Vì sao đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Triều Tiên không chạy về Hà Nội?
VOV.VN - Vì sao đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chỉ dừng ở ga Đồng Đăng mà không chạy thẳng về ga Yên Viên, Hà Nội?
Lúc 8h15 ngày 26/2 đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Kim Jong-un và đoàn tuỳ tùng đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam). Tuy nhiên, không lâu sau đó, khoảng 9 giờ đoàn tàu này đã quay trở lại ga Bằng Tường (Trung Quốc), và dự kiến sẽ quay lại Đồng Đăng vào ngày mai (2/3) để đón đoàn khi Chủ tịch Kim Jong-un kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Kim Jong-un và đoàn tuỳ tùng đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam). |
Đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim Jong-un có một đầu máy và 13 toa, trong đó nội thất tàu được thiết kế đặc biệt gồm nhiều phòng họp, phòng ngủ, có thể hoạt động như một văn phòng làm việc di động.
Ngoài chuyên chở ông Kim Jong-un và đoàn tuỳ tùng, con tàu còn chở theo 2 phương tiện phục vụ việc di chuyển của lãnh đạo Triều Tiên là xe Mercedes S600 và Maybach 62S.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bước xuống từ đoàn tàu bọc thép tại ga Đồng Đăng sáng 26/2. |
Trước đó, con tàu khởi hành chiều 23/2 đã vượt qua gần 5.000 km với tốc độ trung bình khoảng 60 km/giờ, từ Bình Nhưỡng xuyên qua Trung Quốc đến Đồng Đăng, Lạng Sơn với thời gian gần 65 tiếng.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chỉ dừng ở ga Đồng Đăng mà không chạy thẳng về ga Yên Viên (Hà Nội) trong khi hạ tầng đường sắt có thể đáp ứng được?
Theo thông tin, đoàn tàu quay trở lại ga Bằng Tường (Trung Quốc) cách ga Đồng Đăng vài chục cây số thay vì đỗ lại ga do liên quan đến phương án bảo dưỡng, kỹ thuật của đoàn tàu.
Đường sắt liên vận Việt – Trung sẵn sàng chạy thẳng về Hà Nội
Theo đại diện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), lý do chọn ga Đồng Đăng để đón đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sang dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thì có rất nhiều, bao gồm cả an ninh và các yếu tố kĩ thuật khác.
Ông Phan Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc VNR cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng dài hơn 167km, đoạn từ ga Đồng Đăng đến điểm kết nối ray với đường sắt Trung Quốc khoảng 4,7km. Đây là tuyến đường đơn, khổ lồng có thể vừa chạy được tàu khổ 1.000mm, vừa chạy được tàu khổ 1.435mm, kéo từ điểm nối ray về đến ga liên vận quốc tế Gia Lâm, với 21 ga, tốc độ chạy tàu khoảng 60km/h. Tuy nhiên, hiện năng lực thông qua trên tuyến khá hạn chế, chỉ khoảng 15 đôi tàu/ngày đêm.
Đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Kim Jong-un và đoàn tuỳ tùng đến ga Đồng Đăng sáng 26/2. |
Cũng theo ông Quốc Anh, riêng ga Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) là ga liên vận quốc tế, cũng là ga cuối cùng tuyến đường sắt Gia Lâm - Đồng Đăng, kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Trong Ga Đồng Đăng có 10 đường sắt, đều là đường khổ lồng.
Theo Phó Tổng Giám đốc VNR, về mặt kĩ thuật, chất lượng cầu - đường trên tuyến hoàn toàn cho phép chạy tàu tổng tải trọng lớn đi qua. Hiện, đầu máy Đông Phong (Trung Quốc) có tải trọng rất lớn, 23 tấn/trục đang thực hiện kéo tàu khách liên vận quốc tế vẫn có thể qua lại bình thường. Nhiều đoàn tàu hàng có tải trọng đầu máy, toa xe và tổng tải trọng rất lớn vẫn qua lại hàng ngày.
Vệ sỹ của Chủ tịch Kim Jong-un đứng bảo vệ đoàn tàu. |
“Về mặt kỹ thuật, với tổng tải trọng đầu máy và 13 toa xe đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong-un, hạ tầng đường sắt trên toàn tuyến hoàn toàn có thể đáp ứng, cũng như có thể đón đoàn tàu tại bất kỳ nhà ga nào”, ông Quốc Anh nói và cho biết, tuy nhiên, các nhà ga này lại không phù hợp để chuẩn bị cho công tác đón đoàn khách cấp cao.
Cũng theo ông Quốc Anh, phía Triều Tiên đã phối hợp với các cơ quan và Đường sắt Việt Nam tiến hành khảo sát và chọn ga Đồng Đăng vì đủ chiều rộng, chiều dài sân ga (sát ke số 1 là ke đón tàu bọc thép) để chuẩn bị các thiết bị như: Cầu thép, cầu dẫn đón khách và xe ô tô, phương tiện từ trên toa xe xuống thẳng ke ga một cách chuẩn xác nhất...
“Phía bạn yêu cầu chính xác đến từng milimet về vị trí đón khách, phương tiện như cửa toa xe, lối ra thẳng cửa ga và yêu cầu chuẩn xác về thời gian, đảm bảo nghi thức, an toàn”, ông Quốc Anh nói.
Tuyến đường sắt nhiều tiềm năng của “Hai hành lang - một vành đai kinh tế”
Tuyến đường sắt khổ lồng (1.000mm và 1.435mm) Hà Nội - Đồng Đăng được Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng cách đây khoảng 50 năm. Đây là tuyến đường liên vận kết nối đường sắt các nước thông qua đường sắt Trung Quốc. Nhiều đoàn tàu chở hàng cứu trợ, cứu viện của Liên Xô (cũ), Trung Quốc chi viện cho Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cũng đi qua tuyến đường này.
Đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Kim Jong-un và đoàn tuỳ tùng đến ga Đồng Đăng sáng 26/2 sau đó quay lại bên Trung Quốc. |
Sau chiến tranh biên giới phía Bắc những năm 79 - 80 của thế kỷ trước, tuyến liên vận này bị gián đoạn. Đến năm 1993, mới khôi phục chạy tàu lại qua Đồng Đăng - Bằng Tường.
“Trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng hiện có tàu khách liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh chạy vào thứ ba, thứ sáu hàng tuần; đôi tàu khách liên vận quốc tế MR1/2 Hà Nội - Nam Ninh và đôi tàu ĐĐ5/6 Hà Nội - Đồng Đăng chạy hàng ngày”, đại diện VNR cho hay.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tuyến vận tải hàng hóa đường sắt từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc, Kazakstan đi Nga, các nước Trung Á và châu Âu được ví là “con đường tơ lụa” vì tiềm năng phát triển rất lớn. Đây là tuyến đường sắt duy nhất của Việt Nam có khổ đường 1.435mm kết nối với đường sắt Trung Quốc từ đó đi các nước thứ ba, như Nga, Ba Lan…mà không phải sang toa, chuyển tải hay chuyển đổi tàu.
“Nếu thực hiện tốt kết nối vận tải liên vận quốc tế và dịch vụ logistics sẽ mở ra cơ hội lớn thúc đẩy vận tải hàng hóa trên tuyến”, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhìn nhận./.
Hình ảnh đầu tiên của ông Kim Jong-un tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn
Ảnh: Ga Đồng Đăng đêm đón đoàn tàu chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Bộ đội tăng cường chốt trực tại ga Đồng Đăng