Xe điên tông nữ lao công: Nỗi đau “tai nạn giao thông” còn đến bao giờ?
VOV.VN - Tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào, không loại trừ một ai, đang trở thành nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông.
Hình ảnh những đồng nghiệp và đứa con trai lớp 9 ngồi gục khóc bên thi thể mẹ trong vụ "xe điên" tông tử vong nữ công nhân vệ sinh ở Hà Nội khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đây chỉ một trong số rất nhiều các vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian vừa qua mà nguyên nhân chính là do tài xế uống rượu bia.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiệncó 65-70% người điều khiển phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn giao thông có vi phạm nồng độ cồn.
Tham gia giao thông, nhiều người luôn có tâm lý lo lắng, bất an bởi tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào, không loại trừ một ai khi hàng ngày, hàng giờ xảy ra nhan nhản các vụ tai nạn giao thông, phần lớn là do những kẻ ngồi sau vô lăng say xỉn, không làm chủ được tốc độ.
Cậu bé lặng người, gục đầu bên thi thể mẹ trong đêm (ảnh: Internet) |
Đằng sau mỗi vụ tai nạn là cả một hệ lụy dai dẳng, liên quan đến cuộc đời nhiều con người, nhất là những đứa con thơ vô tội khi mà nạn nhân là cha mẹ, là trụ cột gia đình. Thật quá phi lý khi giờ đây tính mạng nhiều người đang phó mặc vào sự may rủi khi tham gia giao thông.
Theo Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 18.232 vụ tai nạn giao thông làm 8.125 người chết, 5.124 người bị thương và 9.070 người bị thương nhẹ. Tính trung bình mỗi ngày có 22 người ra khỏi nhà và không bao giờ trở về.
Vì sao chúng ta cũng đã có rất nhiều các quy định và có cả Luật Giao thông đường bộ quy định cụ thể về từng trường hợp vi phạm và có chế tài xử lý, nhưng hàng ngày, hàng giờ vẫn có rất nhiều các vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của hàng chục con người?
Nguyên nhân chính vẫn do ý thức của con người, từ người tham gia giao thông đến những cá nhân, tổ chức quản lý giao thông.
Ý thức quá kém của người tham gia giao thông hiện nay khiến tình trạng giao thông ngày càng trở nên hỗn loạn. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, lấn đường… thường xuyên xảy ra, ngay ở giữa Thủ đô văn minh.
Giao thông ở nhiều nơi đang diễn ra theo kiểu “còi to vượt trước”. Ô tô dàn hàng ngang chiếm hết đường xe máy, xe máy leo lên vỉa hè chiếm đường của người đi bộ, người ngay thì sợ kẻ ngổ ngáo… Đứng chờ đèn đỏ, mặc dù đèn mới ở tín hiệu vàng, người đứng trước không nhanh chóng cho xe chạy thì liền bị những người đằng sau la ó, chửi bới.
Đôi khi, ra đường làm việc thiện lại bị mang vạ vào thân. Đã xảy ra tình trạng có người nhắc một thanh niên về việc gạt chân chống xe, không những không được cảm ơn, người kia còn bị thanh niên này gây sự, hành hung...
Tình trạng ai có tiền cũng có thể dễ dàng mua ô tô, mua bằng lái để tham gia giao thông mà ít khi nghĩ phía sau tay lái của mình, không chỉ là sự an toàn của chính bản thân, gia đình, con cái mình mà còn là tính mạng, cuộc đời của rất nhiều người đi đường và gia đình, con cái của họ.
Cùng với ý thức kém của người tham gia giao thông, sự quản lý về giao thông còn lỏng lẻo góp phần gia tăng tai nạn giao thông. Chúng ta đã nói từ lâu, nói quá nhiều về nạn “bằng giả” nhưng thực tế tình trạng này chưa được cải thiện, mà có chăng tệ nạn này ngày càng kín đáo và tinh vi hơn. Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trong năm 2018, đã phát hiện gần 300 bằng lái xe giả mạo, bình quân mỗi tháng phát hiện gần 25 trường hợp, hầu hết được làm giả hoàn toàn.
300 bằng giả do riêng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe phát hiện, là con số rất nhỏ so với con số bằng giả đang lưu hành. Điều này đồng nghĩa với việc có hàng trăm, thậm chí nhiều hơn gấp nhiều lần những lái xe không đủ tiêu chuẩn những vẫn tham gia giao thông. Cũng có nghĩa là có từng ấy “thần chết” đang nhởn nhơ ngoài đường, đe dọa tính mạng của hàng ngàn, hàng vạn người tham gia giao thông.
Chúng ta đã có rất nhiều quy định, chế tài về xử lý vi phạm giao thông nhưng vi phạm giao thông, đặc biệt là tai nạn vẫn không giảm, mà có chiều hướng gia tăng, nhất là các vụ tai nạn nghiêm trọng? Lý do chính là do việc thực hiện những quy định, chế tài chưa nghiêm, chưa có tính chất răn đe đối với người vi phạm. Người vi phạm có thể được bỏ qua nhờ “xin xỏ”, “quan hệ”, “chạy chọt”… nên khi vi phạm họ không thấy sự nghiêm trọng của vi phạm và dễ dàng vi phạm lỗi sau nặng hơn lỗi trước. Điều này cũng gây tâm lý “nhờn” luật đối với nhiều người tham gia giao thông.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia thì người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép thì bị phạt vài triệu đồng đến dưới 20 triệu đối với người lái xe máy, ô tô và tước giấy phép lái xe tối đa 6 tháng.
Thêm nữa, Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Còn trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 02 người.
Khi một người điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn vượt quá quy định, họ sẽ khó làm chủ được bản thân, gây nguy hiểm khôn lường cho những người đi đường. Và thực tế, qua rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, cướp đi tính mạng của nhiều người đã chứng minh điều này. Chế tài xử phạt đối với người vi phạm hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và nhiều quy định không còn phù hợp trong tình hình hiện nay.
Vì thế trong tình hình tai nạn giao thông đang “nóng” như hiện nay, nhất là tình trạng “xe điên” gây tai nạn do tài xế uống rượu bia, cần thiết phải có những chế tài đủ mạnh liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích này, thậm chí ngoài việc xử phạt hình sự, xem xét tước bằng lái vĩnh viễn tùy theo mức độ vi phạm.
Đã đến lúc, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của những người tham gia giao thông và các cơ quan quản lý giao thông, cũng như việc bổ sung những chế tài đủ mạnh thì mới hạn chế được những hình ảnh con thơ mất mẹ, gia đình mất người thân như trong vụ xe ô tô “điên” tông chết nữ nhân viên quét rác vừa xảy ra đêm qua ở Hà Nội./.