Việc làm thêm ngày Tết và những “bẫy” cần tránh
VOV.VN -Nhu cầu tuyển dụng cao, mức lương tăng là cơ hội cho học sinh, sinh viên có việc làm khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Để phục vụ thị trường cuối năm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, hàng hóa đang tăng cường các hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, việc làm bán thời gian tăng cao hơn bao giờ hết.
“Sốt” giúp việc theo giờ, bán hàng, phục vụ…
Những ngày này, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhộn nhịp người đến tìm việc làm thêm, các công ty đến tuyển dụng nhân sự dịp cuối năm.
Sinh viên đến tìm việc làm thêm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. |
Được nghỉ Tết khá sớm, Nguyễn Thị Trang (quê Hải Dương), sinh viên năm 2 Đại học Thương Mại đến Trung tâm để tìm việc làm thêm. “Hiện tại em vẫn phải học tại trường, nên em muốn tìm công việc nào có thể phù hợp với lịch học hiện tại. Sau khi nghỉ Tết, em có thể làm cả ngày. Em hy vọng có thể kiếm được 2-3 triệu trong tháng cuối năm để về quê ăn Tết”.
Nguyễn Thị Minh Nguyệt, quê Nghệ An, sinh viên năm nhất Đại học Thương Mại phấn khởi khi tìm được công việc giúp việc theo giờ. Nguyệt cho biết, theo thỏa thuận với công ty, em sẽ được đăng ký làm theo giờ, chủ yếu là sau 17h hàng ngày, với mức lương là 120.000 đồng/giờ.
“Thời gian làm việc khá linh hoạt, em có thể lựa chọn thời gian, sắp xếp lịch phù hợp với lịch học hiện tại”, Nguyệt chia sẻ.
Nếu công việc thuận lợi, Nguyệt sẽ ở lại Hà Nội làm thêm đến hết ngày 29 Tết để kiếm thêm tiền về quê ăn Tết và trang trải công việc học.
Được biết, từ đầu tháng 12 âm lịch, các đơn vị đã khẩn trương tuyển nhân viên thời vụ, khoảng 10 ngày trước Tết là đợt cao điểm của hoạt động sản xuất, dịch vụ phục vụ dịp Tết.
Các ngành nghề cần nhiều lao động dịp này như đóng gói hàng Tết, bán hàng, thu ngân, chăm sóc khách hàng, nhân viên buồng phòng khách sạn, dịch vụ dọn nhà theo giờ, vận chuyển hàng Tết…
Vào dịp này, mức lương thường cao hơn so với các thời điểm khác trong năm từ 2-3 lần.
Theo anh Nguyễn Hồng Thắng, chuyên viên tuyển dụng của Vinmart+ cho biết, công ty anh cần tuyển 1000 nhân viên bán hàng cho hơn 500 cửa hàng trên toàn thành phố Hà Nội.
Thời gian làm việc được tính theo ca với mức lương cơ bản là 4,8 triệu đồng/ tháng.
Nếu tính cả lương theo doanh thu, một nhân viên có thể đạt 6-8 triệu đồng/tháng.
“Yêu cầu của chúng tôi không quá cao, chỉ cần chăm chỉ, hoạt bát, giao tiếp tốt. Nếu chưa từng làm công việc bán hàng, chúng tôi sẽ có đội ngũ riêng để đào tạo nhanh trước khi các bạn bước vào công việc”, anh Thắng cho hay.
Từng có nhiều năm làm ở vị trí tuyển dụng, anh Nguyễn Hồng Thắng cho biết, hàng năm, vào dịp cận Tết, công ty anh phải thông qua nhiều kênh, gấp rút tuyển dụng nhân lực chủ yếu cho các vị trí bán hàng.
Còn theo chị Nguyễn Thu Hương, công ty CP dịch vụ Wiido cho biết, công ty chị đang tuyển dụng không giới hạn số lượng giúp việc theo giờ dịp Tết với mức lương thời điểm hiện tại là 120.000 đồng/giờ. Mỗi ca làm việc tối thiểu là 3 giờ và đối đa là 5 giờ.
Chị Hương chia sẻ, dịp này có khá nhiều sinh viên tìm đến công ty chị để đăng ký làm việc. “Các bạn sinh viên còn trẻ nên rất nhanh nhẹn và hiểu ý khách. Các bạn thường nhận ca làm việc từ 4h chiều đến 7h tối, chủ yếu là vào các ngày cuối tuần. Ngoài ra chúng tôi cũng rất khuyến khích những người đã về hưu muốn tìm việc làm thêm, các bà nội trợ tuổi từ 35-40 tuổi. Sau khi nhận người, chúng tôi sẽ đào tạo những kỹ năng làm giúp việc cơ bản cho những người chưa có kinh nghiệm và kiểm tra lại với những người đã có kinh nghiệm trước đó”, chị Hương cho biết.
