Xử lý vi phạm pháp luật về đê điều: Vẫn đùn đẩy trách nhiệm!

VOV.VN -Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều có chiều hướng gia tăng khiến cho các tuyến đê nhanh chóng xuống cấp

Cả nước hiện có khoảng 9.300 km đê các cấp. Mặc dù được đầu tư củng cố, duy tu hàng năm nhiều tuyến đê chưa đồng bộ theo tiêu chuẩn thiết kế, khả năng đảm bảo an toàn chống lũ, bão còn thấp.... Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều có chiều hướng gia tăng khiến cho các tuyến đê nhanh chóng xuống cấp.

Vi phạm đê điều.

Thành phố Hải Phòng có gần 420 km đê, trong đó có 60 km đê biển, còn lại là đê sông và đê cửa sông. Trên nhiều tuyến đê, không khó để nhận thấy các vụ vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra mà không được ngăn chặn và xử lý dứt điểm như: khai thác cát sỏi, tập kết vật liệu, xây dựng công trình trái phép…

Trên thực tế, không riêng tại Hải Phòng mà tình trạng vi phạm Luật Đê điều còn phổ biến ở hầu hết các địa phương có đê trong cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại 19 tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt đã xảy ra hơn 10 nghìn vụ vi phạm pháp luật đê điều trong giai đoạn 2011-2018 nhưng mới xử lý được hơn 3.000 vụ. Các hình thức vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà xưởng, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều; đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm bãi sông, lòng sông; khai thác cát sỏi lòng sông, ảnh hưởng đến an toàn đê điều, khả năng thoát lũ…

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Những năm gần đây mức độ và quy mô các vụ vi phạm luật đê điều có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ tồn tại kéo dài, gây bức xúc trong dư luận: “Tình hình vi phạm pháp luật đê điều là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê. Khả năng đảm bảo an toàn của các tuyến đê còn thấp, hiện chưa đáp ứng được theo yêu cầu, nhiệm vụ quy hoạch, chưa đảm bảo thiết kế. Tình trạng vi phạm còn phổ biến, nhưng không được xử lý hoặc xử lý không triệt để”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đê điều, như: chính quyền địa phương và người dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác quản lý đê điều, buông lỏng quản lý; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý, xử lý vi phạm chưa chặt chẽ; các đối tượng khai thác cát, sỏi ngày càng manh động, hoạt động vào ban đêm dẫn đến khó khăn trong phát hiện, xử lý…

 Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, để hạn chế và ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, cả hệ thống chính trị tại cơ sở phải vào cuộc: “Chúng ta phải giải quyết bài toán tránh đùn đẩy giữa các cấp, các ngành, ngay trên địa bàn huyện, rồi các cấp, các ngành trên địa bàn huyện với Hạt đê điều, thanh tra nhân dân… làm sao có sự vào cuộc, kết hợp tốt. Chúng tôi phải ban hành quy chế, thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện quy chế, đặc biệt là những vấn đề vi phạm nổi lên, phải kịp thời đôn đốc, kiểm tra, xử lý. Tránh tình trạng nhà xây to rồi chúng ta mới đến, người ta xẻ đê làm đường rồi mà chúng ta mới đến thì xử lý chậm”.

Luật Đê điều và Nghị định 104 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều đã quy định trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã, huyện và các cơ quan chuyên môn trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương cho rằng, hiện có sự chồng chéo trong việc phân công trách nhiệm và việc xử phạt nhiều hành vi còn nhẹ, chưa có tính chất răn đe:

Ông Cảnh nêu: “Ví dụ, trong Luật phòng chống thiên tai có Khoản 5 điều 12 quy định “hành vi cố tình trì hoãn, không chấp hành thực hiện lệnh phòng chống thiên tai”, nhưng chiểu theo luật xử phạt hành chính thì xử phạt thì chỉ đến 300.000 thôi cho hành vi cố tình trì hoãn hoặc chống đối. Tôi cho rằng quá thấp”.

Mùa mưa bão 2019 đã đến; trong khi quy luật thời tiết đang có những biến động bất thường thì những vi phạm pháp luật về đê điều ở các địa phương, đòi hỏi các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn, đặc biệt, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong việc đảm bảo an toàn đê điều, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước./.



Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vi phạm pháp luật về đê điều tại Hà Nội bao giờ giảm “nhiệt”?
Vi phạm pháp luật về đê điều tại Hà Nội bao giờ giảm “nhiệt”?

VOV.VN - Vi phạm pháp luật về đê điều đang là một trong những vấn đề “nóng” của Hà Nội hiện nay. 

Vi phạm pháp luật về đê điều tại Hà Nội bao giờ giảm “nhiệt”?

Vi phạm pháp luật về đê điều tại Hà Nội bao giờ giảm “nhiệt”?

VOV.VN - Vi phạm pháp luật về đê điều đang là một trong những vấn đề “nóng” của Hà Nội hiện nay. 

 Các địa phương tiếp tục đề phòng sự cố đê điều và sạt lở đất
Các địa phương tiếp tục đề phòng sự cố đê điều và sạt lở đất

VOV.VN - Bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão đã làm 7 người chết, 2 người mất tích, 8 người bị thương. Các địa phường cần đề phòng sự cố sạt lở đất.

 Các địa phương tiếp tục đề phòng sự cố đê điều và sạt lở đất

Các địa phương tiếp tục đề phòng sự cố đê điều và sạt lở đất

VOV.VN - Bão số 3 và mưa lớn hoàn lưu sau bão đã làm 7 người chết, 2 người mất tích, 8 người bị thương. Các địa phường cần đề phòng sự cố sạt lở đất.