Vụ giàn khoan Hải Dương 981:Khả năng thắng kiện của Việt Nam rất lớn
VOV.VN -Hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, trái với tinh thần cam kết giữa hai nước.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về luật pháp quốc tế, hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 mà còn trái với tinh thần cam kết giữa hai quốc gia.
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, GS.TS Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, theo Điều 57, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, “Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.”
GS.TS Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam |
Trong khi đó, vị trí Trung Quốc hạ giàn khoan Hải Dương 981 đã tiến sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
Như vậy, khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới có quyền thăm dò và khai thác dầu khí.
Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, tại Khoản 1, Điểm b, Điều 56, trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền tài phán. Có nghĩa là cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ven biển, mà trong trường hợp này là Việt Nam, có quyền bắt giữ, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người và phương tiện có hành vi vi phạm việc lắp đặt và sử dụng các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Cũng theo GS.TS Lê Minh Tâm, hành động xâm phạm này của Trung Quốc cũng gây bất ổn nghiêm trọng ở khu vực, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN.
Mặc dù Tuyên bố đã nêu rõ: “Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”, nhưng hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng đã làm phức tạp tình hình và gây bất ổn ở khu vực Biển Đông.
GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chỉ rõ: “Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tại các điều: 56, 58, 77. Việc làm của Trung Quốc còn vi phạm Điều 58 của Công ước luật biển, quy định rằng quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế gây bất ổn nghiêm trọng ở khu vực, ảnh hưởng đến các quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm nêu ở Điều 87 của công ước, cũng như các quyền tự do sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp về mặt quốc tế”.
Với nhận định: Trung Quốc đã chủ động gây căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định cũng như an ninh trong khu vực, TS Nguyễn Toàn Thắng - Phó trưởng bộ môn Công pháp Quốc tế - Khoa Luật Quốc tế - Đại học Luật Hà Nội cho rằng, theo Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982, chúng ta có thể khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài.
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng |
TS Nguyễn Toàn Thắng khẳng định: Từ xưa tới nay, Việt Nam luôn có quan điểm là giải quyết hòa bình tranh chấp và chúng ta cũng đã thực hiện biện pháp đó. Bây giờ là lúc phải triển khai công cụ pháp lý. Nếu đàm phán, thương lượng mà không đạt kết quả, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã từng làm. Theo TS Thắng: “Khả năng chúng ta thắng kiện là tương đối lớn, bởi ở đây, trong trường hợp này, không chỉ hành vi đặt giàn khoan là vi phạm, mà Trung Quốc đã từng thực hiện rất nhiều những hành vi trước kia như cắt cáp tàu Bình Minh 02. Đặc biệt, vào năm 2009, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý và vi phạm toàn bộ các quy định của công ước. Vì vậy, nếu Việt Nam khởi kiện, tôi nghĩ chúng ta không chỉ khởi kiện riêng vụ việc liên quan đến giàn khoan mà còn kết hợp khởi kiện, đấu tranh chống lại các yêu sách của Trung Quốc liên quan tới biển Đông. Khả năng thắng kiện của chúng ta rất lớn”.
Không chỉ vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982, việc làm của Trung Quốc còn phá bỏ cả những cam kết song phương giữa hai nước.
TS Nguyễn Thị Lan Anh - Phó trưởng Khoa Luật - Học viện Quan hệ quốc tế chỉ dẫn: Hiệp ước năm 2011 giữa Việt Nam và Trung Quốc hay còn gọi là Tuyên bố 6 điểm, đã định ra nguyên tắc để giải quyết những bất đồng trên biển giữa hai bên.
Trong 6 điểm đó, có những điểm rất quan trọng như: Kiên trì giải quyết những bất đồng thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, làm cho biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
TS Nguyễn Thị Lan Anh chỉ rõ: Trung Quốc đã đơn phương tiến hành hạ đặt giàn khoan và đe dọa sử dụng vũ lực đối với chúng ta.
Đây là bước đi hoàn toàn trái với điểm thứ 1 của Hiệp ước. Điểm thứ 2 là 2 bên đã cam kết với nhau tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và căn cứ vào chế độ pháp lý và các nguyên tắc đã được xác lập bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982.
TS. Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm: “Điểm thứ 3, trong Hiệp ước là tuân thủ thỏa thuận và Hiệp ước chung mà lãnh đạo cấp cao 2 nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông DOC thì Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết trong DOC mà Trung Quốc đã ký với các quốc gia ASEAN. Đấy là 3 nội dung chính cơ bản mà Trung Quốc đã thực hiện trái với tinh thần cam kết giữa 2 quốc gia”.
Với những phân tích xác đáng, đầy đủ căn cứ pháp lý của các luật gia nghiên cứu sâu về luật quốc tế, chúng ta hoàn toàn tin tưởng, cuộc đấu tranh của chúng ta là hoàn toàn chính nghĩa trước hành động phi lý, phi nghĩa của Trung Quốc.
Chúng ta chắc chắn rằng, sự thật và chính nghĩa bao giờ cũng chứa đựng đầy sức mạnh./.