Xe buýt, xe khách liên tỉnh ở TP.HCM vắng khách
VOV.VN - Mặc dù dịch COVID-19 ở TP.HCM đã cơ bản được kiểm soát nhưng người dân vẫn có tâm lý e ngại khi sử dụng các dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Đây là lý do chính khiến tình trạng dịch vụ vận tải hành khách ế ẩm.
Đã gần một tháng vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định được hoạt động trở lại nhưng nhiều quầy vé tại Bến xe Miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh vẫn đóng cửa vì không có khách. Ghi nhận của phóng viên VOV, các xe xuất bến luôn vắng khách và chưa có dấu hiệu cải thiện so với những ngày đầu hoạt động. Khu vực sảnh chờ của bến có thời điểm không một bóng khách, chỉ lác đác một vài người là nhân viên nhà xe, bảo vệ bến.
Một số lái xe cho biết, trung bình mỗi ngày chỉ có từ 3-5 khách sử dụng dịch vụ, giảm rất nhiều so với thời điểm trước khi có dịch bệnh. Không có hành khách, nhiều xe chuyển sang chở hàng hóa. Theo đại diện nhà xe Nguyên Phụ chạy tuyến TP.HCM – Đắk Nông, nhà xe hoạt động từ 27/10 đến nay nhưng hầu như ngày nào cũng chạy xe không. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao đột ngột nên sau chuyến hôm nay, nhà xe sẽ ngưng hoạt động vì chạy rất lỗ.
"Tôi bắt đầu chạy tới ngày này là được 5 chuyến, mà chuyến nào cũng lỗ. Có ngày được 2 người, ngày được 3 người. Sau chuyến này về là nghỉ không chạy nữa. Tôi xin nghỉ rồi, vì không chạy nổi, chạy là lỗ. Giá dầu đang cao, mỗi ngày đi từ Đắk Nông đến TP.HCM và ngược lại là hết 3 triệu đồng tiền dầu, tiền công tài xế là 1 triệu đồng, rồi tiền cầu đường, ăn uống, rửa xe nữa. Tính ra mỗi ngày phải chi hơn 5 triệu đồng, lỗ quá chừng luôn, xong chuyến này là về nghỉ", đại diện nhà xe Nguyên Phụ nói.
Ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bến xe Miền Đông cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 13 tỉnh thành đồng ý chạy lại xe khách liên tỉnh kết nối với bến. So với ngày đầu hoạt động lại tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh (13/10), lượng phương tiện đăng ký chạy có tăng nhưng lượng hành khách thì… “đứng im”. Do đó, dù các nhà xe phối hợp với bến thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch nhưng tình trạng xe nằm chờ khách vẫn phổ biến.
"Ban đầu từ hơn 10 phương tiện đăng ký đến nay thì có trên 100 phương tiện đăng ký hoạt động hằng ngày. Với lượng hành khách không tăng, bình quân cũng tầm từ 6 - 8 hành khách/chuyến xe. Do nhu cầu của hành khách trong mùa dịch rồi các điều kiện về phòng, chống dịch cho nên là hành khách thật sự có nhu cầu cần thiết, họ mới tham gia đi lại. So với ngày thường thì không bằng và giảm đi rất nhiều", ông Tạ Chương Chín cho biết.
Tương tự, hoạt động xe buýt nội thành TP.HCM cũng rơi vào tình trạng “ế ẩm”. Ông Nguyễn Hải Hà, tài xế xe buýt số 36 tuyến Bến Thành (Quận 1) – Thới An (Quận 12) cho biết, trong chuyến trưa nay (3/11), suốt chặng đường dài gần 20km, trên xe chỉ duy nhất một hành khách: “Hoạt động từ ngày 1/11. Khách ít lắm, gọi là chạy cho có thôi chứ còn lượng khách cũng không có bao nhiêu. Chuyến sáng nay đi được một người”.
Cùng với hoạt vận tải hành khách liên tỉnh, từ ngày 1/11, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đưa vào hoạt động thêm 8 tuyến xe buýt có trợ giá, nâng tổng số tuyến xe buýt hoạt động ở TP.HCM lên 20 tuyến. Tuy nhiên, hiện nay học sinh, sinh viên chưa đến trường đi học lại. Đồng thời, tâm lý e ngại dịch bệnh khi sử dụng dịch vụ vận tải công cộng đã dẫn tới tình trạng vắng khách trong những ngày đầu chạy lại./.