Xử lý tận gốc việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo

VOV.VN - Thời gian qua, dù các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đã xử phạt việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo rất nghiêm nhưng vẫn không ăn thua. 

Trước thông tin một số hộ chăn nuôi heo ở tỉnh Đồng Nai tiếp tục sử dụng chất cấm trong chăn nuôi beta-agonist (chất tạo nạc và tăng trọng) khiến cho người tiêu dùng và người chăn nuôi chân chính hết sức lo ngại.

Mặc dù trong thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai tăng cường kiểm tra và xử phạt nhưng tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo không giảm mà còn gia tăng, phức tạp hơn.  

Mấy hôm nay, anh Nguyễn Quốc Thái, chủ trang trại heo tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai hết sức lo lắng cho đàn heo 300 con sắp đến ngày xuất chuồng. Không lo sao được khi có thông tin các cơ quan chức năng vừa phát hiện, xử phạt một số trang trại chăn nuôi của Đồng Nai có sử dụng chất beta-agonist trong chăn nuôi heo đã làm cho sức mua trên thị trường giảm rõ rệt.
Các cơ quan chức năng nên xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm mới đủ sức răn đe. (ảnh minh họa)

Trước đây, mỗi lần có thông tin xấu về thịt heo là giá heo hơi rớt thê thảm. Tuy giá heo hơi hiện nay chưa giảm, vẫn còn ở mức 45.000 đồng/kg nhưng anh Thái không biết giá này còn giữ được bao lâu.

Là người chăn nuôi chân chính, anh cho rằng các cơ quan chức năng nên xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm mới đủ sức răn đe và để cho người chăn nuôi như anh được tồn tại.

Anh Nguyễn Quốc Thái nói: “Chúng tôi là những người làm ăn chân chính bán giá rất thấp còn những người làm ăn phi pháp, sử dụng chất cấm lại bán giá cao hơn. Những lúc thị trường khó khăn giá bán huề vốn, lỗ người chăn nuôi chân chính thiệt, trong khi người sử dụng chất cấm chẳng lỗ”.

Tỉnh Đồng Nai có hơn 2.100 trang trại nuôi heo với khoảng 1.500 con. Để tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra 98 trang trại và đã phát hiện 17 trường hợp vi phạm về sử dụng  chất cấm trong chăn nuôi.  Cơ quan này đã xử phạt mỗi trường hợp vi phạm 15 triệu đồng và giữ heo từ 3 đến 10 ngày để lấy mẫu xét nghiệm lần 2.  

Để tăng  cường  xử lý các trường hợp vi phạm này, từ nay đến cuối năm, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục kiểm tra và lấy mẫu thêm 200 trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, theo ngành chức năng của Đồng Nai các mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe và chỉ là giải pháp tình thế vì chỉ xử lý chủ trại chăn nuôi, chứ chưa xử lý người mua, bán chất cấm này.  

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội chăn nuôi  tỉnh Đồng Nai đề nghị: “Đề nghị các cơ quan chức năng phải gắt gao hơn, triệt tiêu vấn đề này. Đối với thương lái mua heo phát hiện heo có sử dụng chất cấm, tiêu hủy luôn cả xe heo; đối với trại chăn nuôi, rút giấy phép”.

Ngoài mức xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bất cập lớn nhất hiện nay là những quy định của các bộ, ngành trong vấn đề này còn chồng chéo nhau. Chính vì vậy, đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành thú y khi xử lý các trường hợp vi phạm.

Cụ thể như theo thông tư 28 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về danh mục các hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh… trong chăn nuôi, chất beta-agonist bị cấm nhập. Còn quy định của Bộ Y tế cho phép nhập khẩu chất này để làm dược phẩm điều trị bệnh. 

Đáng nói nữa là mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông tư 28 cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh chất beta-agonist, nhưng trong 1 thông tư khác số 57 ngày 7/11/2012 quy định về việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm thuộc nhóm beta-agonist trong chăn nuôi của Bộ nông nghiệp và Phát triển  nông thôn lại cho phép tồn dư chất này ở mức nhất định trong thịt. Đây chính là kẻ hở cho cho một số người lách luật cố tình vi phạm.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai kiến nghị: “Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế cần phối hợp với nhau loại bỏ hoàn toàn chất beta-agonist, tăng cường kiểm soát nhập lậu qua biên giới. Trong nước chúng ta tăng tần suất kiểm tra. Khi kiểm tra đầu vào trong nước kiểm tra dễ hơn. Bây giờ chất cấm này được bán tràn lan rất khó kiểm tra”.

Vì sức khỏe của người tiêu dùng và bảo vệ người chăn  nuôi chân chính, các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai cần phải xử lý thật nặng đối với các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, truy tố đối với các trường hợp cố tình vi phạm để giáo dục, răn đe./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt tới 100 triệu đồng
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt tới 100 triệu đồng

Người sản xuất, kinh doanh, gia công thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm bị xử phạt nặng nhất 70-100 triệu đồng.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt tới 100 triệu đồng

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị phạt tới 100 triệu đồng

Người sản xuất, kinh doanh, gia công thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm bị xử phạt nặng nhất 70-100 triệu đồng.

Chất cấm trong chăn nuôi xuất hiện tại miền Bắc
Chất cấm trong chăn nuôi xuất hiện tại miền Bắc

Số mẫu dương tính rất thấp, nên Cục Chăn nuôi khuyến cáo người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn.

Chất cấm trong chăn nuôi xuất hiện tại miền Bắc

Chất cấm trong chăn nuôi xuất hiện tại miền Bắc

Số mẫu dương tính rất thấp, nên Cục Chăn nuôi khuyến cáo người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn.

Cơ quan chức năng nói gì về chất cấm trong chăn nuôi?
Cơ quan chức năng nói gì về chất cấm trong chăn nuôi?

Để người chăn nuôi "nói không" với chất cấm, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Cơ quan chức năng nói gì về chất cấm trong chăn nuôi?

Cơ quan chức năng nói gì về chất cấm trong chăn nuôi?

Để người chăn nuôi "nói không" với chất cấm, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.