Vùng ĐBSCL “gồng mình” chống hạn mặn

VOV.VN - Thực tế cho thấy, đợt hạn mặn vừa qua, nơi nào mà hệ thống thủy lợi khép kín, người dân chủ động trong việc đào ao, xây hồ trữ nước thì giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra.

LTS: Đợt hạn mặn mùa khô năm 2024 ở vùng ĐBSCL đã đi qua. Dù những tháng qua, các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân trong vùng đã đồng tâm, hiệp lực, dốc sức ứng phó với hạn hán, mặn xâm nhập sâu nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra cũng không thể tránh khỏi. Hiện nay, khi vào mùa mưa các địa phương vùng ĐBSCL đang bắt tay vào lao động sản xuất, khắc phục thiệt hại và cũng rút ra bài học kinh nghiệm để vận dụng vào việc phòng chống hạn mặn trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, nhóm phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực ĐBSCL có loạt bài ghi nhận những nỗ lực trong công tác ứng phó với thiên tai cùng các giải pháp kiến nghị để công tác này thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

 

Hiện nay, đã vào mùa mưa, người dân vùng ĐBSCL đang hối hả bắt tay vào lao động sản xuất vụ Hè Thu nhưng vẫn không quên những tháng ngày cật lực vừa qua đã chung tay “chiến đấu” với hạn hán, mặn xâm nhập. 

Đáng ghi nhận, tại các địa phương như: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau... mức độ xâm nhập mặn còn nghiêm trọng hơn cả năm mùa khô năm 2016. So với các đợt hạn mặn trước đây, thì đợt hạn mặn vừa qua có nét khác biệt là giai đoạn đầu mùa khô diễn biến chậm nhưng từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 thì xâm nhập rất nhanh, thời tiết nóng bức lên đến trên 36 độ C, nên công tác ứng phó của chính quyền và nhân dân rất quyết liệt.

Ảnh hưởng của thiên tai nặng nề nhất là ở 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, hạn mặn tuy thiệt hại về sản xuất không lớn nhưng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân rất nghiêm trọng. Trước thực trạng này, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân xa gần đã chở hàng trăm nghìn mét khối nước ngọt, bình nước lọc đến hỗ trợ vùng khó khăn thấm đượm nghĩa tình. 

Anh Võ Hồng Hải, thành viên nhóm “bếp ăn từ thiện” Thành phố Gò Công cho biết, suốt mùa khô hạn đã chở 104 xe bồn, khoảng 4.000 mét khối nước ngọt về cấp miễn phí cho người dân ven biển tại huyện Gò Công Đông.

 “Nhóm chúng em đi có hơn 10 người, đi thay phiên nhau, ai rảnh thì đi phụ thôi. Bạn bè trên Facebook thấy thì họ hỗ trợ, em sắp xếp mỗi ngày chở 2 xe bồn, bà con nhận nước mừng lắm. Nếu sau này có hạn mặn thì sẽ hỗ trợ tiếp, nhưng bây giờ người dân chủ động mua bồn nước trữ sẵn, có một số mạnh thường quân cũng tặng bồn. Một số nơi không có nước máy phải sử dụng nước sông lóng phèn cho sinh hoạt, các đó chính quyền phải hỗ trợ, đấu nối đường ống nước cho dân”, anh Hải nói.

Rút kinh nghiệm từ hạn mặn mùa khô các năm trước đây, chính quyền và các ngành chức năng vùng ĐBSCL đã chủ động ứng phó ngay từ đầu khi có thông tin cảnh báo từ cơ quan khí tượng thủy văn theo phương châm là ngăn mặn, trữ ngọt. Các giải pháp công trình, phi công trình được triển khai rất sớm, các cống đập đều đóng kín và trực canh lấy nước có độ ngọt cho phép vào bên trong.

Ông Trần Ngọc Tam Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhìn nhận: “Chúng tôi có ý thức, có chỉ đạo rất sớm về công tác phòng, chống hạn mặn. Ban thường vụ Tỉnh ủy có riêng chỉ thị về phòng, chống hạn mặn, UBND tỉnh có kế hoạch để tổ chức thực hiện và chúng tôi đã chỉ đạo từ giữa năm 2023 chứ không phải đến gần sát mới chỉ đạo. Việc phòng, chống hạn mặn không chỉ là của các cơ quan chức năng, của UBND tỉnh mà là của cả hệ thống chính trị . Do vậy, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân phối hợp các địa phương phát động phòng, chống hạn mặn, trữ nước mưa, trữ nước ngọt để làm sao đảm bảo cho sản xuất, cho sinh hoạt”.

Là tỉnh nằm gần biển, Sóc Trăng bị mặn xâm nhập khá sâu, trên sông Hậu ranh mặn 4g/lít và xâm nhập vào sâu trong nội đồng từ 50 - 55km,  nhiều kênh nội đồng không còn đủ nước để bơm tiêu phục vụ sản xuất.  Mặn xâm nhập, gây thiếu nước làm khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng.

Ông Lê Thanh Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Long Phú cho hay: “Năm 2023, nguồn nước rất là thuận lợi, ngoài ra còn có nhiều mưa trái vụ, mưa lớn nữa, năm 2023, năng suất cũng rất cao. Các ngành chức năng đã theo dõi diễn biến thời tiết để mình vận động tuyên truyền bà con, năm nay cũng vậy, mình vận động bà con không nên sản xuất lúa vụ 3 (Đông xuân muộn) nhưng diện tích năm nay vẫn tăng. Do là giá lúa tăng cao, dao động từ 10.000-11.000 đồng/kg (thời điểm gieo sạ vụ 3), trong đó ST25 khoảng 11.500, từ đó, bà con mình phát sinh sản xuất”.

Mặc dù không nằm giáp biển, nhưng Vĩnh Long có sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu đi qua. Mùa khô, nước mặn theo các con sông này chạy về Vĩnh Long. Một số huyện cuối nguồn như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, Long Hồ thường xuyên bị mặn xâm nhập. Năm nay, nước mặn xuất hiện sớm đi sâu vào đất liền áp sát với cồn xã Thanh Bình, Quới Thiệu huyện Vũng Liêm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.

Ông Lưu Nhuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Từ đầu mùa khô, trên địa bàn tỉnh xảy ra nắng nóng trên diện rộng, mưa ít và xâm nhập mặn đến sớm hơn mọi năm. Vũng Liêm là địa bàn gặp khó khăn về nguồn nước, nhất là các xã Trung Ngại, Trung nghĩa, Trung Thành Đông và một phần của thị trấn Vũng Liêm. Đây là huyện cuối nguồn của tỉnh nằm ven sông lớn nằm giáp với Trà Vinh. Do đó các xã thuộc huyện Vũng Liêm cũng rất khó khăn về nguồn nước cho sản xuất cũng như sinh hoạt ”.

 Ngay cả tỉnh Hậu Giang, ngoài việc mặn xâm nhập thì lượng nước ngọt từ thượng nguồn theo sông Hậu đổ về tỉnh cũng rất thấp, nắng nóng gay gắt với nhiệt độ từ 36-380 độ C. Ngay từ khi bước vào mùa khô 2023 - 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tăng cường công tác dự báo dài hạn để có các phương án phòng tránh hạn, mặn; thông tin, truyền thông xuống cộng đồng để người dân chuẩn bị trữ nước ngọt. Đồng thời, có biện pháp điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương theo hướng “ thuận thiên”.

Đối với vùng ngoài đê bao đã vận động người dân tận dụng nước mặn trong mùa khô để nuôi tôm sú, tôm thẻ nhằm tăng nguồn thu nhập; đối với vùng trong đê bao thì vận động người dân tuân thủ lịch thời vụ trong gieo sạ vụ lúa Đông xuân và Hè thu, nuôi trồng thủy sản, rau màu để “né” hạn, mặn. Bên cạnh việc phát huy vai trò của các trạm đo mặn tự động thì hàng ngày, cán bộ chuyên môn của ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh còn thường xuyên đi kiểm tra độ mặn tại những điểm chính và nhanh chóng thông báo cho lãnh đạo địa phương, cũng như người dân trong vùng có nước mặn xâm nhập chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống. Khi phát hiện nơi nào có nồng độ mặn vượt mức 1,5‰ thì các địa phương nhanh chóng vận hành đóng cống để ngăn mặn. Ngoài 59 cống tròn và cống hở ngăn mặn do tỉnh quản lý, vận hành linh hoạt, các địa phương trong tỉnh còn chủ động duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi gắn với nạo vét kênh, mương nội đồng nhằm, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho hay: “Hệ thống khép kín để chủ động tưới tiêu đã làm theo quy hoạch. Trước tiên quy hoạch vùng rộng lớn, sau đó quy hoạch vùng cục bộ phía trong. Khi có yêu cầu sản xuất lớn thì đóng tất cả các cống lớn lại để bơm tưới lớn, còn khi người dân có nhu cầu sản xuất cá nhân thì có hệ thống cục bộ để mình đảm bảo tưới tiêu trong từng khu vực”.

Trong thời gian xảy ra hạn mặn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & PTNT đã rất quan tâm, thường xuyên chủ đạo các địa phương trong vùng tăng cường các biện pháp để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, không để cho người dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Phó Thủ tướng Nguyễn Hồng Hà đã đến Tiền Giang đi thực tế khảo sát tình hình hạn hán, chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh vùng ĐBSCL chỉ đạo giải quyết các vấn đề đặt ra mang tính cấp bách. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & LTNT đã thường xuyên đến các địa bàn trọng điểm về hạn mặn để kiểm tra, hỗ trợ chính quyền các địa phương ứng phó với thiên tai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế cho thấy, đợt hạn mặn vừa qua, nơi nào mà hệ thống thủy lợi khép kín, người dân chủ động trong việc đào ao, xây hồ trữ nước thì giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiền Giang thoát hạn mặn, cánh đồng khóm Tân Phước trúng mùa
Tiền Giang thoát hạn mặn, cánh đồng khóm Tân Phước trúng mùa

VOV.VN - Tỉnh Tiền Giang có diện tích khóm (dứa) lớn nhất cả nước tập trung ở huyện Tân Phước - thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Mùa khô năm nay, cây khóm tại đây không bị thiệt hại do hạn mặn, cho trái rải vụ, giá cao nên nông dân rất phấn khởi.

Tiền Giang thoát hạn mặn, cánh đồng khóm Tân Phước trúng mùa

Tiền Giang thoát hạn mặn, cánh đồng khóm Tân Phước trúng mùa

VOV.VN - Tỉnh Tiền Giang có diện tích khóm (dứa) lớn nhất cả nước tập trung ở huyện Tân Phước - thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Mùa khô năm nay, cây khóm tại đây không bị thiệt hại do hạn mặn, cho trái rải vụ, giá cao nên nông dân rất phấn khởi.

Thoát hạn mặn, nông dân Tiền Giang khẩn trương xuống giống vụ Hè Thu
Thoát hạn mặn, nông dân Tiền Giang khẩn trương xuống giống vụ Hè Thu

VOV.VN - Hiện nay, nước ở sông Tiền địa bàn tỉnh Tiền Giang đã giảm độ mặn theo từng ngày, tần suất xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhiều hơn nên bà con nông dân đã chuẩn bị gieo sạ lúa Hè Thu với niềm tin sẽ trúng mùa, trúng giá.

Thoát hạn mặn, nông dân Tiền Giang khẩn trương xuống giống vụ Hè Thu

Thoát hạn mặn, nông dân Tiền Giang khẩn trương xuống giống vụ Hè Thu

VOV.VN - Hiện nay, nước ở sông Tiền địa bàn tỉnh Tiền Giang đã giảm độ mặn theo từng ngày, tần suất xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhiều hơn nên bà con nông dân đã chuẩn bị gieo sạ lúa Hè Thu với niềm tin sẽ trúng mùa, trúng giá.

Hơn 66.000 ha lúa Hè thu đủ nước, phát triển giữa hạn mặn
Hơn 66.000 ha lúa Hè thu đủ nước, phát triển giữa hạn mặn

VOV.VN - Nhờ tuân thủ lịch xuống giống của ngành nông nghiệp và chủ động đề ra nhiều giải pháp ứng phó nên đến thời điểm này hơn 66.000 ha lúa Hè thu của tỉnh Hậu Giang không bị ảnh hưởng do hạn, mặn đang phát triển xanh tốt.

Hơn 66.000 ha lúa Hè thu đủ nước, phát triển giữa hạn mặn

Hơn 66.000 ha lúa Hè thu đủ nước, phát triển giữa hạn mặn

VOV.VN - Nhờ tuân thủ lịch xuống giống của ngành nông nghiệp và chủ động đề ra nhiều giải pháp ứng phó nên đến thời điểm này hơn 66.000 ha lúa Hè thu của tỉnh Hậu Giang không bị ảnh hưởng do hạn, mặn đang phát triển xanh tốt.