câu chuyện phải bàn. 3-4 năm nay rồi chúng ta không cấp phép xây dựng bất cứ một nhà cao tầng nào cả nhưng những dự án đã cấp phép rồi, xử lý như thế nào?”- Ông Thảo nói.

Năm 2009, Hà Nội đã có Quyết định về việc ngừng cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô. Nhưng thực tế, nơi này, nơi kia vẫn có những tòa nhà trên 9 tầng mọc lên. Dư luận có quyền hoài nghi, có hay không những toà cao ốc vượt qua cả quy định ngừng cấp phép của thành phố?

Bởi, trước đó, tòa nhà M5 cao 31 tầng ở 91 Nguyễn Chí Thanh, tác nhân góp phần gây ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Chí Thanh mà chúng tôi đã đề cập ở phần đầu phóng sự này được động thổ, khởi công trước khi cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng. Một vấn đề nữa là các công trình cao tầng được cấp phép xây dựng trước hay sau thời điểm ban hành Quyết định của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thì chỉ có cơ quan chức năng và chủ đầu tư là người mới biết rõ.

Rõ ràng, tác động từ các tòa cao ốc đối với tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung là điều không phải bàn cãi. Chừng nào, nguyên nhân này chưa được mổ xẻ một cách tận gốc và vấn đề quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập như hiện nay, thì các phương án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội của các ngành chức năng vẫn chỉ là giải pháp tình thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên