Vì sao nhiều vi phạm an toàn bay do đốt rơm rạ nhưng chưa xử lý?
VOV.VN - Đốt rơm rạ tạo nên khói bay lên không gian tại khu vực gần sân bay, đặc biệt là trên hành lang về hạ cánh là uy hiếp đến an toàn bay.
Như VOV đã phản ánh, tình trạng người dân đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng huyện Sóc Sơn, Hà Nội thời gian qua đã ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công trong quá trình cất cánh, hạ cánh tại sân bay Nội Bài, đe dọa an ninh hàng không.
Mặc dù, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn và 5 xã liên quan ngăn chặn tình trạng này.
Tuy nhiên, đến nay khói rơm rạ vẫn “uy hiếp” sân bay Nội Bài. Vì sao nhiều vi phạm liên quan đến an toàn bay diễn ra liên tục như vậy nhưng chưa được xử lý? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng Giám sát an toàn, Cảng vụ Hàng không miền Bắc về vấn đề này.
Ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng Giám sát an toàn, Cảng vụ Hàng không miền Bắc. |
PV: Thưa ông, người dân có hành vi đốt rơm rạ trên cánh đồng gần sân bay Nội Bài đã vi phạm những quy định nào của pháp luật?
Ông Trương Hữu Linh: Đốt rơm rạ tạo nên khói bay lên không gian tại khu vực gần sân bay, đặc biệt là trên hành lang về hạ cánh là uy hiếp đến an toàn vì khói có thể giảm tầm nhìn của người lái và nhiều bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng. Việc này diễn ra nhiều năm rồi vào mùa thu hoạch của người nông dân.
Hiện nay, trong các quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực hàng không có nhiều hành vi trong Nghị định 162/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Sau khi có phản ánh của phi công, chúng tôi đã 2 lần xuống hiện trường, phát hiện nhiều đống rơm rạ bị đốt, nhưng không có người dân ở đó. Chúng tôi đã dập lửa. Mặc dù chưa đến mức dùng xe cứu hỏa nhưng khói của những đống rơm rạ đó rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân. Ngoài việc gửi công văn đôn đốc phối hợp với chính quyền các địa phương và công an huyện, chúng tôi đã phối hợp với địa phương để tuyên truyền. Chúng tôi cũng kiểm tra, nếu phát hiện sẽ đề nghị chính quyền địa phương xử lý.
PV: Vậy theo ông trách nhiệm của chính quyền huyện Sóc Sơn và 5 xã liên quan như thế nào khi để xảy ra tình trạng khói rơm rạ “uy hiếp” sân bay Nội Bài?
Ông Trương Hữu Linh: Đảm bảo an toàn hàng không, an ninh quốc gia tại sân bay là trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có sân bay, cũng là trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bay và trách nhiệm của người dân. Văn bản quy phạm pháp luật đã quy định. Tuy nhiên, đầu tiên là trách nhiệm của chính quyền địa phương, phải tuyên truyền nhắc nhở, vận động để bà con hiểu được tác hại của những hành vi vi phạm, nguy cơ uy hiếp an toàn bay. Còn trách nhiệm của nhà chức trách sân bay là chúng tôi đảm bảo an toàn trong khu vực cảng vụ…
PV: Không chỉ có tình trạng đốt rơm rạ, mà trước đó từng xảy ra hiện tượng chiếu đèn có ánh sáng cường độ cao vào máy bay, thả diều trong khu vực máy bay sắp hạ cánh và thả vật thể bay, máy bay không người lái vào khu vực sân bay, thưa ông?
Ông Trương Hữu Linh: Chúng tôi phối hợp với cơ quan công an và xác định được có những đơn vị tổ chức sự kiến, biểu diễn đã chiếu đèn ánh sáng cường độ cao vào máy bay… Vì sao một hành vi thả diều ở bãi biển thì lại được phép. Hoặc hành vi đốt rơm rạ, nếu đốt ở nơi không có khu vực máy bay hạ độ cao thì lại được phép. Hoặc máy bay không người lái được phép thực hiện tại những khu vực quy định nếu có giấy phép hoạt động.
Tại khu vực cảng hàng không và nơi máy bay hoạt động ở tầm thấp, chúng tôi đánh giá rằng, những hành vi vừa nêu là nguy cơ uy hiếp an toàn, cần phải chấm dứt, không ai biết trước được rằng những hành vi đó không gây ảnh hưởng đến an toàn bay. Chỉ đơn giản là một cánh diều cũng có thể gây va đập vào máy bay, thậm chí chui vào động cơ gây ảnh hưởng đến vận hành. Hay khói rơm rạ ảnh hưởng đến tầm nhìn của máy bay. Khi đó, hậu quả sẽ khôn lường…
Tại khu vực gần sân bay thì những trò chơi như thả diều, vật thể bay lại là vi phạm pháp luật, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
PV: Rõ ràng là những vi phạm liên quan đến an toàn bay diễn ra liên tục. Vậy đã có trường hợp nào bị xử lý chưa, thưa ông?
Ông Trương Hữu Linh: Việc xử lý là đường cùng, chủ yếu là tuyên truyền để người dân nhận thức được là hành vi đốt rơm rạ, thả diều có thể gây những nguy cơ khôn lường. Đến nay, chưa có trường hợp nào bị địa phương xử lý hành vi vi phạm…
Tuy nhiên, nếu xác định được người vi phạm và xác định được hành vi đó là nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng thì đương nhiên là phải chuyển sang xử lý hình sự, dù người đó vô ý hay cố ý, cũng như vừa qua, khi người đốt rác để xảy ra cháy rừng thì cũng bị xử lý hình sự.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Đốt rơm rạ ảnh hưởng chất lượng không khí Hà Nội
Ảnh: Khói đốt rơm rạ bủa vây ngoại ô Hà Nội