Vì sao huyện Sóc Sơn tạm dừng xử lý vi phạm đất rừng?
VOV.VN - Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch rừng Sóc Sơn, rà soát hiện trạng từng trường hợp cụ thể về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, huyện sẽ tiếp tục xem xét lập hồ sơ quản lý. Các trường hợp vi phạm sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tin đến các cơ quan báo chí liên quan đến các công trình xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, rừng Sóc Sơn có đặc điểm dân có trước rừng có sau, dân ở mới trồng rừng.
Giai đoạn trước năm 1988, rừng Sóc Sơn chỉ có 234 ha rừng thông, bạch đàn còn lại là đất trống đồi núi trọc. Để khuyến khích nhân dân tham gia trồng và bảo vệ rừng, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 6052 về chính sách cho các hộ gia đình cá nhân phát triển kinh tế đồi rừng. Cũng trong giai đoạn này có rất nhiều chương trình trồng rừng như chương trình PAM 1989, chương trình 327… thực hiện một số chủ trương chính sử sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc. Do vậy, các chương trình trồng rừng từ giai đoạn năm 1989 rừng Sóc Sơn phát triển được như hiện nay.
Tại các khu vực đất rừng Đồng Đò (xã Minh Trí), Ban Tiện (xã Minh Phú), giai đoạn 1986, UBDN thành phố Hà Nội có Quyết định số 5254 về việc phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật khu kinh tế mới hồ Đồng Đò. Theo đó, phục vụ di dân cho các hộ dân ở các xã lũ lụt thường xuyên giai đoạn đó như xã: Tân Hưng, Xuân Thu, Kim Lũ và một số hộ dân xã Minh Trí đến khu kinh tế mới hồ Đồng Đò cũng như khu Phú Linh, hồ Ban Tiện để xây dựng kinh tế mới.
Giai đoạn 1986-1988, khi các hộ dân xây dựng kinh tế mới, quả thực chính quyền địa phương không giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân và không có hồ sơ quản lý đối với các hộ dân. Đồng thời cũng không có việc giao đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân để xây dựng vùng kinh tế mới. Do vậy các hộ dân sử đất trong khu vực này vẫn là tự phát khai hoang để phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở. Qua rất nhiều thế hệ từ giai đoạn trên đến nay, có nhiều hộ dân đã có 3-4 thế hệ sinh sống tại đây. Đặc biệt do không có hồ sơ quản lý đất đai dẫn đến giai đoạn năm 2008 khi quy hoạch rừng của huyện Sóc Sơn theo Quyết định 2100 của UBND thành phố Hà Nội, toàn bộ các hộ dân đi xây dựng kinh tế mới vẫn nằm trong quy hoạch rừng.
Theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn do không có hồ sơ quản lý đất đai nên khi các hộ dân xây dựng công trình sẽ xem xét lập hồ sơ xử lý.
Cũng liên quan đến rừng Sóc Sơn ở khu vực hồ Đồng Đò, hồ Ban Tiện, năm 2019, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã thanh tra việc sử dụng đất rừng của huyện Sóc Sơn và có Kết luận 1085 xác định các hộ dân xây dựng năm 2017 - 2018 là vi phạm. UBND huyện Sóc Sơn đã nghiêm túc triển khai thực hiện và đã thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với các hộ theo kết luận thanh tra. Sau khi UBND huyện ban hành biện pháp quyết định hành chính, các hộ dân có có đơn đến Toà án nhân dân, Thanh tra Chính phủ... Thanh tra Chính phủ giai đoạn đó đã tổ chức kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các hộ dân xây dựng trong khu vực này cần được xem xét đảm bảo quyền lợi người dân, yêu cầu tạm dừng cưỡng chế đối với hộ dân có đơn và hộ dân trong kết luận của Thanh tra Thành phố.
Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, huyện Sóc Sơn tiếp tục xem xét đối với các hộ dân. Đặc biệt, UBND thành phố Hà Nội có Kế hoạch số 57 thực hiện rà soát hiện trạng rừng tại các huyện có rừng, trong đó có Sóc Sơn. “Chúng tôi đến nay đã cơ bản hoàn thành rà soát hiện trạng rừng. Qua rà soát, quy hoạch rừng năm 2008 bao gồm nhiều loại đất, trong đó có đất của hộ gia đình cá nhân được đo đạc bản đồ khu dân cư tỷ lệ 1/1000 năm 1993 khoảng 200 ha; đất an ninh quốc phòng trên 500 ha; đất giao cho các tổ chức khoảng 200 ha; đất nông nghiệp giao cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp hơn 100 ha. Ngoài ra, một số trường hợp sử dụng đất như ở hồ Đồng Đò, hồ Ban Tiện, Thanh Hà…", lãnh đạo huyện Sóc Sơn thông tin.
Trên cơ sở rà soát hiện trạng rừng, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục xem xét những nội dung bất cập nằm trong ranh giới quy hoạch rừng để đề xuất UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy hoạch rừng. “Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch rừng Sóc Sơn, chúng tôi rà soát hiện trạng từng trường hợp cụ thể về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất. Chúng tôi tiếp tục xem xét lập hồ sơ quản lý, các trường hợp vi phạm sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết.
Cũng theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, song song với việc xử lý vi phạm đất đai sau kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đã liên tục kiểm tra, xử lý vi phạm mới phát sinh. Từ đầu năm 2023, tại 2 xã Minh Trí, Minh Phú, đã xảy ra 60 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất. Đến thời điểm này đã xử lý 45/60 trường hợp. Đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, UBND huyện Sóc Sơn chuyển cơ quan công an huyện để xử lý theo quy định.
Rừng phòng hộ Sóc Sơn có diện tích 4.557 ha, trải rộng trên 10 xã, gồm: Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Phù Linh, Quang Tiến, Tiên Dược, Tân Minh và thị TT.Sóc Sơn. Việc "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn kéo dài nhiều năm qua.
Năm 2019, Thanh tra TP.Hà Nội công bố kết luận chỉ ra hàng nghìn vụ vi phạm đất rừng phòng hộ. Riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven các hồ lớn (Đồng Quan, Hàm Lợn, Đồng Đò...) trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.