Xuân về, đi tìm bóng dáng làng tranh một thời vang bóng

VOV.VN - Có hơn 1.500 hộ, nhưng nay cả xã Song Hồ chỉ còn lại duy nhất 3 hộ gia đình còn lưu giữ nghề làm tranh, số còn lại đã chuyển sang làm vàng mã. 

Về làng Đông Khê (hợp bởi làng Đông Hồ cũ và làng Tú Khê), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - nơi nổi tiếng bao đời với dòng tranh dân gian Đông Hồ những vào những ngày giáp Tết, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng làng tranh chuyển mình thành công xưởng “hàng mã” lớn nhất nhì đất Bắc.

Xe tải xếp hàng kín hai bên đường để vận chuyển hàng mã. Các xưởng sản xuất, đại lý quần áo, đồ dùng “cõi âm” mọc lên san sát, hối hả người bán kẻ mua.

Những hình ảnh về làng tranh Đông Hồ, xưa gọi là làng Mái hưng thịnh một thời giờ chỉ còn lại trong ký ức của những bậc cao niên trong làng như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nay đã 84 tuổi.

Làng tranh xưa nay nhộn nhịp cảnh làm hàng mã. 

Bên chén trà chiều ấm nóng, cành đào phai đã nở báo hiệu Tết đang đến gần, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế người dành cả đời gắn bó với tranh Đông Hồ hồi tưởng: Khi ông còn nhỏ, tóc để trái đào, cứ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 làng tranh lại vào mùa. Trong làng, mọi người hối hả, bận rộn cho mùa làm tranh Tết. Mọi ngóc ngách đều chật kín chỗ phơi tranh.

Ngày ấy, Tết đến xuân sang, bên cạnh dưa hành, tràng pháo bánh chưng xanh, ai cũng cố tầm cho được một bức tranh Đông Hồ chơi Tết. Nhiều người từ những miền xa xôi như Thanh Hóa, Nghệ An cũng lặn lội ra mua cho được bức tranh chơi Tết. Không chỉ là chơi tranh, mà đó còn là ước nguyện về một năm mới may mắn, làm ăn sung túc, đủ đầy, gia đình hạnh phúc, thịnh vượng.

Cũng bởi vậy mà ca dao xưa có câu:

“Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ đến tháng Chạp thì về làng tranh”.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - người dành cả đời để gắn bó, lưu giữ nghề tranh dân gian Đông Hồ. 

“Đến tận bây giờ, tôi vẫn kể cho con cháu nghe về câu chuyện của làng tranh xưa. Thời ấy, nếu cô dâu mới đi chợ Tết quên không mua tranh, thế nào cũng bị bố mẹ chê đoảng. Tết đến nhà nào cũng sắm đôi tranh mới treo, đến hết năm lại bóc đi mua đôi khác. Những ngày phiên chợ như mùng 6, 11, 16, 21 tháng Chạp, gà chưa gáy canh 5, dòng người từ khắp nơi đã đổ về làng Hồ để mua bán tranh đông vui như trẩy hội. Xưa vẫn có câu: Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề làm tranh. Thế hệ ngày nay chẳng bao giờ biết được không khí của làng Mái hưng thịnh một thời”, cụ Chế ngậm ngùi.

Tranh Đám cưới chuột. 

Nếu như xưa kia, cả làng Hồ làm tranh, thì nay cả xã chỉ còn đúng 3 hộ gia đình vẫn lưu giữ nghề tranh truyền thống. Cũng bởi vậy, mà tâm nguyện lớn nhất của cụ Chế là con cháu học hành thành tài, đem những vốn hiểu biết mới về để gìn giữ và tiếp tục phát triển vốn di sản của ông cha để lại. 

Tranh Đông Hồ đơn giản, mang tính ước lệ, tượng trưng, phóng  khoáng nhưng cũng rất hài hước, thâm thúy. Chỉ vào bức tranh lợn, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giải thích, tranh lợn có hình tượng lợn mẹ và 5 lợn con, trên người đều có hình xoáy âm dương, thể hiện sự hòa hợp, mong  đầy đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở. Hay bức tranh đánh ghen được các cụ xưa sáng tạo nhằm phê phán tục đa thê, tranh Đám cưới chuột lại thể hiện rõ nét nạn quan liêu, hối lộ, đời sống của người nông dân trong xã hội xưa.

Theo cụ Chế, tranh Đông Hồ dù có nhiều màu sắc, nhưng không lòe loẹt, chói chang. Các loại màu đều được tạo ra từ các chất liệu thiên nhiên. Màu đen từ tro đốt lá tre, màu vàng từ nước hoa hòe, màu đỏ từ hoa hiên, màu trắng từ bột vỏ sò, điệp… tạo ra mỹ cảm dung dị, thuần hậu như chính đời sống người nông dân đất Bắc xưa.

Bức tranh lợn. 

Để làm ra một bức tranh Đông Hồ cần trải qua nhiều công đoạn phức tạp từ vẽ màu, khắc ván, in tranh. Tuy tranh được sản xuất hàng loạt nhưng mỗi khâu làm tranh đều được làm thủ công hoàn toàn. Vì thế, tranh Đông Hồ thấm đẫm tình cảm và sự chăm chút của các nghệ nhân.

Nhiều người ví tranh Đông Hồ như sự hội tụ cái hồn của văn hóa làng Việt, ở đó không chỉ thấy được cái khéo của người làng tranh, mà còn thấy được cả cuộc sống sinh động, là nơi gửi gắm những ước vọng của người nông dân xưa.

Thăng trầm làng tranh thành làng mã

Bước ra khỏi căn nhà của cụ Nguyễn Đăng Chế, nếu ai chưa từng một lần đến với mảnh đất này, sẽ khó lòng nhận ra làng tranh Đông Hồ cũ đã từng đi vào thi ca, nhạc họa.

Không còn cảnh “Đì đoẹt ngoài sân chàng pháo chuột/ Om sòm trên vách bức tranh gà” như đôi câu thơ của Tú Xương. Làng tranh xưa, nay ngập tràn các món đồ hàng mã.

Sân tranh Đông Hồ nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.

Tiếp câu chuyện về số phận hưng suy của dòng tranh Đông Hồ từng nức tiếng khắp nơi, cụ Nguyễn Đăng Chế kể, khi chiến tranh nổ ra, làng tranh bình yên xưa cũng bị tàn phá, người dân mải lo chạy giặc, hàng vạn bản khắc gỗ bị đốt cháy, thiêu rụi, thất lạc. Để khôi phục làng tranh, từ khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, những nghệ nhân của làng đã cùng thành lập lên “Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ”. Làng tranh từ đó cũng dần được phục hồi.

Tuy nhiên, đến những năm cuối của thập niên 90, làng tranh lại dần bước vào thời kỳ suy thoái, tranh làm ra không bán được.

Cụ Nguyễn Đăng Chế kể, thời kỳ những năm 1992, cụ xin nghỉ hưu sớm khi đang công tác tại trường ĐH Mỹ Thuật công nghiệp Hà Nội để về toàn tâm toàn ý vực lại làng tranh. Trước nguy cơ làng nghề dần mai một, cụ Chế đã dành dụm tiền tự có và xin tài trợ từ các tổ chức quốc tế để đi mua lại các bản khắc gỗ cổ và dần khôi phục làng nghề một lần nữa.

Dẫu vậy, giờ đây, đi khắp các ngõ ngách của làng Hồ, chỉ còn lại hàng mã tràn lan, tranh Đông Hồ lẻ loi giữa nơi đã sinh ra và hưng thịnh một thời cùng sự nuối tiếc của những nghệ nhân cả đời gắn bó với nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả nuối tiếc khi nghề tranh bị mai một. 

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, con trai của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, người đã chững kiến những thăng trầm của làng nghề kể lại những năm làng tranh phải gồng mình tồn tại giữa hàng mã. “Tranh Đông Hồ chỉ bán được vào dịp Tết và giêng hai hàng năm. Xưa kia, khi làng nghề hưng thịnh, nghệ nhân sống được bằng tranh. Nhưng đến nay, nhu cầu của thị trường thay đổi, người mua tranh ngày càng ít. Trước sức ép của cơm áo gạo tiền, nhiều người bởi vậy mà từ bỏ nghề tranh”.

Sinh ra trong gia đình có hơn 10 đời làm tranh, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả thấy “xót’ thay khi làng nghề xưa có nguy cơ mai một, thậm chí biến mất nếu không được bảo tồn. Không chỉ phải chống chọi với nguy cơ mai một, ngày nay, tranh Đông Hồ còn phải tự khẳng định mình nơi thương trường nhiều nhiễu nhương, tranh thật, tranh giả lẫn lộn.

Ông Nguyễn Xuân Định, Chủ tịch xã Song Hồ cho biết, toàn xã có hơn 1500 hộ, song đến nay chỉ còn lại 3 hộ giữ nghề làm tranh. Khoảng 80% số hộ dân tại địa phương đã chuyển sang làm hàng mã.

