Vùng ngập thủy điện Đak Đrinh: Bình yên trong sợ hãi
(VOV) -Dù lo lắng, song các hộ dân không thể làm gì khác hơn là chờ đợi.
Bài viết “ Kon Tum:1000 người dân vùng ngập thủy điện Đắc Đring cần di dời khẩn cấp” của phóng viên Đài TNVN thường trú tại Tây Nguyên phản ánh về tình trạng người dân ở xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang sinh sống trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Đắc Đrinh có thể bị lũ nhấn chìm bất cứ lúc nào. Chiều 3/7, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum đã chủ trì cuộc họp khẩn với đại diện chủ đầu tư và lãnh đạo huyện Kon Plông nơi có dự án đề chỉ đạo biện pháp di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên đến hôm nay (5/7) PV trở lại xã Đắc Nên thì mọi việc vẫn chưa có chuyển biến, 217 hộ với hơn 1000 khẩu ở đây sẽ bị nhấn chìm trong nước bất kỳ lúc nào nếu mưa lũ ập đến.
Khác với vẻ ngoài bình yên của những ngôi nhà nép sau hàng cau, cuộc sống của 217 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu ở 7 làng cần phải di dời ở xã Đắc Nên đã có những xáo trộn sau cảnh báo mà cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư công trình thủy điện Đak Đrinh đưa ra. Dù lo lắng, song các hộ dân không thể làm gì khác hơn là chờ đợi. Bởi lẽ, nhà cửa còn chưa được nhận tiền đền bù. Và quan trọng hơn, di dời thì biết chuyển đi đâu khi mà cả 4 khu tái định cư đến nay vẫn chưa có ngôi nhà nào được hoàn thiện.
Một góc thủy điện Đắc Đring |
Anh Đinh Văn Tuân, làng Xô Luông cho biết: “Nói chung bà con cũng lo lắng cho nên mong các cấp trên có sự nghiên cứu để bà con yên tâm ăn, ở, sản xuất, sinh hoạt”.
Lo lắng nhưng chủ quan với nước lũ là tâm lý chung của khá nhiều hộ dân thuộc diện phải di dời. Bà Đinh Thị Hiu, làng Xô Luông còn không tin nước có thể lên đến bậc thang nhà sàn, chứ nói gì đến việc ngập cả nhà. Có suối nhưng chưa từng đối diện với lũ dữ, nước dâng. Từ làng Vương, làng Lúp, đến Đắc Tiêu, Xô Thác… tìm đỏ mắt cũng không thấy bóng dáng chiếc thuyền. Cũng chưa người dân nào nghĩ đến việc sẽ làm những chiếc bè, kết những chiếc mảng để dùng lúc nguy nan.
Anh Đinh Văn Tá cho biết: “Gia đình chưa có gì để trang bị khi mùa lũ vào. Gia đình chỉ muốn kịp thời di dời tới nhà mới trước mùa lũ”.
Có một nghịch lý đáng lo ngại, đó là trái ngược với những cảnh báo của cơ quan chức năng, như “Phải khẩn cấp thực hiện ngay việc di dời dân”, hay “Việc di dời dân không còn đường lùi, phải được tính từng ngày”… thì cho đến nay, mọi phương án để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra với dân tất cả vẫn đang còn nằm trên giấy tờ. Chủ đầu tư công trình là Công ty cổ phần Thủy điện Đak Đrinh mới thể hiện trách nhiệm bằng những lời hứa, những lời khẳng định phối hợp, hỗ trợ.... Bởi vậy, chính quyền xã Đắc Nên cũng chưa thể làm gì khác hơn ngoài giải pháp: đề xuất. Ông Nguyễn Thanh Lợi, Chủ tịch UBND xã Đắc Nên nói: “Đối với xã trước mắt là tuyên truyền vận động cho bà con phải chủ động phòng chống. Ngoài ra cũng đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão của xã, xây dựng phương án và chuẩn bị một số nhu yếu phẩm cần thiết theo thực lực của xã. Ngoài ra, xã cũng đã làm việc với UBND huyện, với Ban di dân tái định cư và đơn vị chủ đầu tư đề xuất những phương án cụ thể trong công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm cũng như những điều kiện cần thiết trong phòng chống lụt bão”.
Như vậy đến hôm nay, vẫn chưa có hộ dân nào, trong số gần 1.000 người dân sống trong vùng ngập lòng hồ công trình thủy điện Đắc Đrinh, ở xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được di dời tới nơi an toàn bất chấp những cảnh báo khẩn cấp của ngành chức năng. Trong khi đó, địa hình hiểm trở, dân cư sinh sống trong vùng lòng hồ phân tán rộng, sóng điện thoại chập chờn, thiếu phương tiện ứng cứu, thời tiết bất thường cộng với tâm lý chủ quan của người dân là những điều rất đáng lo ngại nếu tình huống xấu xảy ra.
Thủy điện Đắc Đrinh, trên sông Đắc Đrinh, thuộc địa phận xã Sơn Tây, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, có công suất 125 MW, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng đã cơ bản xây dựng xong và chuẩn bị tích nước vào tháng 8 tới. Thế nhưng việc di dời 217 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu trong vùng lòng hồ vẫn chưa được thực hiện. Nghiêm trọng hơn là theo tính toán của chủ đầu tư và đại diện bộ, ngành chức năng, ngay ở thời điểm hiện tại, chưa cần thủy điện tích nước mà chỉ xảy ra mưa hoặc lũ lớn thì gần 1.000 dân ở đây sẽ bị nhấm chìm.
Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Tây Nguyên hiện đang có mặt tại Đắc Nên sẽ tiếp tục thông tin sự việc này./.