Vùng lũ Tùng Ảnh (Hà Tĩnh) ứng phó với bão

Xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ chuẩn bị một lượng lương thực đề phòng những tình huống xấu do ảnh hưởng của siêu bão Megi đang hoành hành trên biển Đông.

Sau hai trận lũ liên tiếp, mưa lớn liên tục trong nhiều ngày, có nơi cao nhất tới 900 mm, cùng với việc xả lũ của hồ Kẻ Gỗ, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Hà Tĩnh ngập lụt nghiêm trọng. Trong lúc này, ngoài biển Đông siêu bão Megi có khả năng ảnh hưởng trực tiếp vào các tỉnh miền Trung. Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực triển khai các phướng án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ngay từ sáng sớm, các lực lượng công an, dân quân tự vệ đang tích cực chuẩn bị các biện pháp phòng chống ảnh hưởng của siêu bão Megi. Thực tế, dù chưa có công điện khẩn, xã Tùng Ảnh và các địa phương ở Hà Tĩnh chắc chắn vẫn duy trì ứng trực 24/24 h vì hiện tại nước lũ vẫn đang mênh mông, làm ngập chìm nhiều nhà cửa, hoa màu của bà con. Bên cạnh lương thực, nước uống cứu trợ các hộ dân bị ngập lụt, xã Tùng Ảnh cũng chuẩn bị một lượng lương thực dự trữ đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra do ảnh hưởng của siêu bão Megi đang hoành hành trên biển Đông. Xã đã sẵn sàng các phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, kể cả biện pháp cưỡng chế để tránh thiệt hại.

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh nói: “Hiện nay, chúng tôi có 38 hộ ở ngoài đê, chúng tôi có kế hoạch là phải di dời 100% dân, tránh thiệt hại lớn nhất xảy ra. Tuyên truyền nhân dân, làm thế nào xây dựng cơ sở vật chất có các điều kiện để chống bão, người dân không được chủ quan lơ là trong bất cứ tình huống nào, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã tới thôn xóm phối hợp với đội quân thường trực, dân quân của xã để khắc phục kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất”.

Còn về công tác cứu trợ bà con vùng ngập lũ, từ mấy ngày qua, huyện Đức Thọ đã huy động tối đa phương tiện, nhân lực để tiếp cận và cung ứng lương thực, thực phẩm cho bà con.

Ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: “Trong quá trình cứu hộ huyện đã chỉ đạo, di dời toàn bộ dân ở vùng nguy hiểm trọng yếu, cứu trợ mì tôm nước uống. Hai ngày đã đưa 20 tấn mỳ tôm xuống các vùng ngập lũ, gần 1.500 chai nước lọc đưa về các xã”.

Thiệt hại từ trận lũ lịch sử mà nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đang phải chịu đựng là rất lớn, cơn lũ này chưa qua, cơn lũ khác đã tới khiến cho người dân Hà Tĩnh hết sức khó khăn, nay lại có thể chịu hưởng từ siêu bão. Nhiều người lo rằng, những căn nhà bị ngập sâu trong nước nhiều ngày, dù tường nhà xây bằng gạch hay bằng gỗ thì cũng dễ bị mục nát, chỉ cần có bão nhẹ đi qua cũng có thể làm hàng trăm, hàng ngàn ngôi nhà của bà con đổ nát.

Hơn lúc nào hết, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đang rất cần sự chung tay giúp sức từ những tấm lòng hảo tâm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên