Việt Nam là 1 trong 4 nước có chất lượng điều trị HIV/AIDS hàng đầu thế giới
VOV.VN - Việt Nam là 1 trong 4 nước gồm Đức, Thụy Sĩ, Anh điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS đạt chất lượng hàng đầu thế giới, với tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (<1000) đạt trên 96%.
Sáng 17/11, tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2020, PGS.TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống nhưng chỉ có 190.000 người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Cả nước có 153.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV. Đây là thuốc kháng virus có tác dụng ức chế sự phát triển của virus HIV. Nếu được uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị, người bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ tử vong.
Đáng lưu ý Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ điều trị ARV đạt chất lượng hàng đầu thế giới. Cụ thể, số lượng bệnh nhân được điều trị ARV tăng nhanh qua các năm. Tính đến tháng 6/2020, cả nước có gần 150.000 bệnh nhân điều trị ARV, đạt trên 75%. Việc tuân thủ điều trị ARV sau 12 tháng đạt 88%. Tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt trên 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Người nhiễm HIV đầu tiên vẫn sống khỏe mạnh sau 30 năm
Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến năm 2020 Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS.
Theo Ths.Bs. Nguyễn Hữu Hải, Phó Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng chống HIV/AIDS, sau 30 năm phát hiện nhiễm HIV, người nhiễm HIV đầu tiên ở nước ta vẫn khỏe mạnh nhờ tuân thủ điều trị. Hiện người phụ nữ này đang sống và làm việc tại TPHCM và đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới của thành phố.
Được biết, người phụ nữ này bị lây HIV từ chồng sắp cưới, khi bà 30 tuổi. Từ khi phát hiện nhiễm HIV, bà được theo dõi định kỳ và đến năm 1997 bà bắt đầu uống thuốc kháng virus (ARV).
Theo BS Hải, một nghiên cứu năm 2017 ở Thái Lan cho thấy, nếu được điều trị ARV sớm (chỉ số CD 4 trên 350 tế bào/ uL), người nhiễm HIV ở tuổi 20 có thể sẽ sống đến 70-80 tuổi. Thông điệp ở đây là người nhiễm HIV biết được sớm tình trạng nhiễm của mình và được điều trị sớm, tuân thủ điều trị thì tuổi thọ của họ gần như người bình thường.
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Cũng theo PGS.TS Hoàng Đình Cảnh, mặc dù dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục giảm nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (quan hệ tình dục đồng giới nam MSM, nghiện chích ma tuý). Mỗi năm Việt Nam vẫn có 10.000 người mắc mới với khoảng 2.000 – 3.000 người tử vong. Trong đó, số trường hợp tử vong đều rơi vào nhóm tuổi rất trẻ (dưới 30 tuổi).
Chiều 16/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, đây là "kỷ lục" lần đầu tiên Quốc hội thực hiện xem xét và thông qua trong một kỳ; và là 1 trong 3 luật được 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua.
Ông Long cho biết, thời gian tới, các cấp thẩm quyền sẽ ban hành các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ, và tổ chức triển khai thực hiện, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.