Xuân về trên những miền quê nông thôn mới ở Đắk Lắk
VOV.VN - Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự thay đổi tích cực tại nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk. Từ phong trào này, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc, văn hoá tinh thần các dân tộc được giữ gìn, phát huy góp phần hình thành thêm nhiều vùng quê đáng sống.
Mùa xuân này về với xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, từ trung tâm xã đến các thôn, buôn giờ đã có thêm nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang. Những con đường đất lầy lội trước đây đã được trải nhựa hoặc bê tông. Điện chiếu sáng đã đến với mọi nhà. Trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng mới. Già làng Y Nút Niê, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng phấn khởi chia sẻ, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tiếp thêm động lực để bà con vươn lên thoát nghèo, gắn bó với mảnh đất quê hương.
Già làng Y Nút Niê nói: “ Trước kia làm rẫy làm nương khó khăn lắm, làm 2-3 ha mà không đủ ăn. Nhà nước quan tâm dân ở đây. Kỹ thuật nhà nước đưa ra dân làm theo và làm ăn giỏi, thay đổi rất nhiều trồng các loại cây kinh tế cao như sâu riêng, tiêu, con em được đi học”.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân cũng được quan tâm. Đứng tại Nhà văn hoá cộng đồng xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk, ông Lê Quang Bảng, một người dân trong xã tự hào: công trình Nhà văn hóa này được xây dựng từ 3 năm trước. Nhà văn hoá đã trở thành ngôi nhà chung của bà con, các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao có điều kiện phát triển hơn, nhiều đội nhóm, câu lạc bộ được ra đời giúp duy trì phát huy được giá trị văn hoá tinh thần trong cộng đồng.
“Chúng tôi có nhà văn hoá này, là nhà cộng đồng cũng là mái nhà chung của nhân dân, được nhân dân rất hưởng ứng và tất cả các vui chơi ví dụ như trung thu hay tết các chi hội cựu chiến binh, chi hôi phụ nữ và các ngày lễ là bà con tập trung lại rất đông, rất khí thế và như vậy cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm vạch ra đường lối để nhân dân thực hiện theo đúng tinh thần nông thôn mới”- ông Bảng nói.
Đến với xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, du khách được tự tay cùng các bà, các mẹ nặn từng chiếc nồi, chiếc chum hay những con vật nhỏ xinh từ đất sét. Ông Y Wu Sruk, Phó chủ tịch UBND xã Yang Tao, cho biết: Nghề gốm truyền thống của đồng bào M’ Nông ở Yang Tao, độc đáo vì làm hoàn toàn thủ công. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã mở ra một hướng đi mới giúp địa phương phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của bà con nhờ làm gốm truyền thống: “Chúng tôi đang duy trì và giữ gìn làng nghề truyền thống cũng mong muốn phát triển lên và đưa vào thị trường. Hiện nay chúng tôi đã đăng ký vào sản phẩm OCOP. Bây giờ có rất nhiều du khách đến huyện Lắk có ghé vào làng nghề để trải nghiệm, xem các nghệ nhân làm thực tế. Trên địa bàn cũng có một số thanh niên định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Theo nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện sẽ xây dựng huyện Lắk trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Đắk Lắk tới giai đoạn 2030. Các nghệ nhân cố gắng làm sao đưa các sản phẩm làng nghề truyền thống đồ gốm đến cho tất cả các địa phương khác biết về sản phẩm đồ gốm của mình”.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đến nay toàn tỉnh có 78/151 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thời gian tới, cùng với sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, Đắk Lắk tiếp quan tâm hơn nữa đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Trong đó, tập trung phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm tạo nên nét đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, đồng thời, qua đó thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững. Ông Nguyễn Hoài Dương nói: “ Đối với 1 tỉnh có nhiều tiềm năng về nông sản và bản sắc văn hoá Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắkcos những chương trình kế hoạch cụ thể và triển khai rộng khắp. với sự hỗ trợ của Sở NNPTNT và các ngành của tỉnh thì đây là giải pháp hoàn toàn đúng đắn để tạo sự chủ động trong tuyên truyền, quảng bá, lan toả hơn nữa có nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ ổn định từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nông thôn mới”
Một năm mới đang về, không khí xuân rạo rực, tươi vui gõ cửa mọi nhà, hiện hữu trên từng con đường, ngõ xóm. Trong hơi ấm của mùa xuân, những miền quê nông thôn mới ở Đắk Lăk như bừng lên sức sống mới. Giờ đây xây dựng nông thôn mới không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể mà đã đã trở thành việc làm chung của mọi tầng lớp nhân dân. Tất cả chung tay góp phần tạo dựng nên những miền quê đáng sống.