VOV quyết tâm ra Báo Điện tử đúng ngày thành lập Đảng 22 năm trước
VOV.VN - "Vấn đề không phải là nhanh hay chậm mà là chọn thời điểm ra báo cho đúng. Báo Điện tử của Đài Quốc gia ra đời đúng kỷ niệm thành lập Đảng mới ra vấn đề"
Trong một cuộc giao ban tuần cuối tháng 11/1997, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh thông báo tin vui là ngày 19/11/1997, Việt Nam đã hòa mạng Internet toàn cầu, mở ra thời kỳ mới không chỉ cho thông tin liên lạc mà còn mở lối cho báo chí phát triển.
Cũng cuối tháng này, tờ báo trực tuyến đầu tiên của Việt Nam đã ra mắt công chúng với tên gọi “Quê hương”. Tờ báo điện tử của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài thuộc bộ Ngoại giao. Hôm sau, đi họp Trung ương về, anh Trần Mai Hạnh đi thẳng vào phòng Trưởng ban Thư ký Biên tập, nói nhanh:
- Đài mình phải làm báo điện tử. Tôi giao cho chị Kim Cúc cùng anh đi tìm hiểu. Càng sớm càng tốt nhé, nhé.
Tổng Giám đốc nói nhanh, đi cũng nhanh, còn tôi thì chậm rãi suy nghĩ, vì có muốn vội cũng không được. Thực tình trong đầu tôi lúc này đang nhăm nhăm nhìn vào Tổ hợp trung tâm kỹ thuật Biên tập 39 Bà Triệu đang rốt ráo hoàn thiện, mở ra phương thức sản xuất chương trình phát thanh kiểu mới. Làm việc theo nhóm, trong đó vai trò đạo diễn rất quan trọng. Nhưng rồi, việc thủ trưởng giao gấp thì không thể chậm trễ.
Sáng hôm ấy, Hà Nội se lạnh. Chiếc xe màu trắng sữa của Đài phi thẳng vào sân nhà 72 Đinh Tiên Hoàng, trụ sở của Công ty điện toán, truyền số liệu (viết tắt bằng tiếng Anh: VDC).
Giám đốc VDC tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ. Căn phòng, vật dụng, con người đều khiêm tốn, chỉ có chiếc máy tính lù lù đặt trên bàn với vô vàn dây dợ có mác hiệu là DARO của Cộng hòa Dân chủ Đức. Biết ý định của chúng tôi, giám đốc cười nhẹ, giọng nói cũng nhỏ nhẹ:
- Hoan nghênh ý tưởng nhà Đài. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ. Nhưng nói thật là công ty chúng tôi cũng mới lắm anh chị ạ.
Anh trình bày cái mới bắt đầu từ Quyết định 1216, ngày 6/12/1989 của Tổng cục Bưu điện thành lập công ty VDC: khu vực 1 (Hà Nội), khu vực 2 (thành phố Hồ Chí Minh), khu vực 3 (Cần THơ). Nghe mới và nhiều thứ quá, tôi từ tốn:
- Anh ơi, đối với các anh là mới, còn chúng tôi không chỉ mới mà còn lạ nữa. Thật tình, chúng tôi làm phát thanh đã mấy chục năm, nhưng làm báo điện tử trên mạng Internet thì mới nghe lần đầu. Anh thư thả chỉ cho chúng tôi từng bước một ạ.
Trăm nghe không bằng một thấy, giám đốc VDC dẫn Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Cúc và tôi đi xem từng gian máy. Phòng nhỏ,máy to, nhiều dây dợ kết nối. Giàn máy tính cả công ty chỉ chung một hãng là DARO của Cộng hòa Dân chủ Đức. Giám đốc nói, tôi ghi cả trang giấy. Nào là cổng vào, cổng ra, kết nối, lưu giữ, truyền số liệu, máy chủ, giao diện, chưa kể nhiều thuật ngữ kỹ thuật máy tính, về kết nối mạng. Ù hết cả tai.
Hết ngắm máy móc đến lặng lẽ nhìn người, từ giám đốc, phó giám đốc đến các trưởng phòng, kỹ thuật viên, tôi và Kim Cúc có chung nhận xét, hầu hết là “bốn mắt”, gầy, trắng xanh, mệt mỏi. Có lẽ môi trường máy tính nó thế. Trước khi ra về giám đốc VDC không giấu nổi niềm vui:
- Anh chị có biết không, tuy tuổi đời chưa được bao nhiêu, nhưng chúng tôi đã thực hiện “công nghệ truyền báo viễn ấn” tới nhiều điểm trong cả nước. Năm 1997, VDC chúng tôi đã tiên phong đưa 6 bài báo của Tạp chí Quê Hương, tờ báo điện tử đầu tiên của nước ta lên mạng Internet toàn cầu đấy.
Niềm vui dễ lây từ ánh mắt anh truyền cho chúng tôi niềm tin phía trước. Tiễn chúng tôi ra tận cổng, giám đốc VDC nói nhỏ:
- Qua việc giúp Quê Hương lên mạng, chúng tôi có kinh nghiệm để hỗ trợ nhà Đài, nhưng anh chị phải làm việc với Ban Tuyên huấn, Công an, với Cục Báo chí và Xuất bản mới xong việc đấy.
