Vượt lên nỗi đau da cam

Gần 30 tuổi nhưng chỉ cao 90cm, nặng 20kg với biệt danh “người ngoài hành tinh” bằng nghị lực, bằng tinh thần luôn luôn cố gắng vươn lên không biết mệt mỏi Phương không những sống, mà còn làm nên những điều kỳ diệu mà người bình thường phải nể phục.

Bố đi bộ tham gia ở chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị bị nhiễm chất độc dioxin, sinh ra 6 người, hai người bị nhiễm chất độc da cam trong đó có Phương.

Tuổi thơ gian nan.

Sinh ra cậu chỉ lớn không bằng một cái bánh mì, cha mẹ chỉ biết nuốt nước mắt vào trong “thế là đứa con thứ 4 ra đời cũng chỉ là một thân hình dị dạng chắc khó sống nổi...” Đó là tâm sự của bố mẹ Phương một gia đình nông thôn nghèo quê ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

Phương vui  cùng học trò sau giờ học

Không được như bao đứa trẻ khác đến tuổi đi học mà cậu chẳng thấy lớn lên được tí nào. Nhưng Phương vẫn quyết tâm đến trường, vẫn cặp sách trên cái lưng gù bé xíu, người tí hon chăm chỉ từng bước ngắn như trẻ tập đi với quãng đường hơn 5km từ nhà đến trường. Mà đâu phải đường dễ đi, nhà Phương qua mấy quả đồi mới đến đươc trường. 

Phương kể “Lúc đó tôi hơn 7 tuổi, cũng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Tôi đi học lớp 1 được vài buổi, thầy giáo bảo tôi ra khỏi lớp vì trong danh sách lớp không có tên tôi. Tôi lại lật đật tìm đến một lớp 1 khác, song cũng chỉ được mấy bữa cô giáo lại cho tôi ra ngoài cũng chỉ vì tôi không được ghi tên trong danh sách lớp”. Thế là cũng từ hôm đó chàng tí hon phải tạm rời các bạn trong lớp.

Dù bị đuổi ra ngoài song không vì thế mà Phương nản chí bỏ học, ngày ngày cậu vẫn gùi cặp sách trên lưng gù đến trường nhưng Phương chọn cho mình một chỗ ngồi ngoài hành lang, cạnh cửa sổ. “Hồi ấy vì mình quá thấp ngồi thì chẳng biết cô viết cái gì, mà đứng cũng chẳng tới cửa sổ để nhìn, nên mình cứ loay hoay cố sao nghe được cô nói gì? thỉnh thoảng ló đầu qua cửa lớp mà nhìn...” Phương tâm sự.

Mặc dù chỉ loay hoay lúc đứng, lúc ngồi chỉ nghe được tiếng cô giáo giảng song những gì cô nói Phương đều tiếp thu rất nhanh. Hôm nào cũng vậy chàng tí hon vẫn gùi sách trên lưng gù tới lớp dù nắng, mưa hay gió rét hôm nào cậu cũng có mặt đúng giờ vào lớp. Hình ảnh chàng tí hon rất cần cù, chịu khó, chăm chỉ ham học đã được một giáo viên trong làng hỏi thăm và nhận Phương vào lớp. Được vào lớp “Mình vui hơn bao giờ hết, được nhìn rõ mắt chữ, được hỏi han các bạn, được cô giáo nhắc nhở...”. Phương tiến bộ rõ rệt, nhà trường đánh giá cao sự thông minh, chịu khó, ham học của Phương. Thế là, Phương học chỉ một kỳ lớp 1 được nhà trường chuyển thẳng lên lớp 2 vì cậu học rất sáng dạ.

Song con đường học hành của Phương cũng không duy trì được lâu. Bắt đầu vào năm học lớp 3 thì trường làng phải chuyển ra xã cách xa nhà nhưng đó không phải là lý do khiến Phương phải nghỉ học, mà Phương phải ngậm ngùi rời xa mái trường vì nhà quá nghèo không có tiền mua xe đạp. Trong khi Phương thì quá nhỏ, bé sải bước chân chỉ bằng một phần ba sải bước chân của các bạn Phương không thể đi nửa ngày mới tới trường.

Nghị lực phi thường

Gác lại bao nhiêu ước mơ hoài bão về con đường học hành, chàng tí hon quyết tâm không làm người thừa hay gánh nặng của gia đình.

Người tí hon “bôn ba” khắp nơi mặc cho mọi người cười chê, dị nghị Phương đã học được vài nghề ở thị xã nhưng cũng chẳng ổn định, vài năm sau chàng tí hon quyết tâm khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh. Phương đăng ký tuyển dụng tại các Trung tâm tư vấn tuyển dụng việc làm với lý lịch trích ngang: Nam, cao 90cm, nặng hơn 20kg... từng làm việc qua các nghề... Với lý lịch xin việc “có một không hai” đã gây tò mò với một chủ tiệm làm bobine xe máy, sau gần một giờ đồng hồ hỏi thăm, tìm hiểu ông chủ tiệm quyết định nhận Phương về nhà ở và dạy nghề. Ông nói: “Cháu cứ học việc vài tuần nếu không được, ông bà sẽ cho tiền mà về quê...”.

