Vụ phá rừng tại Quảng Nam: Do buông lỏng quản lý?
VOV.VN - Theo lãnh đạo chính quyền địa phương và ngành chức năng, nguyên nhân của các vụ phá rừng một phần do buông lỏng quản lý.
Trước tình trạng phá rừng pơ mu nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại khu vực biên giới giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông, Lào, hôm qua (20/7), đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đến hiện trường khu vực biên giới thuộc xã LaDêê, huyện Nam Giang để kiểm tra và có biện pháp xử lý.
Gốc cây pơ mu mới bị chặt.
Theo lãnh đạo chính quyền địa phương và ngành chức năng, nguyên nhân một phần do buông lỏng quản lý.
Con đường từ trung tâm huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đến khu vực biên giới giữa 2 nước Việt Nam và Lào dài trên 70km. Tại vị trí cột mốc 717, Đoàn công tác phải đi bộ luồn rừng gần 2 giờ đồng hồ và leo dốc mới đến được khu vực rừng pơ mu bị chặt phá.
Tại hiện trường, hàng chục cây pơ mu quý hiếm bị các đối tượng phá rừng triệt hạ không thương tiếc. Gỗ đã được được cưa xẻ thành từng phách, nằm ngổn ngang bên cạnh gốc cây pơ mu đã bị chặt.
Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa điểm xảy ra phá rừng thuộc khu vực biên giới, vùng cấm nên chỉ có lực lượng Biên phòng mới được phép tuần tra chứ chính quyền xã không được vào. Ngành chức năng địa phương muốn vào khu vực này phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra hiện trường vụ phá rừng. |
“Bây giờ họ khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Họ vác gỗ to như thế sao họ vào được mà mình lại không vào được? Ma túy nhỏ tí mà mình vẫn soi phát hiện ra mà gỗ cả khối, muốn vận chuyển ra thì phải có lực lượng đông, có phương tiện cơ giới, xe cộ. Nhiều cuộc họp kể cả Huyện ủy, kể cả Hội đồng nhân dân huyện, chất vấn của cử tri cũng vậy. Tôi thấy chúng ta chưa tích cực trong công tác phối hợp, đấu tranh tố giác tội phạm khi phát hiện ra vụ việc”.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, khu vực rừng này được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế mà, một vạt rừng rất nhiều cây pơ mu bị chặt phá nằm ngổn ngang.
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, tại khoảnh 5 tiểu khu 351, nơi xảy ra vụ phá rừng có hơn 60 cây pơ mu bị chặt. Các phách gỗ có cùng quy cách như nhau, dài 2,2m, rộng gần nửa mét và bề dày 0,2m, với tổng khối lượng gần 45 m3.
Ngoài số cây đã chặt hạ cưa thành phách còn có nhiều cây bị đối tượng phá rừng cưa ngang gốc, chưa kịp cho ngã xuống.
Ông Phan Tuấn cho biết, khu rừng này có trữ lượng gỗ từ 100 đến 150 m3/ ha. Do nằm ở khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông (Lào) nên việc tuần tra của lực lượng Kiểm lâm còn “ hạn chế”.
Ông Phan Tuấn nói: “Vùng biên giới nên việc tuần tra anh em thực hiện không thường xuyên được. Việc khai thác này, theo nhận định vụ việc cũng mới xảy ra, vì các vết gỗ còn mới.
Hiện nay lực lượng Kiểm lâm đang hỗ trợ cho cơ quan điều tra về nghiệp vụ chuyên ngành, sớm tìm ra đối tượng khởi tố bị can và đưa ra xét xử vụ việc này”.
Khu rừng này đã được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam quản lý. Tuy nhiên hàng tháng, đơn vị này chỉ đi kiểm tra một lần và được sự cho phép của đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang. Tuy có sự quản lý, nhưng vụ phá rừng được phát hiện từ phản ánh của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã La Dêê, huyện Nam Giang. Công an huyện sau đó vào cuộc và đã khởi tố vụ án, tiếp tục phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân huyện và các lực lượng khác vào cuộc điều tra để khởi tố bị can.
Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: “Yêu cầu đầu tiên là Công an huyện Nam Giang sẽ có quyết định trưng cầu giám định, mời các cơ quan chức năng đến đây để giám định toàn bộ số gỗ thu được, cộng với hiện trường để trên cơ sở đó xác định xem gỗ thu được có phải gỗ ở đây không. Đồng thời cơ quan kiểm lâm cũng phải đánh giá được giá trị của khu rừng này để đánh giá tính chất nghiêm trọng của vụ án này”.
Ông Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (đứng) cho biết sẽ mở rộng điều tra vụ án. |
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ phá rừng pơ mu xảy ra ở khu vực biên giới và có dấu hiệu số gỗ pơ-mu bị các đối tượng tuồn sang nước bạn Lào.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn gửi Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông (Lào) để phối hợp xử lý. Hiện, tỉnh Sê Kông cũng đã triển khai lực lượng vào cuộc: “Hiện nay đang trong quá trình điều tra, và tôi nghĩ cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm mọi khả năng có thể được để phá án sớm nhất. Và theo tôi được biết thì đến nay cũng đã có những manh mối nhất định để chúng ta có thể sớm phá án vụ án này.
Tất cả các cơ quan có liên quan đến công tác bảo vệ biên giới, bảo vệ rừng phải chịu trách nhiệm về việc này, mức độ chịu trách nhiệm đến đâu sẽ được làm rõ trong thời gian săp tới”./.
Thủ tướng yêu cầu điều tra vụ phá rừng pơ mu tại Quảng Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc phá rừng ở Quảng Nam, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật.