Xứ Dừa Bến Tre chung tay tìm cách thích ứng với hạn mặn
VOV.VN - Bến Tre là một trong số các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn ở vùng ĐBSCL.
Bến Tre là một trong số các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn ở vùng ĐBSCL. Những ngày qua, chính quyền và người dân địa phương đã rất quyết liệt, chung tay ứng phó với thiên tai, nhất là khắc phục khó khăn về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Nhiều con rạch, con kênh thủy lợi tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre thời điểm này đáy đã khô nước, đất nứt nẻ chân chim. Những vườn dừa vàng lá, rụng lá do “khát nước”. Bà Nguyễn Thị Kim Lan, nông dân ấp An Thuận, xã An Bình Tây cũng như các hộ dân khu vực này cho biết đã cạn nguồn nước sinh hoạt. Mỗi ngày, bà Lan phải đi “đổi” nước ngọt chở về nhà với giá 60.000 đồng/khối, phục vụ sinh hoạt gia đình và cung cấp nước cho đàn gia súc.
"Nước mặt nhiễm mặn, nước ngọt không có phải đi “đổi” nước. Mỗi tháng đổi 6-7 khối, với giá 60.000 đồng/khối. Đàn bò phải uống nước ngọt, không thể uống nước mặn được"- bà Lan nói.
Đối với địa bàn huyện Ba Tri, hiện nay khó khăn nhất là nguồn nước sinh hoạt cho người dân và cung cấp nước cho đàn bò trên 100.000 con. Toàn huyện có 12 nhà máy, trạm cấp nước tập trung nhưng đa phần đều nhiễm mặn từ 3-14‰; khoảng 11.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Ứng phó với hạn mặn, người dân đã chủ động đào các giếng ở nơi đất giồng cát (đất cao) để tìm mạch nước ngọt, hay đi “đổi” nước ngọt tại các dịch vụ chở nước từ các nơi khác về với giá từ 60.000 đồng/m3 đến 150.000 đồng/m3. Ngoài ra, trên tinh thần “ tương thân, tương ái”, đã có nhiều tổ chức, cá nhân đến tặng gần 100 máy xử lý nước mặn thành ngọt, hơn 10.000 dụng cụ trữ nước ngọt và dùng tàu, xe chở nước hơn 4.000m3 nước ngọt đến cấp miễn phí cho dân nghèo.
Tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri, mùa khô hạn này, gần như các hộ dân đều thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nguồn nước chính để phục vụ cho người dân chủ yếu do các doanh nghiệp chuyển nước đến tài trợ; trong đó ca sỹ Thủy Tiên tặng 01 hệ thống máy xử lý nước mặn thành nước ngọt trị giá 800 triệu đồng, cung cấp gần 100m3 nước sạch/ngày, đêm. Đặc biệt, gia đình ông Hồ Văn Dương, ở ấp An Điền còn đào ao rộng trên 2.000m2 dự trữ hơn 2.000m3 nước ngọt để phục vụ miễn phí cho người dân mùa khô hạn. Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết, về lâu dài địa phương phải có kế hoạch để chống khô hạn hữu hiệu.
"Thời gian tới để đảm bảo phát triển kinh tế của xã cũng như đảm bảo nước sinh hoạt tại địa phương, chúng tôi đề nghị cấp trên có chủ trương khép kín lại các cống để khi bị hạn mặn còn nước trữ lại trong ao để gia súc, gia cầm uống. Ngoài ra, chúng tôi có hướng đào ao, kênh đã bị cạn để mùa hạn mặn tới có nước trữ để sử dụng"- ông Lê Văn Chiến cho biết.
Hiện nay, khô hạn tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre còn diễn ra gay gắt, nhất là vùng ven biển, bãi ngang đời sống người dân rất khó khăn do thiếu nguồn nước ngọt. Chính quyền, đoàn thể địa phương tiếp tục vận động nguồn nước ngọt từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xa gần; trang bị dụng cụ chứa nước để trữ nước mưa đầu mùa sắp đến. Giải pháp chống hạn lâu dài, địa phương kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư kinh phí làm hồ Lạc Địa, xã Phú Lễ và nâng cấp hồ kênh Lấp, xã Phước Ngãi- Vĩnh Hòa để chủ động trữ nước ngọt.
"Nếu hạn mặn còn kéo dài, huyện tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nguồn nước tiết kiệm hơn; vận động nhà hảo tâm vận chuyển nước ngọt về giúp đỡ những hộ gặp nhiều khó khăn trong mùa hạn mặn. Về giải pháp lâu dài, huyện sẽ đề nghị tỉnh sớm xây dựng các công trình đầu mối ngăn mặn như các cống ở Châu Bình, Giồng Trôm... sớm để chủ động trong mùa tới có nguồn nước ngọt cung cấp cho hồ chứa để phục vụ bà con"- ông Hồ Văn Thương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết.
Dẫu rằng công tác ứng phó với khô hạn tại tỉnh Bến Tre hiện nay khá vất vả, nhưng trong cái khó khăn đó, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tình thương yêu, chia sẻ, thấm đượm tình người. Trong công tác ứng phó với đợt hạn mặn lịch sử này, địa phương cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm, những mô hình, biện pháp thích ứng sáng tạo, có hiệu quả để vận dụng trong thời gian tới./.