Việt Nam có 27 triệu người sử dụng Internet

Tại Việt Nam, người dân có thể truy cập internet dễ dàng, tự do và với chi phí rất thấp. Đây là điều khó có thể thấy ở nhiều nước khác.

Trong diễn văn đọc tại Trường Đại học George Washington ngày 15/2/2011, Ngoại trưởng Hoa kỳ Hilarry Clinton đưa ra cái gọi là "Việt Nam và một số nước khác đã hạn chế tự do Internet". Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông.

PV: Thưa ông, ý kiến của ông như thế nào về phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilarry Clinton về tự do Internet, trong đó có Việt Nam?

Ông Lưu Vũ Hải: Quan điểm xây dựng chính sách quản lý Internet của hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, đó là thúc đẩy phát triển internet, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận Internet một cách thuận lợi phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.

Trên thực tế, hệ thống luật pháp của các nước còn có sự khác biệt, ngay trong bản thân một nước, hệ thống luật pháp của nhiều bang cũng còn khác nhau. Vì vậy, nếu đòi hỏi tự do Internet theo cách hiểu chỉ của một phía là chưa tính đến sự khác biệt này. Một sự thật hiển nhiên là tại Việt Nam, người dân có thể truy cập internet dễ dàng, tự do và với chi phí rất thấp- Điều mà khó có thể thấy ở nhiều nước khác.

PV: Ông có thể điểm qua sự phát triển từ khi Internet có mặt tại Việt Nam?

Ông Lưu Vũ Hải
Ông Lưu Vũ Hải: Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet toàn cầu từ cuối năm 1997. Đến nay, sau 13 năm phát triển, Việt Nam đã có gần 27 triệu người sử dụng Internet, chiếm trên 31% dân số với hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ internet.

Internet tại Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng nhanh chóng trong một vài năm trở lại đây.

Từ năm 2003, số người sử dụng Internet cũng như số lượng các trang web tại Việt Nam đã tăng trưởng một cách ổn định, các nguồn lực kỹ thuật cho việc kết nối Internet cũng không ngừng mở rộng. Hiện nay, Việt Nam có hàng trăm báo điện tử, hàng ngàn trang điện tử của các cơ quan báo chí và hàng triệu blog cá nhân với rất nhiều mạng xã hội đang hoạt động.

Tính về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Điều này cho thấy hiệu quả của chính sách thúc đẩy phát triển internet tại Việt Nam, Internet đang ngày càng trở nên phổ cập và quen thuộc với người sử dụng ở Việt Nam.

PV: Trả lời câu hỏi của các phóng viên, ngày 17/2 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định, ở Việt Nam Internet luôn được tạo điều kiện thuận lợi và phát triển mạnh mẽ, nhưng phải tuân thủ những quy định của pháp luật để không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, an ninh quốc gia... Là cơ quan chủ quan, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lưu Vũ Hải: Trước hết, phải khẳng định, Việt Nam hết sức quan tâm tạo điều kiện để phát triển Internet. Quan điểm này được thể hiện cụ thể nhất trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách quản lý Internet, như Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Nghị định số 97 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Trong đó nêu rõ: Khuyến khích việc ứng dụng Internet trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để nâng cao năng suất lao động, mở rộng các hoạt động thương mại, hỗ trợ cải cách hành chính, tăng tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm an ninh quốc phòng. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn pháp luật về Internet. Có biện pháp để ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm các quy định của pháp luật và để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của Internet.

Đây là chính sách quản lý nhằm thúc đẩy sự phát triển Internet mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới. Và Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách phát triển Internet theo định hướng như vậy.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên