Hỗ trợ lao động tự do: Địa phương căn cứ điều kiện và khả năng ngân sách để hỗ trợ
VOV.VN - Lần này lao động tự do sẽ nhận hỗ trợ tại nơi mình làm nghề tự do và không cần phải xin xác nhận của chính quyền địa phương (quê quán). Tinh thần của Nghị quyết là thủ tục nào không bắt buộc thì bỏ, vừa làm vừa điều chỉnh, vướng đến đâu gỡ đến đó, linh hoạt theo thực tiễn.
Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn di dịch Covid-19 thì người lao động tự do sẽ được nhận mức tiền hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Như vậy, lần này lao động tự do sẽ nhận hỗ trợ tại nơi mình làm nghề tự do và không cần phải xin xác nhận của chính quyền địa phương (quê quán). Tinh thần của Nghị quyết là thủ tục nào không bắt buộc thì bỏ, vừa làm vừa điều chỉnh, vướng đến đâu gỡ đến đó, linh hoạt theo thực tiễn, những lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang rất ngóng chờ sớm được nhận tiền hỗ trợ để cuộc sống bớt phần khó khăn.
Lao động tự do là một trong những đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Họ là những người không có tích lũy, nay ở chỗ này, mai có thể ở nơi khác, làm đủ nghề để mưa sinh….và không có lưới an sinh xã hội bảo vệ, nên dễ rơi vào cảnh đói nghèo trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Nhận thấy đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành, nêu cụ thể: Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (hay còn gọi là lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác thì, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhóm lao động tự do lần này đã rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ trước: "Người lao động tự do là đối tượng bị giảm sâu, khó khăn nhất hiện nay. Đặc biệt, nhiều người hiện nay không có tích lũy, không có thu nhập, nhưng lại khó nhất. Rút kinh nghiệm từ gói của Nghị quyết 42 hay nói cách khác, thủ tục trước đây phải về quê, lấy xác nhận của quê quán nơi sinh sống, sau đó mới làm thủ tụ. Kỳ này tinh thần chúng tôi chỉ đạo các địa phương, không lấy ở địa phương nữa. Tóm lại là người lao động ở đâu thì hưởng ở đấy và cố gắng làm sao liên kết các danh sách này, không có chuyện anh hưởng chỗ này rồi, mai sang nơi khác lại được hưởng mà phải liên thông cơ sở dữ liệu theo cơ sở đó. Sau đó hậu kiểm. Tránh tình trạng như các cụ nói "một đồng gà, 3 đồng thóc”. Chạy đi, chạy lại tiền xăng dầu còn hơn tiền hỗ trợ, mà lại còn nguy cơ dịch bệnh".
Như vậy, việc hỗ trợ nhóm lao động tự do lần này có điểm mới là giao cho các địa phương thực hiện. Theo đó, địa phương tự cân đối ngân sách và tự cân đối tình hình thực tế để xây dựng tiêu chí hỗ trợ người lao động.
Việc này, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, địa phương nào cân đối được ngân sách sẽ dễ triển khai hơn và hiện cả nước mới chỉ có thành phố Hồ Chí Minh đang hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tinh thần của Nghị quyết 68 là cắt giảm tối đa các thủ tục rườm rà để người lao động có thể sớm nhận được tiền hỗ trợ, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng: Quyết định 23 của Chính phủ nhằm quy phạm hóa việc thực hiện gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 lại chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các địa phương hỗ trợ lao động tự do nên sẽ khó khăn cho địa phương khi triển khai.
Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nêu ý kiến: "Chính phủ đã đưa ra hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68 đối với 11 nhóm chính sách. Tuy nhiên không có hướng dẫn thực hiện đối với nhóm lao động tự do. Tôi nghĩ Chính phủ nên đưa ra một hướng dẫn quy định rất rõ của các UBND trong việc thực hiện như thế nào. Trong đó, các quy định đơn giản hóa về thủ tục tương tự như 11 chính sách kia, quy định rất rõ ràng phải đơn giản hóa như thế nào. Khi Chính phủ đưa ra chính sách để tạo sự chủ động cho địa phương, nhưng thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm của địa phương và các bộ, ban ngành trong việc thực hiện. Trách nhiệm như thế nào, nếu không thực hiện được đầy đủ, không giải ngân được thế thì trách nhiệm thuộc về ai, cũng không rõ ràng.
Cùng với việc cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các địa phương có thể triển khai hỗ trợ người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 kịp thời, Chính phủ cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng. Có như vậy, chính sách mới đến đúng đối tượng, để “không ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời tránh được việc chính sách bị trục lợi.
Bà Nguyễn Thu Hương nói thêm: "Chính phủ cần giao cho Bộ LĐ-TB-XH xây dựng một cơ sở dữ liệu, thống kê nhận toàn bộ danh sách hỗ trợ từ tất cả các tỉnh, địa phương. Một cơ sở dữ liệu trực tuyến và thời gian hoàn toàn có thể làm được. Qua các kênh khác nhau, chúng ta có thể rà soát về người lao động tự do. Thứ nhất là qua tổ dân phố, họ sẽ lập danh sách toàn bộ những người lao động tự do sống ở khu vực mình. Thứ hai là các cơ sở sản xuất kinh doanh, họ thuê người lao động tự do, họ cũng lập danh sách gửi lên UBND phường. Thứ 3, chúng ta khuyến khích người lao động tự do tự đăng ký xin hỗ trợ từ các wesite, từ UBND phường và tổ dân phố. Tất cả những cái đó, chúng ta nộp lên UBND xã và phường".
Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân, nhất là những lao động tự do. Vì vậy, họ đang rất mong ngóng để được nhận hỗ từ gói chính sách 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ nhằm phần nào vơi bớt khó khăn./.