Ông Lý Văn Minh (SN 1960) là lao động tự do thuê nhà tại hẻm 7/1, đường Đào Trí, Khu 3, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM. Vợ ông vừa qua đời ngày 13/8 vì COVID-19: “Bà ấy mất, tôi cuống quá. Bà con xúm vào mỗi người cho mượn một ít, trả được gần 20 triệu rồi, còn thiếu hơn 11 triệu tiền hòm”.
(Hòm: Quan tài - ý nhân vật chỉ tiền mai táng)
Vợ chồng ông Minh từ An Giang lên TP.HCM làm thuê đã được hơn 10 năm. Trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 tại TP.HCM, vợ ông mắc bệnh và mất tại nhà.
Trước cửa, ông Minh vẫn còn dựng bình oxy vợ dùng trong những ngày cuối đời.
Nhà chỉ có hai vợ chồng ở với nhau. Vợ mất, ông Minh chỉ còn một con chó, 1 triệu đồng trong túi và một khoản nợ chưa trả được.
Trong con hẻm nhỏ này, nhiều hộ gia đình cũng đang trải qua hoàn cảnh tương tự. Họ chủ yếu là lao động tự do “ai mướn gì làm đó”, từ phụ hồ, bán vé số, bán hàng rong,…đến công nhân môi trường.
Trong thời gian TP.HCM phong tỏa vì dịch, họ thất nghiệp và mất thu nhập. Nhiều thành viên trong gia đình bị mắc bệnh.
Một gia đình đang làm lễ cho người thân vừa mất trước cổng bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM).
Chi phí hỏa táng tại TP.HCM được quy định theo giá nhà nước. Tại Công ty môi trường đô thị giá quy định là 4,2 triệu đồng. Tại một số đơn vị khác giá khoảng 4,5-5 triệu đồng. Còn lại các chi phí khác là các dịch vụ kèm theo của các cơ sở mai táng khi lo tang lễ người mất.
Chị Nguyễn Thị Hậu (SN 1970), quê ở An Giang, là công nhân môi trường thuê nhà trong con hẻm này. Chị đang xách đồ để cúng em gái vừa mới mất vì COVID-19.
Đồ cúng chị Hậu chuẩn bị cho em gái. Trong căn nhà khoảng 60m2, chị sống với chồng, 4 người con. Trong đó, 3 người con đang ở trong khu cách ly tập trung. Em gái chị mắc COVID-19, được nhập viện sau khi trở nặng nhưng không qua khỏi. Gia đình của hai chị em đều ở chung một khu trọ. “Tôi lấy đồ về cúng, cầu mong cho gia đình tai qua nạn khỏi”.
Chị Phan Thị Yến ngồi đợi ở đầu ngõ cùng những người khác để đợi đồ từ thiện: “Tôi có 3 đứa con nhỏ, đứa lớn 10 tuổi, đứa thứ hai 3 tuổi, đứa út 2 tuổi. Nhà ở An Giang, lên đây làm nghề phụ hồ. Từ ngày có dịch, tôi không đi làm được, không đủ tiền để lo ăn cho 3 đứa”.
Một người hàng xóm vừa đem cho chị Yến và người dân trong hẻm một túi thanh long.
Anh Dương Ngọc Đượm (SN 1983), sinh sống tại quận 7 cùng cháu ruột đi phát đồ ăn cho người dân trong xóm trọ. Khi được phóng viên hỏi tên, ban đầu anh khăng khăng từ chối: “Mình làm được việc nhỏ thì mình làm thôi. Giúp được cái gì cho người dân mình thì giúp”. Anh Đượm cho biết, cả gia đình cùng nhau gom tiền, mua đồ rồi phân phát cho bà con.
Mỗi người dân được anh Đượm phát cho 5kg gạo và 0.5 kg thịt.
Chiếc xe mà anh Đượm dùng để chở đồ đi tiếp tế. Danh sách người được phát đồ sẽ được chuẩn bị từ hôm trước. “Ai chưa có, hôm sau đăng ký rồi tính tiếp” - anh Đượm lên kế hoạch.
Trước đó vào ngày 2/9, quận 7, TP.HCM công bố đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19. Ông Lê Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND quận 7, TP.HCM cho biết địa phương đang lên kế hoạch để sớm ổn định cuộc sống cho công nhân, người lao động thuê trọ.
Trước mắt, quận sẽ tiến hành tiêm phủ vaccine cho người dân tại các khu nhà trọ; tiếp tục vận động chủ trọ giảm tiền thuê nhà (hiện đã vận động giảm được 14 tỷ đồng trên địa bàn, mỗi hộ gia đình được giảm từ 20 – 50% giá thuê nhà); tiếp tục thực hiện các gói an sinh xã hội, chuyển gạo và lương thực tới từng nhà; đặc biệt quận đang lên kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất, tái tạo công ăn việc làm cho công nhân.
Hiện nay, TP.HCM đang có chính sách hỗ trợ tiền mai táng cho người mất vì COVID-19. Mức hỗ trợ là 17 triệu đồng mỗi trường hợp. Số tiền này trích từ ngân sách thành phố. Đối với người mất vì COVID-19 tại các bệnh viện, thành phố sẽ phân bổ ngân sách về cho Sở Y tế để sở chuyển cho các bệnh viện lo hậu sự. Đối với người không may qua đời tại nhà thì ngân sách sẽ phân bổ về các quận huyện, quận huyện phân bổ về phường xã để lo cho người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, người dân tại con hẻm trên chưa nhận được gói hỗ trợ này./.