Vụ Formosa: Doanh nghiệp thủy sản đông lạnh trăn trở tiền bồi thường
Thứ Năm, 11:54, 15/12/2016
VOV.VN - Sau khi giải phóng kho hàng hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm, vấn đề doanh nghiệp đang quan tâm là khi nào nhận được tiền bồi thường.
Sau nhiều tháng lưu kho, toàn bộ số hải sản nhiễm Cadimi không bảo đảm an toàn thực phẩm tại các kho đông lạnh ở tỉnh Quảng Bình đã được lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy. Việc giải phóng các kho hàng tồn đọng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kinh doanh thủy sản đông lạnh vẫn trăn trở chưa biết khi nào mới nhận được tiền bồi thường.
Ảnh minh họa.
Theo ông Trương Văn Bảo, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Biển Khơi, tại cảng cá Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, kho hàng đông lạnh của ông có 40 tấn hải sản không đảm bảo an toàn thực phẩm vừa bị tiêu hủy. Việc tiêu hủy này là mong mỏi không chỉ của riêng ông mà của tất cả các chủ kho đông lạnh tại đây.
"Giải quyết được hàng tồn đọng sẽ giúp giải phóng kho và có một nguồn vốn để quay vòng, chuẩn bị công tác kinh doanh thu mua hàng sắp đến", ông Trương Văn Bảo cho biết.
Tại kho đông lạnh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Hiếu, việc tiêu hủy hơn 160 tấn hải sản không an toàn cũng được lực lượng chức năng tiến hành khẩn trương. Ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình trăn trở không biết khi nào sẽ nhận được tiền bồi thường: “Chúng tôi rất mừng nhưng mà cũng lo. Lo ở chỗ thời gian bao lâu, giá cả như thế nào, mong muốn sau khi tiêu hủy các cấp các ngành tạo điều kiện trả lại đồng vốn cho doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh để có hàng sạch”.
Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm kê hàng hải sản lưu kho không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn theo số lượng, chủng loại và kích thước, đưa toàn bộ khối lượng hải sản bị nhiễm độc trên đi tiêu hủy và lấy đó là cơ sở để áp giá bồi thường cho doanh nghiệp.
VOV.VN - Đây là số hải sản được các cơ sở thu mua trước và trong thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển.
Ông Lê Minh Ngân nói: “Hiện nay chúng tôi đã xây dựng định mức cho Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Tất cả các biên bản làm việc với các doanh nghiệp chúng tôi đã thống kê đúng theo danh mục và các loại hải sản theo đơn giá để khi Trung ương có đơn giá, chúng tôi đưa ra để áp giá và tính ra tiền bồi thường cho doanh nghiệp và khẩn trương bồi thường cho doanh nghiệp kịp thời”./.