Vốn ngân sách cho chống ngập của TPHCM chưa được 10%
VOV.VN - Chiều 12/7, HĐND TPHCM tổ chức phiên họp thảo luận về tiến độ và hiệu quả các dự án chống ngập trên địa bàn thành phố.
Ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM cho biết, hiện việc giải quyết, xử lý các tuyến ngập do mưa đã hoàn thành 22 tuyến (đạt hơn 59% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020), và đang tiếp tục thực hiện 15 tuyến, chưa triển khai 3 tuyến. Đối với các tuyến ngập do triều đã hoàn thành 5 tuyến (đạt hơn 55% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020), và đang tiếp tục thực hiện 4 tuyến. Các dự án chống ngập do triều của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đã đạt khoảng 75% khối lượng. Sáu dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị có 2 dự án đang thi công đạt khoảng hơn 33% so với chỉ tiêu, 4 dự án chưa triển khai thực hiện, có khả năng không hoàn thành trong giai đoạn 2016 – 2020.
Đại biểu Lê Minh Đức nhận xét hiện số lượng các điểm ngập đã cơ bản không còn tồn tại ở khu vực trung tâm nhưng lại có xu hướng tăng lên ở khu vực ngoại vi thành phố. Điều này cho thấy tốc độ phát triển hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hoá. Một nguyên nhân nữa là việc đánh giá các quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung lại theo thực tế còn chậm. Đại biểu Đức đề xuất kiểm soát hiệu quả quá trình đô thị hoá, có một chiến lược chống ngập tổng thể, toàn diện.
Dự án chống ngập hơn 9900 tỷ của Công ty Trung Nam. |
Đại biểu Cao Thanh Bình cho rằng ứng dụng công nghệ trong mô phỏng các phương án thoát nước để xây dựng giải pháp kịp thời và dự báo tình hình chính xác để đầu tư xây dựng công trình chống ngập cần phải quan tâm, khẩn trương làm ngay. Việc đánh giá, triển khai thực hiện kế hoạch trong quy hoạch xây dựng các hồ điều tiết, nhà máy xử lý nước cần sát hơn, kỹ càng hơn để xây dựng lộ trình thực hiện vì nguồn ngân sách có hạn, việc huy động nguồn lực xã hội hoá khó khăn. Đối với dự án giải quyết ngập do triều của Tập đoàn Trung Nam có vốn đầu tư trên 9.900 tỷ đồng, đại biểu Bình kiến nghị tập trung giải quyết vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng. Thêm nữa, thành phố cần khẩn trương nghiên cứu tính toán đơn vị vận hành, đào tạo nguồn nhân lực để vận hành dự án này.
Đại biểu Nguyễn Văn Đạt nhận định qua giám sát, có dự án chống ngập chưa phát huy hiệu quả. Các tuyến đường Nguyễn Văn Quá (Quận 12), Đỗ Xuân Hợp (Quận 9) sau khi làm xong dự án nhưng vẫn ngập vì hệ thống kênh rạch chưa được khơi thông. Đại biểu Đạt đề xuất, thành phố nên rà soát lại hơn 2.900 tuyến kênh rạch để nạo vét, khơi thông, phân cấp cho các quận, huyện quản lý, giao trách nhiệm thường xuyên duy tu nạo vét để khơi thông dòng chảy, xử lý hành vi lấn chiếm kênh rạch.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu vấn đề trong báo cáo giám sát của HĐND thành phố chưa chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương khi để các hạn chế còn tồn tại. Việc lấn chiếm, phê duyệt xây dựng lấp kênh rạch là nguyên nhân dẫn tới khó giải quyết ngập như hiện nay. Đại biểu Tâm cho rằng không nên tiếp tục né tránh, phải chỉ ra được cơ quan nào chịu trách nhiệm thì mới tích cực trong hành động và đưa ra giải pháp cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan. |
Báo cáo phải chỉ ra có sự lãng phí hay không, bởi nguồn lực đầu tư cho việc giải quyết ngập không nhỏ, phải so sánh kết quả đạt được với nguồn lực đặt ra. Thêm nữa, cần lắng nghe ý kiến người dân về vấn đề ngập, nhìn nhận với một mức độ thực tế để nêu ra giải pháp khắc phục mạnh mẽ hơn và có địa chỉ cụ thể.
“Qua giám sát, HĐND thành phố ngoài đề xuất giải pháp cần phải đề nghị UBND thành phố nêu cụ thể về vấn đề nguồn lực và sắp tới giải quyết vấn đề thế nào chứ không thể nêu chung chung được” - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, nguyên nhân của việc ngập nước đến từ hai tổ hợp chính. Tổ hợp mang tính chất tự nhiên gồm lượng mưa những năm gần đây đạt vũ lượng cao, mức đỉnh triều cường cũng cao hơn các năm trước. Mỗi năm mức độ lún của thành phố càng nặng hơn, thêm vào đó tốc độ đô thị hoá nhanh, đất thoát mưa tự nhiên thành đất đô thị, gây ra áp lực lớn cho hệ thống thoát nước vốn đã cũ.
Tổ hợp mang tính chất xã hội bao gồm công tác quản lý chưa tốt, quy hoạch chưa có giải pháp phối hợp đồng bộ. Nhận thức của một bộ phận dân cư chưa cao trong việc giữ vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm khơi thông dòng chảy, thậm chí lấp luôn kênh rạch.
Theo ông Hoan, thời gian tới thành phố sẽ rà soát lại các quy hoạch, phải gắn liền quy hoạch về thuỷ lợi với quy hoạch chung xây dựng, giao thông. Tổ chức nghiên cứu quy hoạch thoát nước đô thị trong điều kiện mới. Sẽ có đánh giá, khảo sát lại, tổng kiểm tra rà soát hiện trạng, xác định chức năng từng con kênh rạch để có phương án xử lý cụ thể về chống sạt lở.
Đối với nguồn vốn, ông Hoan cho biết giai đoạn 2016 – 2020 nguồn vốn cho các dự án, công trình, chương trình chống ngập là 96.327 tỷ đồng. Trong đó ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng được 6.356 tỷ đồng, tức chưa được 10%. Do đó phải kết hợp nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn kết hợp công – tư PPP và nguồn xã hội hoá tư nhân.
Đối với dự án chống ngập hơn 9900 tỷ, ông Hoan cho biết: “Hiện nay về cơ bản đã bồi thường đã xong, tái cấp vốn đã làm việc với ngân hàng cũng đã ổn, còn vấn đề vận hành sẽ trình xin ý kiến lãnh đạo UBND thành phố phương pháp thực hiện việc này, phải có bộ máy vận hành hệ thống cống ngăn triều, tổ chức chọn người, tập huấn và vận hành thử”./.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP HCM nguy cơ chậm tiến độ
TP. HCM bàn giao thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trước 30/6