Xây dựng hệ thống giám sát bệnh tay chân miệng

Chương trình giám sát có tính hệ thống, thu thập các mẫu để có được những thông tin về chuyển biến của bệnh theo lứa tuổi, giới tính và theo mùa…  

Từ đầu năm đến nay, tại 20 tỉnh, thành phố phía Nam có trên 17.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, chiếm 3/4 số ca mắc bệnh này trong cả nước; trong đó 59 ca tử vong, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tay chân miệng, Viện Pasteur TP HCM đã họp cùng lãnh đạo 8 trung tâm y tế dự phòng các tỉnh phía Nam có số ca mắc tay chân miệng cao là: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và Bến Tre để bàn về biện pháp phòng hữu hiệu phòng chống bệnh chân tay miệng, trong đó có việc xây dựng hệ thống giám sát bệnh tay chân miệng.

TS, BS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, dịch bệnh tay chân miệng còn kéo dài đến cuối năm nay và có thể sang đầu năm sau, với diễn biến khó kiểm soát. Ngành y tế TP HCM sẽ huy động mọi nguồn lực, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

TS, BS Trần Ngọc Hữu nói: “Do thiếu số liệu để đánh giá về đặc điểm cũng như dịch tễ, lâm sàng, tác nhân gây bệnh cho nên cần phải thiết lập hệ thống giám sát này. Ban đầu, chúng tôi dự kiến chọn 3 điểm nóng nhất là TP HCM, Bến Tre và An Giang. Đây là chương trình giám sát có tính hệ thống, thu thập các mẫu để có được những thông tin về chuyển biến của bệnh theo lứa tuổi, giới tính và theo mùa… Chúng tôi sẽ theo dõi một số mẫu cố định, để đánh giá sự chuyển đổi của tác nhân gây bệnh”.

Cũng theo TS, BS Trần Ngọc Hữu: Hiện trên thế giới chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng. Bệnh chủ yếu lây lan qua dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng, phân nhiễm virus nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đối với trẻ em và cả người lớn.

Khi phát hiện những dấu hiệu như sốt, loét miệng; phỏng nước ở bàn tay, bàn chân cần phải đưa đến cơ sở y tế để các bác sĩ điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên