Vietjet xin xây nhà ga hành khách thứ 2 tại sân bay Cát Bi
VOV.VN - Hãng hàng không Vietjet vừa đề nghị lên Bộ GTVT, TP. Hải Phòng cho đầu tư xây dựng nhà ga hành khách thứ 2 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Nếu Dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách thứ 2 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được phê duyệt sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng (nhà ga giai đoạn 1 khoảng 3.000 tỷ đồng) trong đó Vietjet đảm bảo 30% tổng mức đầu tư, 70% do Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) làm đầu mối thu xếp vốn; dự án có nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 22ha, khởi công xây dựng quý 4/2017 hoàn thành giai đoạn 1 vào quý 4/2019.
Hãng hàng không Vietjet vừa đề nghị lên Bộ GTVT, TP. Hải Phòng cho đầu tư xây dựng nhà ga hành khách thứ 2 tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với tổng số vốn đầu tư là hơn 6.000 tỷ đồng.
Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với vai trò là cửa ngõ hàng không của thành phố Hải Phòng, đồng thời cũng là sân bay dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã tiếp tục được đầu tư phát triển. Trong năm 2016, dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã hoàn thành và được đưa vào khai thác sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.
Căn cứ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Cát Bi, cảng hàng không này được quy hoạch 1 nhà ga hành khách đáp ứng sản lượng 2 triệu hành khách/năm trong giai đoạn đến năm 2015 và quy hoạch thêm 1 nhà ga hành khách thứ hai đáp ứng sản lượng tổng cộng 8 triệu hành khách/năm trong giai đoạn đến năm 2025.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Vietjet, với việc liên tục mở rộng và tăng tần suất khai thác của các hãng hàng không, Cảng hàng không Cát Bi ghi nhận sự tăng trưởng đột biến, sản lượng hành khách thông qua năm 2015 đạt 1,3 triệu hành khách, năm 2016 là 1,8 triệu hành khách (tăng trưởng khoảng 37%) và dự báo sẽ đạt sản lượng trên 5 triệu hành khách trong năm 2020.
Nhận thấy việc đầu tư xây dựng mới nhà ga hành khách thứ hai cùng hệ thống sân đỗ tàu bay và đường lăn kết nối đồng bộ, đưa vào sử dụng trước năm 2020 là rất cần thiết, Vietjet kiến nghị giải pháp phù hợp hiện nay là kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng nhà ga hành khách mới tại Cảng hàng không Cát Bi đồng thời đề xuất được tham gia là nhà đầu tư chính thực hiện dự án.
Theo đó, xây dựng 1 nhà ga hành khách (nội địa và quốc tế) có công suất 8-10 triệu hành khách/năm, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 5 triệu hành khách/năm và giai đoạn 2 tiếp tục mở rộng nâng cấp; xây dựng sân đỗ tàu bay và đường lăn kết nối các công trình hiện hữu của khu bay theo quy hoạch.
Nhiều cảng hàng không quá tải do dự báo thiếu chính xác
Hơn nữa, dự án được đầu tư triển khai sẽ đáp ứng tăng trưởng nhanh về sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Cát Bi, đặc biệt khi nhà ga hành khách đạt tới hạn công suất (dự kiến năm 2019). Ngoài ra, Cát Bi trở thành sân bay căn cứ lớn của hãng Vietjet, đáp ứng kế hoạch mở khai thác các đường bay quốc tế và nội địa mới, cũng như tăng tần suất các đường bay hiện hữu.
Kể từ khi bắt đầu khai thác tại Cảng hàng không Cát Bi, Vietjet đã liên tục mở các đường bay nội địa đến các địa phương trong cả nước và các đường bay quốc tế đến các nước trong khu vực, phát huy thế mạnh của cảng Cát Bi là một cảng hàng không quan trọng của khu vực Bắc bộ.
Hiện nay, Vietjet là hãng hàng không có tỷ trọng khai thác lớn nhất tại Cát Bi (9 đường bay nội địa và quốc tế và chiếm tỷ trọng khoảng 63% tổng sản lượng khai thác toàn cảng) và có kế hoạch tiếp tục mở rộng mạng bay, tăng tần suất các đường bay hiện hữu trong năm 2017 và các năm tiếp theo./.