“Nếu hỏi dân Đông Hồ  có muốn quay lại làm tranh và có thể làm tranh đẹp như xưa không thì chắc chắn là có. Nhưng một nhà làm tranh thì có thể sống được bằng nghề, còn cả làng làm tranh thì tiêu thụ thế nào”, ông Định nêu băn khoăn

 Trước nguy cơ làng nghề bị mai một, hiện nay chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ làm tranh về việc thuê đất mở xưởng tranh, quảng bá dòng tranh truyền thống.

Cũng theo ông Định, hiện tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và tiến hành xây dựng khu bảo tổn tranh tại khu di tích Đình tranh Đông Hồ với diện tích khoảng hơn 2ha. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành. Dòng tranh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. UBND tỉnh Bắc Ninh cùng Viện Văn hóa dân gian đang làm hồ sơ trình UNESCO công nhận tranh Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, ông Định cũng cho rằng để bảo tồn và phát triển làng tranh, cần các chính sách đồng bộ và cả sự đầu tư mạnh tay hơn nữa./.

Người giữ hồn tranh Hàng Trống

VOV.VN -Giữa nhịp sống hiện đại, có một người đàn ông thất thập cổ lai hy vẫn cần mẫn sáng tác những bức tranh Hàng Trống với vẻ đẹp và sức hút lạ kỳ.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đình làng Đình Bảng - tuyệt tác kiến trúc cổ xứ Kinh Bắc
Đình làng Đình Bảng - tuyệt tác kiến trúc cổ xứ Kinh Bắc

VOV.VN - Đình làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) có kiểu kiến trúc đình nhà sàn độc đáo, là ngôi đình cổ kính nổi tiếng bậc nhất xứ Kinh Bắc

Đình làng Đình Bảng - tuyệt tác kiến trúc cổ xứ Kinh Bắc

Đình làng Đình Bảng - tuyệt tác kiến trúc cổ xứ Kinh Bắc

VOV.VN - Đình làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) có kiểu kiến trúc đình nhà sàn độc đáo, là ngôi đình cổ kính nổi tiếng bậc nhất xứ Kinh Bắc

Nghệ nhân đất Kinh Bắc “xuất chuồng” hàng trăm phỗng đất hình heo đón Tết
Nghệ nhân đất Kinh Bắc “xuất chuồng” hàng trăm phỗng đất hình heo đón Tết

VOV.VN - Phỗng đất hình heo là sản phẩm đặc biệt được nghệ nhân Phùng Đình Giáp (Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) tạo ra để mừng năm Kỷ Hợi. 

Nghệ nhân đất Kinh Bắc “xuất chuồng” hàng trăm phỗng đất hình heo đón Tết

Nghệ nhân đất Kinh Bắc “xuất chuồng” hàng trăm phỗng đất hình heo đón Tết

VOV.VN - Phỗng đất hình heo là sản phẩm đặc biệt được nghệ nhân Phùng Đình Giáp (Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) tạo ra để mừng năm Kỷ Hợi. 

Ngắm những ngôi nhà cổ kính bậc nhất trên thế giới
Ngắm những ngôi nhà cổ kính bậc nhất trên thế giới

VOV.VN - Những tòa nhà cổ xưa nhất thế giới với cấu trúc độc đáo như mang 'linh hồn' từ xa xưa về thế giới hiện tại.

Ngắm những ngôi nhà cổ kính bậc nhất trên thế giới

Ngắm những ngôi nhà cổ kính bậc nhất trên thế giới

VOV.VN - Những tòa nhà cổ xưa nhất thế giới với cấu trúc độc đáo như mang 'linh hồn' từ xa xưa về thế giới hiện tại.

Đại Bái - Làng nghề đúc đồng nổi tiếng xứ Kinh Bắc
Đại Bái - Làng nghề đúc đồng nổi tiếng xứ Kinh Bắc

VOV.VN - Làng nghề đúc đồng Đại Bái ngày nay phát triển mạnh mẽ, đem đến những đổi thay tích cực về kinh tế xã hội cho người dân nơi đây.

Đại Bái - Làng nghề đúc đồng nổi tiếng xứ Kinh Bắc

Đại Bái - Làng nghề đúc đồng nổi tiếng xứ Kinh Bắc

VOV.VN - Làng nghề đúc đồng Đại Bái ngày nay phát triển mạnh mẽ, đem đến những đổi thay tích cực về kinh tế xã hội cho người dân nơi đây.