Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp để bảo vệ Tổ quốc
VOV.VN - Thiếu tướng Hồ Xuân Thức: Hiện nay, dân quân tự vệ đã được tổ chức vững mạnh trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Ra đời ngày 28/3/1935, lực lượng dân quân tự vệ đã đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong giai đoạn hiện nay, dân quân tự vệ đã phát triển lớn mạnh, rộng khắp, là 1 trong 3 thành phần của lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tiên tai.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935 – 28/3/2015) phóng viên VOV đã phỏng vấn Thiếu tướng Hồ Xuân Thức, Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Quốc phòng về những vấn đề đặt ra trong phát triển lực lượng dân quân tự vệ hiện nay.
PV: Thưa thiếu tướng, trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đặc biệt từ sau khi Quốc hội thông qua Luật Dân quân tự vệ năm 2009, lực lượng dân quân tự vệ đã được kiện toàn ra sao để đảm bảo là 1 trong 3 thành phần của lực lượng vũ trang bảo vệ Tổ quốc?
Thiếu tướng Hồ Xuân Thức: Hiện nay, dân quân tự vệ đã được tổ chức vững mạnh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Chúng tôi đã xây dựng được lực lượng khoảng 1,44% so với tổng số dân toàn quốc.
Đã tổ chức xây dựng được hơn 5.000 chi bộ và tổ Đảng quân sự ở xã, phường, thị trấn. Ở các xã, phường, thị trấn biên giới và các xã, phường, thị trấn trọng điểm quốc phòng - an ninh nội địa, và biên giới, ven biển mỗi xã có một tiểu đội dân quân thường trực 24/24. Còn tất cả các xã, phường, thị trấn hiện nay đều có một trung đội dân quân tự vệ cơ động.
Đối với Dân quân tự vệ phòng không, được xây dựng tốt hơn, với tổng số trên 3% tổng số dân quân tự vệ. Đặc biệt có 10 đại đội dân quân tự vệ luân phiên thường trực, sẵn sàng chiến đấu. Mỗi một đại đội có 1 đến 2 khẩu đội trực 24/24 với phương pháp là kết hợp sản xuất với sẵn sàng chiến đấu.
PV: Mặc dù lực lượng dân quân tự vệ về cơ bản đã phát triển rộng khắp nhưng lại chưa xây dựng, phát triển được ở các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và các tổ sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá. Vậy thưa Thiếu tướng, vì sao có tình trạng này và phương hướng nào để khắc phục?
Thiếu tướng Hồ Xuân Thức: Nền tảng của dân quân tự vệ là chỗ nào có Đảng, có chính quyền, có nhân dân và sản xuất kinh doanh ổn định mới có tổ chức của dân quân tự vệ. Đây cũng là một khó khăn khi xây dựng đội tự vệ tại các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa mà nước ngoài chiếm phần lớn vốn.
Nội dung thứ 2 cũng không đơn giản, đó là tự vệ trên biển. Thứ nhất, tổ chức sản xuất kinh doanh trên biển chưa ổn định. Còn nghiệp đoàn đánh cá cũng chưa có Đảng và tổ chức quản lý của chính quyền ở đấy. Lao động, tổ chức sản xuất thường theo mùa vụ, theo ngư trường, dẫn đến khó khăn trong tổ chức tự vệ. Đây cũng là một trong những vấn đề hết sức nan giải, cần nghiên cứu và có chiến lược riêng về vấn đề này.
Chính vì vậy, thực hiện theo quyết định 1902 của Chính phủ ban hành đề án tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, thực hiện luật dân quân tự vệ chúng tôi đã làm điểm, xây dựng 6 trung đội dân quân tự vệ biển để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức thí điểm 6 đơn vị là tự vệ tại các loại hình doanh nghiệp khác nhau để nghiên cứu tổng hợp và đưa ra những chính sách mới.
PV: Thưa Thiếu tướng, hiện nay và trong thời gian tới cần có giải pháp gì để đảm bảo tiếp tục “xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” như quy định trong Hiến Pháp mới?
Thiếu tướng Hồ Xuân Thức: Chúng tôi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho mọi người dân kể cả người dân đang lao động ở nông thôn với người làm trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau hiểu về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ trong điều kiện thời bình, để người ta thấy được nghĩa vụ và trách nhiệm, quyền lợi tham gia dân quân tự vệ. Song song với nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, phải hoàn thiện chế độ và chính sách cho dân quân tự vệ.
Chính sách về dân quân tự vệ cũng có nhiều điểm mới. Đó là chính sách hỗ trợ ngày công lao động cho lực lượng dân quân tự vệ khi huấn luyện, hoạt động. Thứ hai khi dân quân tự vệ đi làm nhiệm vụ bị ốm đau, bị thương thì được hưởng chế độ khám và chữa bệnh.
Chính sách thứ ba là, khi bị thương, bị hy sinh trong điều kiện làm nhiệm vụ, được công nhận thương binh, liệt sỹ thì được hưởng chế độ chính sách như thương binh, liệt sỹ.
Chính sách thứ tư có ưu tiên một số phụ cấp khác nhau để thu hút công dân vào lực lượng dân quân. Đối với chỉ huy, phó ban chỉ huy quân sự xã phường và thị trấn, trung đội trưởng dân quân cơ động có chính sách được hưởng phụ cấp đặc thù quốc phòng.
Hiện nay các thế lực thù địch đang tập trung vào chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ. Không chỉ chống phá chúng ta từ Trung ương mà chống phá ngay từ cơ sở nên chúng tôi rất quan tâm tới lực lượng dân quân tự vệ. Xã nào, phường nào, tổ dân phố nào, bản nào, nhà máy xí nghiệp nào cũng có dân quân tự vệ.
Nếu dân quân tự vệ làm tốt vai trò dân vận, phối hợp với công an và lực lượng khác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thì không có chỗ nào chúng ta không phát hiện được tình thế, không có chỗ nào chúng ta không chủ động được tình hình.
PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng./.