Xử lý trách nhiệm Chủ tịch tỉnh khi xảy ra TNGT nghiêm trọng vì sao khó?
VOV.VN -Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ chưa nhận được báo cáo xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra TNGT.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 sáng 5/7, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đánh giá, 6 tháng đầu năm, thời điểm trùng với dịp Tết, nhiều lễ hội và cao điểm mùa thi, mùa du lịch nên tình hình giao thông có diễn biến phức tạp, phương tiện tham gia giao thông rất cao. Trong thời gian này, lực lượng chức năng đã quyết liệt vào cuộc, vì vậy tình hình ATGT có phần được đảm bảo, TNGT giảm 3 tiêu chí.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến toàn quốc đảm bảo ATGT 6 tháng đầu năm 2018 sáng 5/7.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm thương vong nhiều người, liên tiếp xảy ra TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Cá biệt trong hơn 1 tháng, đoàn tàu SE19 xảy ra 2 lần tai nạn rất nghiêm trọng tại Thanh Hoá và Nghệ An. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để các đường ngang dân sinh gây mất ATGT…
Tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng gia tăng, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe khách tuyến cố định. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng trở lại. Vẫn còn tình trạng tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ.
Theo Phó Thủ tướng, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm thương vong nhiều người, liên tiếp xảy ra TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng. |
“Để xảy ra nhiều sự việc trên, nhưng Thủ tướng Chính phủ chưa nhận được báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tại các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm đối với việc xử lý lối đi tự mở qua đường sắt. Vừa qua mới thấy Bộ GTVT xử lý trách nhiệm đối với các tập thể cá nhân liên quan đến các tai nạn đường sắt”, Phó Thủ tướng nói.
Tăng mức xử phạt, “siết” điều kiện kinh doanh vận tải
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về “kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải”.
"Cần đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 46/2016 và Luật Giao thông đường bộ, có cần thiết phải sửa đổi hay không; nếu phải sửa đổi, bổ sung cần làm sớm", Phó Thủ tướng chỉ đạo và đề nghị Bộ Tư pháp đánh giá xem có cần thiết phải sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính để tăng khung mức xử phạt cao hơn hay không.
"Tôi thấy mức xử phạt như hiện nay chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói thêm.
Tai nạn giao thông giảm chưa bền vững
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục có nhiều chuyển biến. Trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra gần 9.000 vụ TNGT, làm chết trên 4.100 người, bị thương trên 7.000 người.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về “kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải”, tăng mức xử phạt để tạo tính răn đe. |
So với 6 tháng đầu năm 2017, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm gần 600 vụ, giảm hơn 30 người chết và hơn 900 người bị thương.
Ông Hùng cho rằng mặc dù 6 tháng đầu năm, TNGT tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí nhưng TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0.75%;
Hiện vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017. Trong đó, có 10 tỉnh tăng trên 20% gồm: Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh. Trong đó, có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.
Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, ông Khuất Việt Hùng cho biết, nỗ lực giảm 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT ở tất cả các tỉnh, thành phố; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.../.
Để đèo Lò Xo không còn mang tên “đèo tử thần“
Chủ doanh nghiệp có xe lao xuống vực ở đèo Lò Xo phải chịu trách nhiệm
Bộ GTVT khảo sát ’điểm đen’ tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo
Nỗi đau con trẻ trong vụ xe khách lao xuống vực ở đèo Lò Xo
Xe khách bị lật trên đèo Lò Xo vẫn còn hạn đăng kiểm
Xe khách chở 42 người lao xuống vực đèo Lò Xo trong đêm, 3 người chết