- Cảm ơn anh nhiều lắm. Chúng tôi hiểu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng hôm nay giám đốc tạo thuận lợi nhiều rồi. Chắc đầu xuôi thì đuôi lọt anh ạ.
Câu nói nhẹ nhàng, chân tình của Kim Cúc khiến giám đốc VDC xúc động, anh tiễn chúng tôi lên tận cửa xe với cái bắt tay thật chặt.
Theo kế hoạch thì giao ban hôm sau chúng tôi mới báo cáo kết quả làm việc với VDC cho Tổng giám đốc, nhưng anh Trần Mai Hạnh quá sốt ruột nên đầu giờ chiều hôm ấy đã vào phòng làm việc của Phó Tổng giám đốc Kim Cúc chờ nghe. Như vậy là tôi chưa có thời gian để làm văn bản. Nói vo, nhớ đến đâu nói đến đấy.
Kim Cúc bổ sung và nhận xét là bên VDC rất chân tình, chu đáo, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Họ có “một tình yêu” với Đài Tiếng nói Việt Nam. Không hỏi thêm, không ghi chép, Tổng giám đốc giao nhiệm vụ:
- Công việc khá phức tạp, khá vất vả đấy. Rắc rối như vậy mà quyết tâm làm mới ra vấn đề. Về Ban Tuyên huấn với Công an để tôi lo, nhé, còn liên hệ, làm việc với Cục Báo chí và Xuất bản thì Ban Thư ký biên tập và Văn phòng cùng làm, nhé.
Tổng giám đốc có mối liên hệ thân quen với Công an Hà Nội và Trung ương nên mấy hôm sau trong phòng làm việc của Phó Tổng giám đốc, tôi và Kim Cúc đón tiếp đại diện của Công an. Anh mặc thường phục, như các anh bên A25 thường sang làm việc nên không khí vui vẻ ngay từ đầu. Kim Cúc trình bày kế hoạch và lộ trình làm báo điện tử mang tên VOV. Anh Công an đang vui, tự nhiên trầm tư, không gật, không lắc, không cười, không nói, cứ lặng lẽ nghe, gương mặt ổn định từ đầu đến cuối buổi làm việc.
Im lặng.
Kim Cúc nhỏ nhẹ:
- Xin anh cho ý kiến ạ.
- Tôi chỉ hỏi một câu thôi. Nếu tin bài của báo bị cắt xén, xuyên tạc nội dung thì ai chịu trách nhiệm?
Ừ nhỉ. Câu hỏi có lý. Rất công an. May sao tôi còn nhớ lại phần cuối câu chuyện truyền thụ kiến thức chớp nhoáng của giám đốc VDC, liền từ tốn, nhưng chắc chắn.
- Thưa anh, về văn bản gốc thì bản báo phải chịu trách nhiệm, còn nếu bị HACK… thì…
Tôi định nói phắt là do bên công an. Các anh phải có bức tường lửa chứ, nhưng Kim Cúc nối lời:
- Anh ạ. Ra được tờ báo điện tử có tầm quốc gia là lớn lắm. Tôi nghĩ, bên Đài cũng như Bộ Công an đều có trách nhiệm chung là bảo vệ và phát triển nó. Mong các anh hợp tác lâu dài. Xin cảm ơn các anh trước.
Tôi mời anh công an chén nước trà Thái nóng dẫy. Anh chiêu một ngụm rồi chậm rãi:
- Tôi sẽ về báo cáo lại thủ trưởng. Xin chào các đồng chí.
Tôi báo cáo lại nội dung buổi làm việc, anh Hạnh hỏi ngay:
- Thái độ bên Công an như thế nào?
- Không mặn mà cho lắm anh ạ.
- Là sao? Cuối cùng họ nói gì?
- Về báo cáo lại, xin ý kiến thủ trưởng ạ.
- Thế thì tốt rồi.
- Sao lại tốt ạ?
- Sao ông không nhận ra vấn đề nhỉ? Họ không gạt phăng mà xin ý kiến cấp trên, có nghĩa là còn thời gian cho mình gặp cấp trên của họ để trình bày, thuyết phục. Vấn đề là chỗ đó, nhé.
Bẵng đi một thời gian, anh Hạnh ào vào phòng tôi như một ngọn gió, giọng cao, khàn khàn:
- Ổn rồi. Tốt rồi nhé. Tôi đã làm việc. Trên Tuyên huấn, bên Công an, Cục Báo chí và xuất bản đều ủng hộ chúng ta. Bây giờ ông và Văn phòng thảo công văn xin giấy phép. Khẩn trương, mùng Ba tháng Hai tới “ấn nút” nhé!
- Có nhanh quá không anh?
- Vấn đề không phải là nhanh hay chậm mà là chọn thời điểm ra báo cho đúng. Báo điện tử của Đài Quốc gia ra đúng kỷ niệm thành lập Đảng mới ra vấn đề chứ. Còn quản lý tờ báo tôi giao cho anh Đinh Thế Lộc, Trưởng ban biên tập Đối ngoại rồi. Ông Lộc sẽ vất vả đấy. Ban Thư ký phối hợp cho tốt nhé!
Tổng Giám đốc lại cho thêm một việc, một “nhé” nữa rồi./.