Chỉ bớt, không được thêm thủ tục khi hỗ trợ người lao động khó khăn do dịch Covid-19
VOV.VN - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ người lao động đã ban hành đã đơn giản tối đa thủ tục nên địa phương không thêm thủ tục mà chỉ bớt đi. Các địa phương lập danh sách lao động tự do bị ảnh hưởng tại địa phương và phát tiền hỗ trợ theo nơi họ đang cư trú.
Thông tin tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg vào ngày 14/7 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, những tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước là 2,42 %, tỷ lệ thiếu việc làm là 2,6 %. Riêng khu vực phi chính thức là trên 60 %. Lao động tự do bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những khu vực đô thị.
Các lĩnh vực đã bị ảnh hưởng lớn từ năm 2020, nay lại càng chịu tác động sâu hơn. Điều này khiến đời sống người lao động càng khó khăn, nhất là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giao thông, du lịch…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, đợt dịch lần thứ 4 đang xâm nhập vào khu vực công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đây là khu vực cơ bản, chiếm 3,8 triệu lao động trong tổng số 11 triệu lao động trực tiếp trong cả nước.
Thống kê đến nay, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến 130.000 lao động của tỉnh Bắc Giang bị dừng hoạt động, tại Bắc Ninh ảnh hưởng 40.000 lao động… Khoảng 2 tuần gần đây, dịch ảnh hưởng lớn tới TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Vũng Tàu… Tại các tỉnh thành phía Nam đang ghi nhận tình trạng gia tăng người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, những tác động trên là vô cùng lớn. Điều này cho thấy vấn đề đời sống việc làm đặt ra những gánh nặng lớn trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất lớn. Dư luận đồng tình với những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP, Bộ đã chủ động hơn trong việc đề xuất báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội…Trên cơ sở đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg …
Về thủ tục, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg đã giảm thủ tục xét duyệt hỗ trợ từ 25 ngày xuống còn 5 ngày của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều thủ tục khác giảm từ 40 ngày xuống còn 7 ngày.
Thống kê tới ngày 14/7, Bộ LĐ-TB-XH đã nhận được 33/63 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của các tỉnh, thành. Nhiều tỉnh, thành và BHXH Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội triển khai nhanh sau vài ngày từ khi có Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong Nghị quyết 68, có 3 nội dung liên quan trực tiếp lĩnh vực BHXH. Đơn vị đã quyết liệt rút gọn thủ tục xuống 1 ngày thông qua khai thác ngay cơ sở dữ liệu hiện có của doanh nghiệp, ưu tiên chính sách "dễ thì làm trước" để đối tượng thụ hưởng nhanh nhất.
Về mặt thủ tục, BHXH Việt Nam sẽ không yêu cầu doanh nghiệp và người lao động bổ sung hồ sơ so với những gì đã quy định tại Quyết định 23. BHXH đề nghị Bộ LĐTBXH chỉ đạo các đơn vị phối hợp với bảo hiểm xã hội để thống nhất triển khai, tháo gỡ các vướng mắc kip thời.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Địa phương phải chủ động chính sách với lao động tự do, linh hoạt kinh phí hình thức hỗ trợ, bên cạnh tiền hỗ trợ bằng ATM gạo, siêu thị 0 đồng…. Các chính sách hỗ trợ người lao động đã ban hành đã đơn giản tối đa thủ tục nên địa phương không thêm thủ tục mà chỉ bớt đi. Các địa phương lập danh sách lao động tự do bị ảnh hưởng tại địa phương và phát tiền hỗ trợ theo nơi họ đang cư trú”.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB-XH cũng yêu cầu thời gian tới, cần lấy an toàn cho người dân là trên hết, không để ai bị đói, quan tâm người nghèo, yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn nên việc triển khai NQ 68 và Quyết định 23, các địa phương phải khẩn trương, tập trung triển khai hỗ trợ ngay.
Tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ là đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân. Khu công nghiệp chỉ khi nào thực sự an toàn mới sản xuất kinh doanh, không an toàn thì dừng hoạt động và thực hiện 3 tại chỗ với phương án giãn cách an toàn. Bộ LĐTBXH sẽ cùng với VCCI, Tổng Liên đoàn lao động sẽ có văn bản chuyên đề về hướng dẫn an toàn trong khu công nghiệp./.