Vì sao giá đất ngoại thành Hà Nội tăng “phi mã“?
VOV.VN -Một trong những nguyên nhân của việc "sốt" đất ven Hà Nội là do người dân, giới đầu tư thiếu thông tin, hoặc thông tin không được kiểm chứng, mập mờ...
Đất “sốt” do thiếu thông tin
Các dự án đất nền trong quý I/2019 được sự quan tâm lớn của người dân, nhà đầu tư, thậm chí ở một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Quảng Nam... tạo ra những làn sóng rất sôi động, "sốt" đất.
Thông tin này được ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại hội thảo Tiêu điểm Bất động sản quý I, xu hướng và cơ hội đầu tư quý II/2019 do Tạp chí điện tử Diễn Đàn Đầu Tư tổ chức chiều 6/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hoá.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), lý giải nguyên nhân tình trạng "sốt" đất. |
Ông Khởi liệt kê một số điểm "nóng" về đất nền ở Hà Nội như huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh. Ở TP HCM có huyện Củ Chi, khu vực ven đô, Nhà Bè...
"Ở các địa phương có sốt đất nền, đa phần xảy ra ở các khu vực sắp sáp nhập vào thành phố, hoặc quy hoạch khu đô thị thì sẽ tạo ra sự quan tâm của nhiều người", ông Khởi nói.
Về việc thời gian qua ở các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, TP HCM... có tình trạng "sốt" đất, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng nguyên nhân đến từ nhiều phía, nhưng trong đó việc nhiễu loạn thông tin về quy hoạch, chính sách khiến thị trường này có phần phức tạp.
Hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có quỹ đất rộng rãi và thời gian qua đất ở Đông Anh đang bị cò đất "thổi" giá. |
"Thông tin ở các khu vực có khả năng "sốt" đất thường chưa được kiểm chứng, chưa rõ ràng. Việc thiếu thông tin, thông tin không rõ ràng có phần lỗi từ cơ quan quản lý nhà nước, ch ính quyền địa phương", ông Khởi cho hay.
Ông Khởi dẫn chứng một số thông tin chưa kiểm chứng, thiếu rõ ràng như thông tin sáp nhập huyện, thông tin huyện lên quận, sáp nhập môt số đơn vị hành chính vào thành phố nào đó. Theo ông, những thông tin này không được công khai minh bạch sẽ rất dễ tạo ra "sốt" đất. Cũng không loại trừ các loại tin đồn để tạo sóng thị trường bất động sản.
Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh đến khi nào những thông tin về chính sách, về quy hoạch... chưa được công khai, minh bạch thì tình trạng "sốt" đất vẫn còn.
Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh đến khi nào những thông tin về chính sách, về quy hoạch... chưa được công khai, minh bạch thì tình trạng "sốt" đất vẫn còn. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết người dân, dư luận nói về việc "sốt" đất trong thời gian vừa qua nhưng thực tế lượng giao dịch ở một số địa phương như Vân Đồn (Quảng Ninh), Đà Nẵng... đều không cao. "Như Vân Đồn, trong quý I chỉ có khoảng 165 giao dịch", ông Đính nói.
Ông Đính cũng nhắc lại việc minh bạch thông tin ở các địa phương đang rất thiếu. "Người dân, giới đầu tư khi nghe có tin đồn về quy hoạch, chính sách, nếu thấy có lợi thì họ sẽ vào đầu tư. Việc đầu tư có thể đúng, có thể sai. Nhưng đối với giới đầu tư, khi sai thì họ phải tìm cách để tháo ra, nên thông tin sẽ càng thêm nhiễu, không tránh khỏi tình trạng đầu cơ thổi giá", ông Đính cho hay.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định chuyển động thị trường bất động sản quý II sẽ tập trung vào phân khúc căn hộ chung cư tầm trung tập trung và phân khúc đất nền vùng ven đô sẽ được quan tâm.
GS. Đặng Hùng Võ nhận định chuyển động thị trường bất động sản quý II sẽ tập trung vào phân khúc căn hộ chung cư tầm trung tập trung và phân khúc đất nền vùng ven đô sẽ được quan tâm. |
“Nhà chung cư mọc lên nhưng chủ yếu bán cho người từ các tỉnh khác đến, nhà ở phân khúc trung bình và giá thấp sẽ vẫn giữ vị trí chủ đạo, chủ yếu vẫn ở Hà Nội và TP HCM vì nó gắn với quá trình di dân, di lao động. Còn bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vẫn có tiềm năng nhưng hiện tại phát triển chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp cũng sẽ được đánh thức các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội vừa qua. Đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh và đất nước Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư...”, GS. Đặng Hùng Võ nói.
Bất động sản nhiều địa phương đang “nóng” hơn Hà Nội, PTHCM
Đánh giá thị trường bất động sản quý 1, các chuyên gia cho rằng đất nền vẫn là tiêu điểm sôi động nhất, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, chung cư tầm trung đứng thứ 2, còn nhà ở cao cấp giao dịch có vẻ trầm lắng.
Nhiều địa phương ven Hà Nội đang có hiện tượng "sốt" đất. |
Riêng lĩnh vực bất động sản công nghiệp lại khá sôi động, đây là lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Xu hướng BĐS đã có sự dịch chuyển từ TP Hà Nội, Hồ Chí Minh sang nhiều tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu....
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Thành chia sẻ, cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia bất động sản đã dự báo đất nền sẽ là phân khúc sôi động trong năm 2019. Diễn biến thị trường quý 1 cho thấy điều này đã xảy ra. Đất nền vẫn là tiêu điểm và chung cư vẫn đứng thứ hai. Đây là điều dễ hiểu vì đây đều là các phân khúc quan trọng của thị trường bất động sản”.
“Bất động sản công nghiệp theo tôi, cuối năm 2018 và đầu 2019 khá sôi động và nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Không chỉ của nhà đầu tư địa phương mà cả nhà đầu tư các khu vực khác, nhà đầu tư ngoại. Xu hướng bất động sản năm nay được dự báo sẽ dịch chuyển sang các khu vực khác, thị trường Thủ đô và TP.HCM không còn là địa điểm được quan tâm nhiều nhất của thị trường. Bên cạnh đó, ngoài các thị trường tương đối quen thuộc như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, tôi nhận thấy còn nhiều địa phương khác đang dần tạo dấu ấn, như: Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu hay nhiều địa phương khác. Đánh giá của các công ty phân tích đều thấy tỷ lệ giao dịch thành công nhiều ở phân khúc tầm trung. Tuy nhiên, theo tôi, có thể có sự sai lệch đôi chút. Chung cư giá rẻ nhiều người quan tâm nhưng do nguồn cung ít nên nó không thật sôi động”, TS. Thành nhận định.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, ông Thành cho rằng, thị hiếu đầu tư còn tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người và vấn đề của túi tiền. Các nhà đầu tư có thể bị cuốn hút vào các cơn sóng nhưng để hạn chế rủi ro, cần nhìn đến cái đích cuối cùng là khách hàng muốn gì (nhất là với những nhà đầu tư ngắn hạn – PV). Có thể là cách sống, mức sống, thu nhập và văn hóa của khách hàng. Theo ông Thành, đây là điểm căn cơ nhất trong đầu tư bất động sản.
Đa số các chuyên gia nhận định, sẽ có sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư bất động sản sang các tỉnh. Do tiềm năng phát triển du lịch, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, tuyến đường cao tốc, hạ tầng, phương tiện đi lại thuận lợi hơn kết nối vùng miền, nó sẽ tạo điều kiện phát triển bất động sản tại các tỉnh bao lâu nay vẫn ngủ quên.
Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục bỏ rào cản để bất động sản phát triển lành mạnh, tránh bị thổi giá, sốt ảo./.
Đất vùng ven Hà Nội bị "thổi giá" sau thông tin sắp lên quận
Như VOV đã phản ánh, thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù để đưa 4 huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì lên quận vào năm 2020 đã khiến giá đất tại 4 huyện này tăng chóng mặt thời gian đần đây.
Điều đáng nói là trước thời điểm Hà Nội thống nhất lộ trình 4 huyện lên quận vào năm 2020, thông tin này đã được các môi giới truyền tai nhau và từ cuối năm 2018, giá đất tại 4 huyện trên tăng nhanh bất thường.
Tại huyện Đông Anh, theo khảo sát, một số vị trí đất nền, biệt thự, nhà liền kề ở khu Thanh Trì đang được chào bán từ 26-30 triệu đồng/m2, có nơi 35-40 triệu đồng/m2, thậm chí trên 55 triệu đồng/m2. Nhiều vị trí đất phân lô ở khu vực này cũng có giá từ 55-65 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với đầu năm ngoái.
Tại huyện Hoài Đức, đất mặt tiền ở thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá cao ngất ngưởng: 120-130 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá chào bán 80 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2017. Ngay cả đất ở các xã An Khánh, An Thượng cũng được chào giá 30-40 triệu đồng/m2, tăng 30%-40%.
Quy hoạch đô thị vệ tinh của Hà Nội: Dân khổ vì “mác” đô thị
Quy hoạch đô thị vệ tinh của Hà Nội: Khổ vì mác "đô thị" đến bao giờ?
Hà Nội quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc với 600 nghìn dân
Chủ tịch Hà Nội: Chấm dứt làm quy hoạch đô thị theo kiểu “băm nát"