Việt Nam kỳ vọng COP28 sẽ đạt những bước tiến thực chất ứng phó biến đổi khí hậu
VOV.VN - Việt Nam kỳ vọng Hội nghị COP28 sẽ đạt những bước tiến thực chất trong nhiều lĩnh vực nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.
Tiếp nối thành công từ Hội nghị COP26, COP27, từ 30/11/2023 đến ngày 12/12/2023, Hội nghị COP28 sẽ được tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho các nước thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới.
COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động của toàn cầu về chống BĐKH. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách. Để đẩy lùi tình trạng trên, Chính phủ các nước cần phải đặt công tác thích ứng với BĐKH lên hàng đầu và là trọng tâm của chương trình nghị sự về khí hậu tại COP28. Theo đó, tại COP28, các nước sẽ tập trung đàm phán với 5 nhóm nội dung chính, gồm: Một là giảm phát thải khí nhà kính (KNK); Hai là thích ứng với BĐKH; Ba là tài chính khí hậu; Bốn là các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; Năm là đánh giá nỗ lực toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đánh giá, COP28 là hội nghị của hành động vì khí hậu và Việt Nam kỳ vọng Hội nghị COP28 sẽ đạt những bước tiến thực chất trong nhiều lĩnh vực nhằm ứng phó BĐKH. Trong đó có việc thống nhất thông qua hướng dẫn thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris để làm cơ sở cho các quốc gia triển khai cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon gắn với việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
"Chúng ta kỳ vọng các cam kết đã đưa ra phải được cụ thể hóa trong quyết sách phát triển của mỗi quốc gia, tổ chức; phải được thực hiện và định kỳ giám sát, đánh giá. Các quốc gia cũng có hành động thực hiện nghiêm túc những gì đã cam kết không chỉ góp phần ứng phó BĐKH toàn cầu mà còn củng cố lòng tin giữa các quốc gia. Ngoài ra, mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm đưa ra từ năm 2015 cần phải đạt được ngay tại Hội nghị này; mục tiêu tài chính cho giai đoạn đến 2025 và sau 2025 cũng phải được thống nhất để huy động ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm, đáp ứng nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển, trong đó đảm bảo tăng gấp đôi nguồn lực cho thích ứng với BĐKH. Quỹ Tổn thất và thiệt hại phải sớm đi vào vận hành trong thực tế với đầy đủ nguồn lực và thuận lợi cho các nước đang phát triển tiếp cận", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kỳ vọng.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, Hội nghị COP28 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là Hội nghị đầu tiên toàn thế giới thực hiện đánh giá nỗ lực ứng phó BĐKH của các quốc gia trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các quốc gia sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung chính khác, gồm: giảm phát thải khí nhà kính; thích ứng với BĐKH, tài chính khí hậu, các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Tại COP28 lần này, chủ nhà Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã xây dựng bản kế hoạch hành động chi tiết, đưa ra các hoạt động theo chủ đề nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo đồng thuận đối với các vấn đề còn vướng mắc trong đàm phán.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát thải khí nhà kính. Song, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đi đôi với chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thích ứng với BĐKH cũng sẽ là kinh nghiệm cho các nước khác. Những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu. Đây cũng là sự quan tâm của các đối tác tại COP28. Sự tham gia tích cực của Việt Nam, hành động của Việt Nam sẽ có tác động đáng kể cho thành công của Hội nghị và nỗ lực ứng phó BĐKH toàn cầu. Ngay trước khi COP28 diễn ra, nhiều quốc gia đã mong muốn Việt Nam tham gia vào các Sáng kiến và dự kiến Việt Nam sẽ tham gia các sáng kiến quan trọng tại COP28 lần này, trong đó có Cam kết làm mát toàn cầu và Sáng kiến thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris…
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ xem xét tham gia một số Sáng kiến khác như: Cam kết về hiệu quả năng lượng và tái tạo toàn cầu COP28; Tuyên bố COP28 về Khí hậu và Sức khỏe; Nhóm các nước ủng hộ hành động vì BĐKH liên quan đến văn hóa tại Công ước Khung Liên hợp quốc về BĐKH; Tuyên bố về Hệ thống thực phẩm linh hoạt, Nông nghiệp bền vững và Hành động về khí hậu; Chuyển đổi công bằng có trách nhiệm giới và Đối tác hành động vì khí hậu...
Quan điểm Việt Nam tham dự Hội nghị là ứng phó BĐKH phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường đoàn kết toàn cầu, thống nhất tầm nhìn mới, có tư duy mới mang lại đột phá trong triển khai, đưa ra quyết tâm mới để hành động quyết liệt, hiệu quả và thông qua giải pháp toàn cầu toàn diện, đổi mới và sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại phía sau bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay người dân nào. Đồng thời kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Các nước phát triển cần giữ vai trò tiên phong đi đầu, tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua cung cấp tài chính, nhất là viện trợ không hoàn lại, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực. Điều đó đồng nghĩa với đảm bảo tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phải chăng cho mọi doanh nghiệp, người dân và đảm bảo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, cần tăng cường tài chính cho thích ứng và sớm đưa Quỹ Tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động để tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển ứng phó BĐKH.
Là thành viên tích cực của UNFCCC, Việt Nam dự kiến sẽ tham gia Hội nghị COP28 với thành phần đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, một số doanh nghiệp lớn nhằm đảm bảo tham dự các phiên họp quan trọng của COP28. Thông qua COP28, Việt Nam sẽ một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và đồng hành cùng thế giới chống BĐKH, góp phần phát triển xanh và bền vững đất nước.
Ứng phó với BĐKH phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Sự quan tâm dành cho các hoạt động thích ứng với BĐKH phải như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cần sớm triển khai Quỹ Tổn thất và thiệt hại với cơ chế chế hoạt động rõ ràng để tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Các nước phát triển phải đi đầu và chịu trách nhiệm chính trong ứng phó với BĐKH; phải đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính và hoàn thành mục tiêu đóng góp tài chính khí hậu cho giai đoạn trước năm 2020 và nâng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và 2030; có hỗ trợ thực chất và hiệu quả để các quốc gia đang phát triển thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng và phát triển ít phát thải.
Thích ứng với BĐKH là ưu tiên của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam trong khả năng của mình sẽ ưu tiên thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH, cùng cộng đồng quốc tế giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế các-bon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đang tích cực triển khai các hành động khí hậu, kêu gọi các nước phải thực hiện các cam kết bằng những hành động cụ thể để đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu.