Vùng cao Yên Bái ứng phó với lũ quét, sạt lở đất
VOV.VN - Các địa phương của tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Với địa hình đồi núi có độ dốc lớn, vùng cao Yên Bái thường chịu ảnh hưởng nặng nề về tính mạng và tài sản khi xảy ra mưa lũ. Trước mùa mưa năm nay, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.
Tại các xã vùng cao Yên Bái, hầu hết các bản làng nằm lưng chừng dốc. Ngoài địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh, lại xen kẽ rất nhiều khe suối nên nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao mỗi khi xuất hiện mưa lớn.
Ngoài kiện toàn nhân lực và phương tiện ứng phó thiên tai, một trong những giải pháp được chính quyền các địa phương đặc biệt chú trọng là tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh mưa lũ. Việc này được làm thường xuyên, đặc biệt là trước khi dự báo sẽ có mưa lớn xảy ra.
Ông Lý A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Vào đầu mùa mưa xã đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và lực lượng xung kích của xã, triển khai kế hoạch đến tất cả các bản. Khi mà huyện có công văn chỉ đạo ứng phó với mưa dông hay thiên tai xã sẽ chỉ đạo các bản thực hiện công tác chằng chống nhà cửa cũng như là thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn".
Khắc phục sạt lở đất (Ảnh minh họa). |
Hiện nay lực lượng phòng chống thiên tai ở Yên Bái được kiện toàn từ cấp tỉnh, cấp huyện xuống tận cấp xã, thôn bản. Nhân lực và phương tiện cũng được bổ sung hàng năm để ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Mặc dù thị xã mới tiếp nhận 7 xã sáp nhập của huyện Văn Chấn về nhưng đến nay cũng đã rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, đảm bảo triển khai đầy đủ các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.
"Thị xã cũng như là Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn thị xã đã tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: Rà soát, bổ sung, quy hoạch các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; rà soát, kiểm tra, đề xuất tỉnh hỗ trợ sửa chữa các công trình phòng chống thiên tai để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó thị xã cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị thi công công trình trên địa bàn đẩy mạnh tiến độ thi công, có biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Đối với các công trình thủy lợi phải chủ động đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư ở khu vực vùng hạ lưu", ông Sơn nói.
Năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái xảy ra 15 trận mưa lũ lớn làm 6 người chết, 5 người bị thương; hư hỏng hơn 2.200 căn nhà; thiệt hại hơn 900 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp; gần 9.200 con gia súc chết; 19 công trình công cộng và gần 90 công trình thủy lợi bị hư hỏng…. Ước tính thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, địa phương cũng xuất hiện nhiều trận dông lốc, mưa đá làm bị thương 6 người; hư hỏng hàng nghìn ngôi nhà; thiệt hại hàng trăm ha lúa và hoa màu…
Trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, tỉnh Yên Bái đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống trên tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để khi có mưa bão xảy ra hoặc sạt lở, ngập úng xảy ra là có giải pháp kịp thời. Thứ hai là công tác cảnh báo phải kịp thời để người dân tránh được thiệt hại".
Hiện nay ý thức phòng chống thiên tai của người dân vùng cao, miền núi Yên Bái ngày một được nâng cao. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần giảm thiểu những thiệt hại do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra mỗi khi mùa mưa lũ đến./.