Vì sao chọn núi Trầm là nơi sơ tán của Đài TNVN năm 1946?

Câu hỏi đó cứ khoắc khoải trong tâm của nhà báo Vĩnh Trà dù không phải hôm nay là lần đầu tiên ông trở lại núi Trầm.

Từ cánh cổng 128C Đại La, Hà Nội nửa sắt, nửa gạch, chéo Hà Đông, qua Mai Lĩnh, Trúc Sơn là đến chùa Trầm, cách trung tâm thủ đô ngót ba chục cây số đường đất.

65 năm rồi, cổng 128 vẫn sắt gạch lẫn lộn, con đường vẫn ba chục cây số tròn trịa, nhưng chùa Trầm đã thuộc đất thủ đô với bao thay đổi. Đường đã trải nhựa, thảm bê tông, hai bên ken chặt nhà ở cao tầng, cửa hàng, khách sạn, khu vui chơi. Đổi thay đã nhiều, nhưng hoài niệm vẫn thế: Đau đáu, khôn nguôi.

Nhớ lại: Một ngày đầu Thu năm 1995, nắng tròn, vàng ngậy, chúng tôi mời bà Dương Thị Ngân, ông Lê Quang Lân, ông Nguyễn Đức Trọng - những người thuộc thế hệ đầu tiên xây nền đắp móng cho Đài Phát thanh Quốc gia lên thăm lại chùa Trầm.

Bà Ngân nhắc lái xe đi chầm chậm để nhận ra những khúc quanh, vệ đê, triền sông mà nửa thế kỷ trước từng đi qua vội vã. Bà bảo, chiều tối ngày 19/12/1946 lạ lùng lắm, khó tả lắm. Hà Nội căng phồng thuốc súng, chỉ cần một que diêm, một tàn thuốc lá bùng thành ngọn lửa, lan nhanh đám cháy lớn.

Hang Trầm - nơi Đài TNVN đã từng sơ tán trong thời gian toàn quốc kháng chiến

Bà được Tổng Biên tập Trần Lâm điều từ phòng làm việc ở Trần Hưng Đạo về ngay khu điện Đài Bạch Mai, nay là 128C Đại La. Tổ công tác nhận được mật lệnh: Khi đại bác ở Pháo đài Láng nổ, điện thành phố tắt là khởi sự.

Chương trình phát thanh Thời sự 18h vẫn lên sóng bình thường với lời xướng đỉnh đạc: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.

8 giờ tối, từ Pháo đài Láng, hàng loạt đại bác nổ vang thời. Điện thành phố vụt tắt, nhưng trong phòng thu vẫn có điện máy phát.

Bà Dương Thị Ngân thông báo: “Thưa đồng bào. Tiếng súng đại bác đã nổ ở Hà Nội. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu. Buổi phát thanh phải ngừng ở đây. Xin mời đồng bào đón nghe sáng mai, theo giờ thường lệ”.

Cánh cửa phòng thu dã chiến khép vội sau lưng, bà Ngân cùng đồng nghiệp chạy nhanh ra cổng theo Quốc lộ 1, rẽ Văn Điển, qua đê Mai Lĩnh.

Ngoái nhìn lại, khu điện Đài Bạch Mai đã nổ tung thành quầng lửa, sáng một góc trời Hà Nội. Đêm ấy, Đài Phát thanh Quốc gia non trẻ cùng thủ đô “tiêu thổ kháng chiến.” Đêm ấy, bà Ngân đến Hang Trầm an toàn trong vòng tay nồng ấm của các anh biên tập, kỹ thuật, chuẩn bị chu đáo cho chương trình phát thanh ngày mai.

Như đêm trước đã hẹn với đồng bào cả nước, thính giả gần xa, đúng 6h ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn phát sóng bình thường, nhưng nội dung chương trình hết sức đặc biệt, truyền đi toàn văn lời kêu gọi kháng chiến lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.

Nửa thế kỷ đi qua, nhưng bà Ngân vẫn nhớ như in nơi ngồi đọc bản tin đầu tiên về tự vệ thủ đô “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.”

Ông Nguyễn Quốc Trọng tuổi đã già, sức đã yếu, tai kém nghe, mắt kém nhìn, nhưng vẫn nhận ra nơi đặt chiếc máy nổ trong góc hang Trầm tự ngày ấy.

Núi Trầm

Ông Lê Quang Lân cứ che miệng cười vì nhớ lại đêm tản cư đầu tiên ở Trầm kiếm mãi mới được tấm chăn chiên cũ, rách, “trang âm” cho phòng thu. Mà lạ thật, núi Trầm dày thế, hang Trầm sâu thế mà vẫn chừa sẵn một lỗ thủng to trên nóc cho nhà Đài mắc cột ăng ten.

Chuyện qua lâu rồi. Bà Dương Thị Ngân, phát thanh viên đầu tiên của Đài Quốc gia, ông Trọng “máy nổ”, ông Lân “bá âm” đã về với tổ tiên cũng lâu rồi.

Các ông ngược xuôi đi tìm địa điểm sơ tán đầu tiên của Đài như ông Nguyễn Văn Nhất, ông Nguyễn Hồng Giang cũng không còn nữa. Đến cuối đời ông Hồng Giang vẫn băn khoăn là tại sao ngày ấy bí mật đi tìm địa điểm sơ tán tận Tây Thanh Hóa, lên Hòa Bình mà cuối cùng trụ lại ở Trầm?

65 năm. Lần nữa, đi lại trên con đường mà bà Dương Thị Ngân đã đi từ cánh cổng gạch pha sắt 128C Đại La, Hà Nội đến chùa Trầm trong đêm đầu tiên toàn quốc kháng chiến, tôi mới hiểu thêm Trầm một chút.

Sân Trầm vẫn thế, phủ kín tán cây cổ thụ xanh mát. Chùa Trầm vẫn vậy, rêu phong và kín đáo. Khác chăng là trước cửa hang Trầm có biểu tượng ghi nhận Đài Tiếng nói Việt Nam đặt bước chân đầu tiên, rời Hà Nội lên thủ đô gió ngàn cùng dân tộc kháng chiến.

Biểu tượng được dựng lên từ những năm 90 của thế kỷ trước bằng sắt trộn xi măng, gạch vữa nay cũng đã cũ rồi. Chỉ có những lều bạt xanh đỏ căng vội phục vụ khách tham quan là mới, luôn luôn mới rải khắp sân chùa.

Giữa sân chùa, tôi bắt chuyện với anh Nguyễn Ngọc Duy, người làng Trầm - Trưởng ban quản lý di tích.

Anh đã 73 tuổi, 6 con, trai gái đủ cả, 14 cháu nội ngoại sum vầy, nhưng vẫn nhanh nhẹn, rắn khỏe. Như anh nói vẫn là lính, bởi có 16 năm ở chiến trường Quảng Trị nghiệt ngã và máu lửa.

Với con mắt lính, anh chỉ cho tôi thấy dãy núi Trầm, năm ngọn, như Hạ Long cạn trên đất Phụng Châu.

Ngoài vẻ đẹp sơn thủy, ngọn núi có tầm nhìn xa, bao quát rộng, kiểm soát con đường 6 chiến lược nối Hà Đông với Sơn Tây, lên Tây Bắc.

Hệ thống hang động sâu kín, dễ ém quân. Sông Đáy như một chiến lũy tự nhiên che chắn cho Trầm. Bởi thế mà tự ngàn năm xưa, mãnh đất này đã in dấu chân Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Đinh Bộ Lĩnh, Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi – Nguyễn Trãi.

Anh Nguyễn Xuân Tuyến - Phó Bí thư thường trực xã Phụng Câu tặng tôi cuốn lịch sử địa phương gần 300 trang.

Sau kỳ tích của người xưa, lịch sử Phụng Châu – Chùa Trầm trang trọng ghi lại: “Đặc biệt là đến thế kỷ XX, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp… đặc biệt ở động Long Tiên (hang Trầm) Chính phủ chọn đặt Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tại đây, sáng 20/12/1946, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền vang trong cả nước. Tiếp đó là đêm 30 Tết Đinh Hợi (1947) Bác Hồ về Trầm (thăm Đài Phát thanh Quốc gia) đọc thơ chúc Tết kháng chiến với cán bộ chiến sỹ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài.” Sự kiện lịch sử được nhắc lại 3 lần trong một cuốn sử đầy niềm tự hào và trách nhiệm.

Bởi vậy mà các nhà sử học Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc đến đây đều mong muốn dân xã giữ gìn di tích lịch sử này.

Khi thăm lại Trầm lần cuối, trước khi về với tổ tiên, nhà báo lão thành Trần Lâm - Tổng Biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam nhắn lại: “Trầm giờ đây không chỉ của nhân dân Phụng Châu, không chỉ của Đài Quốc gia, mà là của chung rồi. Chúng ta cùng nhau giữ gìn, bảo vệ cho con cháu hôm nay và mai sau hiểu rằng nơi đây là đất thiêng. Tự hào lắm”.

Đường lên Trầm vẫn thế, cách cổng đài Phát sóng Bạch Mai 30 cây số đường đất. Nhưng một lần đi lại trên con đường mà cha anh đã đi hơn nửa thế kỷ trước mới hiểu thêm một chút về Trầm.

Hà Nội – Trầm – 18/12/2011./.