Chị Hương cũng cho hay, vào dịp Tết, lượng khách đến công ty chị tìm người giúp việc theo giờ tăng lên từ 30-50%, đặc biệt là thời gian từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết âm lịch. Nếu làm trong khoảng thời gian này, người lao động có thể nhận được mức lương cao gấp 3 lần bình thường.
Ngoài ra, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bất động sản cũng đang gấp rút tìm kiếm nhân sự cho các hoạt động dịp Tết nguyên đán.
Tránh bẫy việc nhẹ, lương cao
Dịp giáp Tết, sinh viên tại nhiều trường Đại học được nghỉ khá sớm, cũng bởi vậy mà các bạn trẻ tranh thủ thời điểm này để tìm việc làm thêm, kiếm tiền về quê ăn Tết. Đây cũng là thời điểm các công ty “ma” thừa cơ tìm cách lừa đảo, kiếm tiền từ sự cả tin của những sinh viên đang nóng lòng tìm việc.
Trần Thị Tươi, quê Hưng Yên, sinh viên Đại học Thương Mại Hà Nội cho biết, mới đây tìm trên mạng thấy một trang đăng tin tuyển dụng giúp việc theo giờ với mức lương 200.000 đồng/giờ.
Nhân lúc vừa thi xong học kỳ, còn khá rảnh rỗi, Tươi rủ bạn thân cùng liên hệ với người đăng tin để xin việc. Khi đến đây, Tươi và bạn được yêu cầu nộp 500.000 đồng tiền phí môi giới.
Thấy mức lương khá hấp dẫn, nên Tươi đã không ngần ngại nộp tiền. Nhưng đợi sau đó 1 tuần, vẫn không thấy người mô giới gọi đi làm, khi gọi lại vào số máy trước kia, thì thấy thông báo “thuê bao hiện không liên lạc được”.
Cũng vào thời điểm này, năm ngoái, Thu Thảo, sinh viên năm 4 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã bị một công ty đa cấp lừa đảo.
Nghe nói về công việc buôn bán không cần bỏ vốn, có lợi nhuận cao, Thảo đồng ý đến công ty để tìm hiểu trực tiếp.
Có nên xuất khẩu lao động chất lượng cao khi trong nước vẫn thiếu?
“Khi đến cửa công ty, em được yêu cầu tắt điện thoại để tránh làm nhiễu sóng của mic. Sau đó, em được nghe giới thiệu về việc chỉ cần ngồi vỗ tay thuê tại các hội nghị cũng kiếm ra tiền. Đến đầu giờ trưa, một người gọi riêng em vào để nói chuyện trực tiếp. Tại đây, người này xưng là trưởng phòng nhân sự, rồi thuyết phục em cùng tham gia kiếm tiền bằng cách mua sản phẩm để trở thành thành viên của công ty sau đó giới thiệu sản phẩm của công ty cho bạn bè”, Thảo kể.
Khi Thảo nói không có tiền để mua sản phẩm, nhân viên tại công ty này “nhiệt tình” hướng dẫn Thảo đi cắm thẻ sinh viên để lấy vốn “làm ăn”.
Thực tế, chỉ cần mất 5 phút lướt qua các trang mạng, cũng có hàng tá các bài quảng cáo môi giới việc làm với tít hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao”, kinh doanh không cần bỏ vốn dịp Tết, công việc kiếm tiền triệu mỗi ngày dịp Tết cho sinh viên…
Tuy nhiên, khó có thể lường trước được những rủi ro đằng sau những thông tin có vẻ “béo bở” này.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội) cho biết dịp cuối năm sinh viên có nhu cầu làm thêm , các doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng lớn.
Tuy nhiên trong quá trình làm việc, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh những công việc được giới thiệu “việc nhàn lương cao”.
“Nhiều bạn đến đây tìm việc tâm sự trước kia đã từng bị lừa, nghe lương cao hấp dẫn là làm, nhưng có khi làm đến cả tháng vẫn chưa nhận được đồng lương nào. Các bạn phải đi đòi đến 5 lần, 7 lượt nhưng cũng không được, nản quá nên coi đó như học phí cho bài học kinh nghiệm của bản thân”.
Bà Liễu cho rằng người lao động cần cân nhắc tìm hiểu kỹ về các công ty trước khi ứng tuyển, hoặc tìm đến các địa chỉ giới thiệu việc làm uy tín để nhận được sự trợ giúp./.
Hệ luỵ từ những... báo cáo “tô hồng“
Ngày hội việc làm mùa thu 2017: Gần 1000 cơ hội việc làm
Vị trí việc làm cho bộ đội xuất ngũ tại Hà Nội
“Nghe nói có vị trí việc làm phải chạy cả tỷ đồng”