Vu lan báo hiếu: Ngày nào cũng là ngày hiếu đạo
VOV.VN - Với những ai không may mồ côi cha mẹ, ngày Vu Lan lại nhắc nhở họ thêm trân quý những người xung quanh, đặc biệt là người thân trong gia đình.
Ngày nào cũng là ngày hiếu đạo
“Tôi nhớ nhớ từng lời nói, từng hơi thở, từng giọt nước mắt của ba ngày ba rời xa tôi mãi mãi. 22 năm, tôi chưa bao giờ thấy ba khóc. Ấy vậy mà… Hôm đó, ba đã khóc rất nhiều. Ba cũng chưa bao giờ từ chối bàn tay của tôi, vậy mà ngày hôm đó ba không nắm bàn tay tôi nữa. Ba cũng không nhìn tôi, mà quay sang một bên, nước mắt ba chảy ra. Ba đã mất được 4 năm rồi mà mỗi hình ảnh như vừa ngỡ hôm qua, tôi mãi mãi chẳng thể nào quên được được ba”, đó là những lời tâm sự của bạn Linh sinh năm 1994, hiện đang làm Marketing tại một Công ty ở Hà Nội.
Bố Linh mất cách đây 4 năm, ông bị xuất huyết dạ dày. Trong suốt thời gian đó đến tận bây giờ, Linh đã thay ba trở thành một người đàn ông trong gia đình, chăm sóc cho mẹ và cậu em trai. Giữa bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, áp lực chồng áp lực, cô gái 26 tuổi chưa một lần thôi nhắc về người bố thân yêu và đầy tự hào.
“Nhà tôi chẳng phải là gia đình khá giả gì, nên để cho tôi đi học hơn 4 năm ngoài Hà Nội, ba mẹ tôi đã vất vả vô cùng. Ba mẹ làm nông và chăn nuôi là chính. Tôi cũng là đứa vất vả từ bé, tôi phụ mẹ làm đậu phụ rồi đưa đi chợ bán, nuôi heo và gà với ba. Ba là người nói ít, gọi điện về ba chỉ hỏi vài câu “ăn cơm chưa con? Học hành có vất vả không con? Bố mẹ gửi ra có thiếu thì bảo bố mẹ gửi tiền thêm nghen con…. Rồi ba cúp máy hoặc chuyển cho mẹ nói chuyện. Ngày đó, làm gì đó điện thoại Smartphone để nhìn ba mỗi ngày như bây giờ. Nếu không thì máy tôi đã tràn ngập hình ảnh của ba”.
Trong trí nhớ của Linh, ba yêu cô vô cùng. Ngày còn đi học, Linh chỉ nặng 37kg, cao 1m50, chỉ cần mỗi lần nghe những lời nói vô tư của cô con gái “ba ơi con thèm ăn thịt gà quá” là ông ấy lại tủi thân và chạy ra ngoài bờ ao để khóc vì thương con gái. Hay mỗi lần Linh về quê, biết con thèm ăn xoài, ông ấy lại chạy qua nhà hàng xóm mang về một rổ xoài to, nhường con ăn quả lành, ba ăn quả vỡ.
“Sau khi ra trường, tôi cố gắng làm việc, mong đến tháng lương đầu sẽ mua cho ba một bộ quần áo thật đẹp, chứ không phải chiếc áo sơ mi 40.000 đồng tôi mua ở dọc đường như xưa nữa. Tôi sẽ mua cho ba mấy chai nước yến để bồi bổ. Tôi cũng sẽ mua cho ông một đôi giày thật đẹp để ông có bộ đồ tử tế khi có việc đi đâu đó. Rồi tôi sẽ đưa Ba ra Hà Nội, thăm thú mọi địa danh nổi tiếng…Thế nhưng tôi vẫn chưa kịp thực hiện được điều đó…” và Linh luôn tự dằn vặt chính bản thân mình rằng “4 năm học ở Hà Nội, tôi đã không biết ba đã phải chịu đau đớn thế nào. Ba hay kêu “Ba có làm sao đâu mà phải đi viện”. Và cứ thế, tôi cũng nghĩ lời nói đó là thật. Đến trước khi ba mất, ông ấy vẫn nói dối tôi “Ba có làm sao đâu”. Mỗi lần về, tôi lại thấy ba gầy đi, già đi tôi lại cứ nghĩ ai già cũng thế, mà tôi đâu biết rằng ba đã đau rất nhiều”.
Sau ngày bố mất, mọi thứ quay cuồng ở cái tuổi 22. Ngày làm việc công ty, tối về Linh làm cộng tác cho các đơn vị khác để viết bài, có hôm tranh thủ đi gia sư, rồi bán quần áo ban đêm, bán bánh tráng trộn… Mỗi đêm Linh chỉ chợp mắt 1-2 tiếng, rồi lại làm việc để trả nợ tiền sửa nhà, tiền nợ ngân hàng ngày Linh còn đi học, có tiền gửi cho mẹ hằng tháng, cho em học nghề. Mỗi lần buồn quá, Linh lại nhớ tới câu nói của mẹ “‘Ba con mất như cái nhà mất đi cái đòn gánh, con là con cả, con ráng gánh con nhé. Mẹ thương mày nhiều lắm”, là cô gái nhỏ nhắn ấy lại mạnh mẽ như một người đàn ông vậy. Không còn thời gian để khóc lóc nữa, bởi “mỗi lần khóc, mắt tôi lại sưng lên, lại khó nhìn chữ, lại mệt, lại không làm việc kiếm tiền được. Nhưng cũng có những đêm, tôi nhớ ba lắm. Tôi còn tưởng tượng ông nằm cạnh tôi, tôi lại ôm lấy chiếc gối ngỡ như ba lại đang ôm tôi, lau những giọt nước mắt cho tôi như ngày trước vậy”.
Giờ đây, Linh đã thay ba chăm sóc mẹ và em, gánh vác trách nhiệm của một người chị cả. Vừa rồi Linh đã đăng ký hiến tạng nếu không may mình mất đi vẫn có thể giúp được cho ai khác một điều gì đó và thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện lên vùng cao. Với Linh “cuộc đời này có 2 thứ cần trân trọng, đó là gia đình và giây phút hiện tại. Vu Lan chỉ là ngày quy ước, hãy xem ngày nào cũng là ngày hiếu đạo”.
Trân trọng những người xung quanh
Sau 6 tháng cất tiếng khóc chào đời thì mẹ mất, Hồng (tên nhân vật đã được thay đổi) chưa một lần được nhìn thấy mặt mẹ, mãi những năm gần đây, khi dì út (em mẹ) lén gửi ảnh của mẹ thì Hồng mới biết được dáng hình của mẹ năm xưa. Với cô gái sinh năm 1997 này, mỗi lần nhớ về quá khứ lại một lần chạm tới nỗi đau.
Mẹ tự tử vì bị trầm cảm nặng. Hồng được ông bà nội nuôi. Bố đi bộ đội một năm mới về thăm nhà một lần, khoảng 10 năm sau từ ngày mẹ mất, bố mới đi bước nữa. Với Hồng, những ngày sống cùng ông bà nội là những ngày “nước mắt chan cơm”. “Trong con mắt của hàng xóm, tôi là một đứa chăm chỉ, học giỏi là tấm gương của các bạn cùng trang lứa. Trong mắt họ hàng, tôi là đứa con gái béo ú, xấu xí, ăn hết phần ông bà. Còn thực tế, tôi bị ông đánh đập mỗi lúc ông không vui, 2 ngày một trận đòn, đánh lằn mông. Cho mãi đến khi lên lớp 3, những trận đòn roi mới bắt đầu vơi đi”, Hồng chia sẻ.
Từ năm lớp một, Hồng đã phải đi chăn bò, lớp 2 đi cắt cỏ, mỗi sáng là một bì cỏ cho bò. Bàn tay của cô bé mới chỉ 6-7 tuổi đầu đã chai sạn đi rất nhiều. Cho đến khi thi đỗ vào trường chuyên, lớp chọn, Hồng mới thoát được cảnh cắt cỏ, lấy bèo, cắt lúa… Vất vả là vậy, nhưng thành tích của Hồng khá cao, năm nào em cũng nhận Giấy khen học sinh giỏi. Tuy nỗ lực là thế, nhưng Hồng vẫn luôn bị mang tiếng là “của nợ”. Với Hồng “ngoài nỗi đau về thể xác, tôi còn bị vùi dập về tinh thần. Tôi mong muốn học xong lớp 12, thi đỗ đại học để được tung cánh bay xa”.
Đã có lúc Hồng rơi vào trầm cảm, cô gái ấy đã nhiều lần nghĩ đến cái chết như mẹ, nhưng động lực để được sống, để được học và làm việc còn cao hơn cái chết. Có những lúc buồn quá, “tôi chạy vào nhà tắm, xả nước thật lớn, khóc thật to, gọi tên mẹ. Khóc xong, nhẹ lòng hơn lại vui vẻ sống tiếp”.
Và rồi ước mơ của Hồng đã thành sự thật, khi cô đã trúng tuyển vào trường Học viện Kỹ thuật Mật mã. Ngày cô vào đại học cũng là ngày ông nội mất. Từ thời điểm đó, những “ác mộng” về ông ngày nhỏ cũng dần tan biến. Thời gian trôi nhanh, 5 năm sau Hồng tốt nghiệp, công việc IT ổn định. Cô sắm sửa hết đồ đạc trong nhà cho bà nội.
Mặc dù mất mẹ từ sớm, nhưng với Hồng “Tôi luôn thấy mình may mắn. Tôi và bố khác tính nhau, hễ nói chuyện là dễ to tiếng. Nhưng mẹ hai (vợ mới của bố) lại rất thương tôi. Từ nhỏ, tôi đã không nhận được tình yêu thương và dạy dỗ từ mẹ đẻ, cuộc sống của tôi do tôi tự định hướng và bước đi. Nay có mẹ hai dạy tôi học cách tự tin, học cách trân trọng giá trị của bản thân thay vì cam chịu, tự nghĩ mình kém cỏi. Mẹ hai như cầu nối gắn kết tôi và bố, mặc dù tôi chẳng bao giờ nói được những câu ngọt ngào, nhưng trong lòng vẫn luôn dành tình thương với bà, với bố và mẹ”.
Những năm gần đây, mỗi dịp lễ Vu Lan về Hồng lại đăng ký tham gia tu tập tại Chùa. Cô xem nơi đây như gia đình thứ hai của mình, giúp cô thả lỏng bản thân, đồng thời dạy cô lòng biết ơn, yêu gia đình, yêu mẹ. Với Hồng, cô luôn cảm ơn những năm tháng tuổi thơ kia, nhờ đó cô học được tính chủ động, trách nhiệm và sự nỗ lực lớn, để càng trân quý hơn giá trị của hiện tại, là được làm người, được sống, được yêu thương.
“Bản thân mình không thể thay đổi được quá khứ, cũng chẳng thể thay đổi được người khác, nhưng mình có thể thay đổi được mình. Cuộc sống nên có áp lực để bản thân vượt qua”, Hồng tâm sự./.