Khi bắt tay vào công việc Phương gặp muôn vàn khó khăn, bản thân không nhấc nổi chiếc búa hơn 2kg, các vật dụng đều ở thế dành cho người bình thường.  Phương không ít lần thức trắng đêm vì đau nhức sau những lần cố gắng học. Song ông chủ luôn động viên và bảo Phương phải cố gắng, ông cũng ủng hộ Phương như điều chỉnh lại nhiều vật dụng cho phù hợp.

Bằng nghị lực, bản tính thông minh, nhanh nhẹn Phương đã gắn bó với ông chủ bobine một tháng, 2 tháng, 3 tháng và tới tận 8 năm Phương vẫn gắn bó với ông. Khi đã lành nghề Phương trở thành thợ hướng dẫn cho nhiều học viên khác đang theo học nghề. Với sự chắt chiu dành dụm vì nhà đông anh em, mỗi tháng cậu gửi về cho gia đình gần triệu đồng để nuôi em bị khuyết tật ở quê.

Phương vẫn thường cưỡi trên chiếc Dream cao hơn cả người lái trông rất “kinh”. Chính “con ngựa sắt ba bánh do chính Phương tự chế” này đã đi khắp từ Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Phương đã chạy từ Sài Gòn về Đà Nẵng. Chiếc xe này giúp Phương bỏ hàng cho các đại lý khắp Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế... thật đúng với biệt danh mọi người đặt cho Phương “bốn phương”. Chưa một chú CSGT nào tuýt còi Phương vì cậu luôn đi đúng phần đường, tuân thủ đúng Luật giao thông.

 Và rồi với suy nghĩ mong được gần bố mẹ, được giúp đỡ các em nhiều hơn Phương quyết định chia tay ông chủ tốt bụng người tiếp thêm niềm tin và nghị lực trong em để về quê hương miền Trung lập nghiệp. Năm 2008, với gần 20 triệu đồng tiết kiệm từ thành phố Hồ Chí Minh về với ý định sẽ mở tiệm. Phương nói: Mình chỉ mong có một tiệm nho nhỏ, để tập trung làm ăn nuôi em (em gái Phương bị khuyết tật học Trung cấp tại Đà Nẵng), sau này có điều kiện mình sẽ nhận dạy và giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn như mình...”.

Nhưng với 20 triệu trong tay, giữa thành phố, sắm vài thứ đồ nghề đã hết nhẵn túi chứ chưa nói đến sẽ thuê chỗ làm ăn. Thế là bản lĩnh của người tí hon lại được vận dụng, sự thông minh, ham tìm tòi, học hỏi có sẵn Người tí hon tự tay mày mò đã chế tạo ra nhiều dụng cụ hành nghề vừa tiết kiệm chí phí, tiện dụng lại rất thích hợp với mình. Với sự nổ lực không biết mệt mỏi Phương đã có một cơ sở “Phương Tín” tọa lạc tại số 341 Âu Cơ, thành phố Đà Nẵng với 3 học trò chuyên làm bobine xe máy, sửa xe, sửa các thiết bị điện dân dụng... Nhưng điều không mong muốn đã xảy đến với Phương và các học trò. Sau một thời gian hoạt động, chủ đất cho Phương thuê báo sẽ lấy lại nhà.

Phương như người mất hồn, chới với chưa biết phải đi đâu... trong khi cơ sở đang ăn nên làm ra, khách hàng quen biết nhiều, nếu không có chỗ sẽ thế nào đây?, nếu giải thể các em đang làm với mình sẽ đi đâu đây?... Những lúc như thế Phương luôn tin vào điều kỳ điệu và tự động viên mình “phải bản lĩnh lên, không có con đường cụt...”

Phương với chiếc xe máy tự chế

Phương quyết định đến Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng để nhờ xin việc làm nhưng Giám đốc Trung tâm lại đề nghị anh về dạy học cho các em cơ nhỡ và nạn nhân chất độc da cam. Nghe nói vậy “Phương không biết phải làm sao, mục đích của mình là xin hỗ trợ để duy trì cơ sở chứ không phải bỏ nghề, cái nghề mà mình đã tận tâm bấy lâu”. Nhưng rồi nhìn các em ở Trung tâm trong Phương lại bừng lên một tình thương. Phương nói: “Đúng là buổi gặp mặt duyên số, nhìn các em ở đây mình lại nghĩ đến mình ngày trước, các em còn thơ dại quá, chắc chỉ mình mới hiểu và chia sẻ được với các em và rồi mình đã đồng ý”.

Từ ngày thầy Phương đến, Trung tâm bỗng nhộn nhịp hẳn lên, các em đăng ký học nghề đông lên trông thấy. Mà các em chỉ toàn đăng ký học “nghề thầy Phương”. Phương nói: Các em ở đây còn ngù ngờ lắm, nếu mình không tận tâm thì các em sẽ không thể hiểu được, người bình thường còn khó huống gì các em thiểu năng này! Nhưng quan trọng là mình có phương pháp, phương pháp dành cho người khuyết tật...” Giờ Phương đảm nhận dạy 15 trò vào buổi chiều, buổi sáng Phương tranh thủ làm ở tiệm và hướng dẫn các em học tại tiệm.

Trước khi chia tay con người nhỏ bé nhưng nghị lực, tinh thần không hề nhỏ chúng tôi không khỏi luyến tiếc. Thầy Phương chỉ có một mong muốn duy nhất là mong có thêm nhiều các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ, giúp đỡ các em ở Trung tâm nạn nhân chất độc da cam thành phố, để các em có những dụng cụ, phương pháp, điều kiện học tập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên