Việt Nam cần kịch bản ứng phó chủ động sau khi công bố hết dịch COVID-19
VOV.VN - Dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu là chưa từng có tiền lệ. Chính vì vậy, việc ứng phó trong công tác xử lý chống dịch từ Trung ương đến địa phương cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch từ cơ sở là một bài toán mà các cấp, các ngành phải thực hiện.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất đánh giá COVID-19 ứng với tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, việc công bố hết dịch theo quy định của pháp luật, thẩm quyền quyết định chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ thuộc về Bộ Y tế.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, hiện chỉ còn một số hoạt động coi COVID-19 là nhóm A như quy định giám sát dịch, chữa bệnh miễn phí cho người mắc COVID-19, tiêm vaccine miễn phí, chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch… Nếu theo luật thì bệnh nhóm B khi mắc sẽ không được miễn phí điều trị. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp về vấn đề này.
Về tiêm vaccine COVID-19, ông Phu đề xuất, Bộ Y tế nên có kế hoạch về tiêm vaccine một cách cụ thể như: Đối tượng nào cần tiêm vaccine trong thời gian tới, đối tượng nào tiêm bắt buộc, đối tượng nào tiêm theo khuyến cáo, lịch tiêm như thế nào và cũng có thể đối tượng nào được miễn phí, đối tượng nào phải trả tiền.
COVID-19 vẫn là bệnh đặc thù
Tiếp tục đánh giá diễn biến dịch, các chuyên gia cho rằng, mặc dù nếu có xếp COVID-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác, thì COVID-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa công bố kết thúc đại dịch COVID-19.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã nêu ý kiến cho rằng, bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến chống dịch COVID-19 là sự chủ động xây dựng kịch bản với nhiều cấp độ khác nhau, để ứn phó khi dịch bệnh trở lại với chủng mới hoặc khi xuất hiện những dịch bệnh tương tự.
“Chúng ta phải có sẵn những giải pháp cũng như là có những quy trình, quy định rất cụ thể để tránh việc bị động trong phòng, chống dịch COVID-19 như vừa qua”, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.
Nêu thực tiễn chống dịch, các đại biểu chỉ ra rằng, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu là chưa từng có tiền lệ. Chính vì vậy, việc ứng phó trong công tác xử lý chống dịch từ Trung ương đến địa phương cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch từ cơ sở là một bài toán mà các cấp, các ngành phải thực hiện. Nhiều nơi, chính quyền địa phương còn lúng túng, bị động, thiếu kinh nghiệm và đây đó còn những cán bộ thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng, chống dịch.
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang), COVID-19 xuất hiện đã làm bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nguyên nhân chính là do trong thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều đơn vị, nhất là các trạm y tế xã còn yếu kém, thiếu thốn và lạc hậu. Cơ chế tài chính trong hoạt động còn nhiều vướng mắc, bất cập, chậm được khắc phục. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng ở các địa phương nhìn chung còn nhiều hạn chế.
Đáng chú ý là số cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là bác sĩ làm việc tại tuyến xã ngày càng giảm do nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác nhưng việc tuyển dụng nhân sự thay thế là rất khó khăn do thu nhập thấp, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp.
“Từ thực tế Bắc Giang là địa phương duy nhất hiện nay có một trung tâm y tế ở các khu công nghiệp và sau hơn 1 năm hoạt động cũng đã đạt được kết quả rất thiết thực. Tuy nhiên, đây là một mô hình mới, chưa được hoàn thiện, cũng còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định, nhất là trong phân cấp hoạt động. Rất mong là Bộ Y tế sớm có hướng dẫn với địa phương”, đại biểu Trần Văn Tuấn nói.
ĐBQH đoàn Bắc Giang đề xuất, cần khẩn trương rà soát, ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng ở địa phương. Xác định rõ mối quan hệ giữa tuyến y tế cơ sở với 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Theo đó, tăng cường đưa nhiều hơn các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe từ tuyến trên về y tế tuyến huyện, tuyến xã gắn với nâng cao năng lực, tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò của y tế tuyến huyện, tuyến xã đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại cơ sở.
“Nếu chúng ta không quan tâm đưa nhiều hơn các dịch vụ từ tuyến trên về tuyến xã, tuyến cơ sở gắn với nâng cao năng lực để tạo điều kiện thì chắc chắn tổ chức, hoạt động của y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế xã sẽ có nguy cơ bị teo tóp”, đại biểu Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
Đầu tư cho y tế cơ sở và dự phòng
Ý kiến các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị tương xứng với vai trò của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng; khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, bất cập cho các đơn vị trong thực hiện các cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, nhất là những vướng mắc, bất cập trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tách bạch các khoản chi cho y tế dự phòng và các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; xác định rõ trách nhiệm của ngành y tế và chính quyền cấp huyện, cấp xã trong đầu tư cho y tế cơ sở. Trong đó, cần đánh giá việc thực hiện quy định phải dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo tinh thần Nghị quyết số 18/2008 của Quốc hội khóa XII đến nay có còn phù hợp hay không?
“Theo báo cáo của đoàn giám sát COVID-19, có địa phương chưa đạt tỷ lệ này nhưng cũng có địa phương thực hiện với tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng tỷ lệ phần trăm cao hay thấp không phản ánh đúng, thực chất kết quả chi của mỗi địa phương. Nguyên nhân là do cách tính mức chi ngân sách y tế dự phòng dựa trên tỷ lệ phần trăm tổng mức ngân sách y tế là chưa phù hợp với thực tế. Vì theo cách tính trên thì ngân sách y tế dự phòng cao hay thấp tùy thuộc vào ngân sách y tế, mà ngân sách y tế cao hay thấp lại tùy thuộc vào điều kiện ngân sách và mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế ở địa phương, mức độ tự chủ càng cao thì ngân sách y tế càng giảm, nên tỷ lệ ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng phải tăng cao hơn tỷ lệ theo quy định thì mới đáp ứng được yêu cầu. Theo tôi cần nghiên cứu cách tính chi ngân sách y tế dự phòng theo hướng tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng kinh phí thanh quyết toán hàng năm chi cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh gồm cả nguồn bảo hiểm y tế và nguồn ngân sách Nhà nước”, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) đề xuất.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác y tế dự phòng. Đó là các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thay đổi tích cực hành vi, lối sống để giảm thiểu các bệnh không lây nhiễm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Giải pháp truyền thông là giải pháp mang lại hiệu quả nhanh, mang lại hiệu quả cao và thực sự tiết kiệm, cần phải đặc biệt nhấn mạnh giải pháp phòng ngừa nguy cơ các bệnh không lây nhiễm.
“Nếu chúng ta không xác định cần nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm thì chúng ta vẫn rất khó khăn trong việc nỗ lực nâng cao số năm sống khỏe mạnh của người dân, giảm áp lực cho ngành y tế và cho an sinh xã hội bởi gánh nặng các bệnh không lây nhiễm”, đại biểu Việt Nga nói.
Hiện nay, một điều đáng trăn trở là gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam quá lớn, chiếm tới gần 74% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc (theo số liệu năm 2019 của Bộ Y tế). Như vậy, số năm sống không khỏe mạnh của người Việt phần lớn gắn với các bệnh không lây nhiễm và hiện nay bệnh nhân của bệnh không lây nhiễm thì ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Nguyên nhân dẫn đến các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là do hành vi, thói quen, lối sống không lành mạnh, như: Sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá, do dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động thể lực…/.