Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
VOV.VN -
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của đất nước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của đất nước.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 ngành Tài nguyên và Môi trường, chỉ đạo về nhiệm vụ năm 2015 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của đất nước.
Cụ thể, về đất đai, cần tập trung chỉ đạo triển khai thi hành Luật đất đai nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; định giá đất; điều tra cơ bản về đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai. Nghiên cứu, tìm ra mô hình phù hợp để thực hiện thí điểm việc giải phóng mặt bằng, tái định cư đạt hiệu quả nhằm giảm bớt các khiếu nại về đất đai.
Tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm tới công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ngừng xuất khẩu cát nhiễm mặn.
Về quản lý tài nguyên nước, cần tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, nhất là các nguồn nước liên quốc gia; thành lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về nước. Tiếp tục dành nguồn lực để xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn.
Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức triển khai có hiệu quả Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị quyết của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục một bước tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, các lưu vực sông, khu, cụm công nghiệp và làng nghề, sự suy thoái tài nguyên đa dạng sinh học; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải, cải thiện và phục hồi môi trường.
Bên cạnh đó, tăng cường xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Về công tác khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, tiếp tục nâng cao năng lực; chất lượng của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để tham mưu, chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống thiên tai; từng bước triển khai có hiệu quả việc xã hội hóa trong công tác khí tượng thủy văn. Chú trọng hoàn thành việc việc xây dựng các kịch bản chi tiết về biến đổi khí hậu của địa phương để có biện pháp ứng phó phù hợp, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.
Tập trung triển khai tốt công tác điều tra cơ bản tài nguyên biển, chú trọng đầu tư nghiên cứu, khảo sát các loại hình năng lượng mới (Gas Hydrate) trên các vùng biển sâu, biển xa; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP cả nước theo Chiến lược biển quốc gia./.