Vụ đóng cửa 2 nhà máy thép: Đà Nẵng xử lý lúng túng, dân không yên
VOV.VN - Quyết định của lãnh đạo Đà Nẵng được cho là vội vàng khiến người dân không yên, doanh nghiệp bất bình, thành phố cũng lúng túng giải quyết phát sinh.
Như VOV đã phản ánh, sau khi người dân tụ tập ngăn cản 2 nhà máy thép Dana –Ý và Dana – Úc hoạt động, TP Đà Nẵng quyết định không để nhà máy hoạt động tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, đồng thời hủy bỏ chủ trương di dời dân.
Quyết định của lãnh đạo TP Đà Nẵng được cho là vội vàng và chưa nhất quán, khiến người dân không yên, doanh nghiệp bất bình, thành phố cũng lúng túng trong việc xử lý những vấn đề mới phát sinh.
Công ty Cổ phần thép Dana - Ý.
Chiều tối 26/2 vừa qua, hàng trăm người dân 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang tụ tập trước Nhà máy thép Dana -Ý ngăn cản không cho nhà máy hoạt động.
Mục đích của người dân là gây áp lực với chính quyền thành phố nhanh chóng di dời dân ra khỏi khu vực nhà máy đã gây ô nhiễm.
Ông Ngô Lộc (ở tổ 2, thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên) bức xúc: “Thành phố hứa, cuối năm 2017 di dời một số hộ nhưng không thấy đâu. Bà con làm hoa màu thất thoát, ruộng nương không cho làm. Dân sống bằng nông nghiệp nhưng không giải quyết được cho dân nên dân chờ mãi”.
Sau khi người dân bao vây nhà máy, chính quyền thành phố đã gặp gỡ đối thoại với bà con.
Đến chiều tối 28/2, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tổ chức cuộc họp xử lý vụ việc một số công dân thuộc 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 tập trung trước trụ sở Công ty Cổ phần thép Dana - Ý.
Tại cuộc họp này, lãnh đạo UBND thành phố thống nhất giao Văn phòng UBND thành phố tiếp thu ý kiến của các thành viên dự họp, khẩn trương hoàn thiện các phương án xử lý liên quan đến việc di dời, giải tỏa tại khu vực hai nhà máy thép; trình Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xem xét, cho ý kiến để báo cáo xin chủ trương của Thường trực Thành ủy.
Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết của lãnh đạo thành phố, yêu cầu Công ty Cổ phần thép Dana - Ý và Công ty Cổ phần thép Dana - Úc tạm dừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.
Như vậy, cho đến chiều tối 28/2, UBND TP Đà Nẵng vẫn giao các ngành khẩn trương thực hiện phương án di dời giải tỏa các hộ dân sống gần khu vực 2 nhà máy thép.
Thế nhưng chỉ 2 ngày sau, vào chiều 2/3, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có kết luận về giải quyết ô nhiễm ở khu vực nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc.
Theo đó, lãnh đạo TP thống nhất chủ trương không để 2 nhà máy thép này tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên, đồng thời thống nhất thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu Công ty Cổ phần thép Dana - Ý và Công ty Cổ phần thép Dana – Úc ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất trực tiếp (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường kể từ ngày 2/3/2018”.
Đã gần nửa tháng kể từ ngày Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng có chủ trương xử lý vấn đề này nhưng đến nay thành phố vẫn chưa có Quyết định cụ thể nào về việc đóng cửa nhà máy hay là di dời dân?.
Trả lời phóng viên VOV, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ nói ngắn gọn, tất cả mọi thứ đều phải báo cáo lại Ban Thường vụ để xin ý kiến.
Gần nửa tháng trôi qua, TP Đà Nẵng vẫn chưa quyết định rõ số phận của nhà máy thép và người dân ở khu vực này, ai đi ai ở lại hay như thế nào.
Trong cuộc họp dân tổ chức vào chiều 14/3, đã có 8/11 ý kiến người dân nêu nguyện vọng được di dời dân về khu tái định cư Hòa Liên 6, Hòa Liên 7 để sớm ổn định cuộc sống, thực hiện di dời nhà máy theo lộ trình.
Một số người dân ở đây cho rằng nơi ở hiện tại đã bị ô nhiễm nguồn nước, đồng thời con em họ cũng đang làm việc tại 2 nhà máy, nếu nhà máy đóng cửa sẽ mất việc làm.
Người dân tụ tập trước Nhà máy Thép Da Na - Ý gây áp lực với thành phố vào ngày 26/2 |
Theo ông Lê Văn Giáp, thành phố cần thực hiện đúng cam kết với người dân trước đây là di dời dân trước và di dời nhà máy theo lộ trình.
“Nguyện vọng của người dân chúng tôi bây giờ là muốn thành phố phải thực thi văn bản Quý 2, tháng 4/2017, tức là dân chúng tôi chọn phương án di dời để dân tồn tại song song với nhà máy hoạt động cho công nhân có công ăn việc làm”, ông Giáp nêu quan điểm.
Trong khi TP Đà Nẵng còn đang lúng túng về xử lý việc đóng cửa nhà máy thép thì người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang không thể yên tâm với cuộc sống của gia đình mình.
Hiện nhà cửa của bà con xuống cấp không thể sửa chữa, con cái lấy vợ lấy chồng không thể tách hộ làm nhà.
Cuối năm 2016, TP Đà Nẵng có chủ trương di dời dân gần nhà máy đến khu tái định cư mới, giảm thiểu ô nhiễm. Bây giờ, thành phố lại thông báo hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân khu vực lân cận nhà máy khiến lòng dân không yên.
Việc lãnh đạo TP Đà Nẵng đột ngột thông báo dừng hoạt động 2 nhà máy thép cũng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, hơn 1.500 công nhân bỗng nhiên mất việc làm, hàng ngàn đơn hàng bị hủy bỏ, hàng ngàn tấn nguyên liệu nằm ngổn ngang.
Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý cho biết, nhà máy đã nhập hơn 70.000 tấn nguyên liệu, đối tác liên tục yêu cầu cung cấp hàng. Mỗi ngày, doanh nghiệp thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Thủy sản Thuận Phước phân tích: Nhà nước phải lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cho các quyết sách. Mà nhân dân thì không phải chỉ là những hộ dân mà doanh nghiệp cũng là nhân dân. Hàng trăm con em của người dân khu vực này đang làm việc cho nhà máy.
Theo ông Lĩnh, mọi người phải tuân thủ pháp luật, mọi quyết định đều phải có cơ sở pháp lý.
Nếu nhà máy thép vi phạm về môi trường thì xử lý theo các quy định của pháp luật về môi trường chứ không thể xử lý theo kiểu mạnh được, yếu thua. Mặt khác, doanh nghiệp ấy cũng là nơi gắn bó với hàng ngàn công nhân và gia đình họ.
Ông Trần Văn Lĩnh nói quyết định gì cũng phải có lộ trình và thực hiện một cách phù hợp với thực tế.
Vội vàng thông báo chủ trương đóng cửa 2 nhà máy thép, hủy bỏ chủ trương giải tỏa di dời dân nhưng TP Đà Nẵng vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể để các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện. "Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông" là tình thế hiện nay của lãnh đạo thành phố này./. Đà Nẵng đóng cửa 2 nhà máy thép: Dân muốn đi, thành phố bảo ở