Viết tiếp vụ tranh chấp tại Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội:

Xuất hiện một nhân vật lạ !

VOV.VN -Bà Hà là ai mà lại dám lợi dụng số máy của một cơ quan bảo vệ pháp luật để gọi điện gây sức ép với doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân?

Những vụ việc vi phạm pháp luật kéo dài của HĐQT Cty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội đã được VOV phản ánh, sau đó các cơ quan pháp luật lần lượt vào cuộc và kết luận rõ ràng. Sẽ không có gì để nói sau phán quyết nghiêm minh, đúng pháp luật của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội ngày 14/10/2013 vừa qua, nếu như không bất ngờ xuất hiện một nhân vật ngang nhiên sử dụng điện thoại của một cơ quan bảo vệ pháp luật, “khoe” mối quan hệ với nhiều cán bộ lãnh đạo, rồi ra điều kiện với doanh nghiệp và với cả... Hội đồng xét xử!?.

Cú điện thoại từ một cơ quan công quuyền

Là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa thuộc Bộ giao thông vận tải, Cty cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất Ciri (Cty Ciri) là doanh nghiệp thành đạt, từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, có năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Trên chặng đường phát triển của mình, Ciri đã đầu tư cổ phiếu tại Cty cổ phần Cơ kim khí Hà Nội (Cty CKK) do ông Nguyễn Văn Mạ làm Chủ tịch kiêm Giám đốc đến tháng 9/2012. Cty Ciri mua tới 66,6% cổ phần tại Cty này, nhưng suốt từ năm 2005 đến nay, Cty CKK không tổ chức Đại hội cổ đông, vốn điều lệ của Cty bị thâm hụt hết (trong đó có phần vốn Nhà nước), nợ đọng thuế kéo dài, người lao động mất việc làm...

Trước số cổ phiếu chiếm tới 66,6% của Cty Ciri, thay vì hợp tác để cùng phát triển, ông Nguyễn Văn Mạ, người năm nay đã 71 tuổi, lại có hành vi sai phạm nghiêm trọng là tự ý thành lập các Cty trái pháp luật nhằm chuyển giao tài sản từ Cty CKK sang các Cty này. Những vi phạm pháp luật của ông Mạ đã được các cơ quan pháp luật lần lượt phán quyết: Bản án số 16/2013/KDTM-PT ngày 25/1/2013 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tuyên hủy các Quyết định thành lập các Cty trái pháp luật do ông Nguyễn Văn Mạ ký;  Bản án số 34/2013/KDTM- ST ngày 26/4/2013 của TAND TP. Hà Nội công nhận Cty Ciri sở hữu 66,6% cổ phần tại Cty CKK; Quyết định số 4364/QĐ-UB ngày 18/7/2013 của UBND TP. Hà Nội yêu cầu trả lại tài sản cho Cty CKK do ông Nguyễn Văn Mạ chuyển giao trái pháp luật; Công văn số 8634/VPCP-V1 ngày 16/10/2013 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với một số sai phạm của ông Nguyễn Văn Mạ theo đơn tố cáo…

Để có được kết quả trên, Cty Ciri đã mất nhiều năm gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan pháp luật. Và khi phiên tòa phúc thẩm TANDTC sắp diễn ra với kết quả mà ai cũng biết là công lý sẽ nghiêng về phía Cty Ciri bởi chứng lí quá rõ ràng, thì bất ngờ bởi xuất hiện một nhân vật mới với hành tung khó hiểu.

Đó là trước ngày (30/9/2013) diễn ra phiên tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội theo đơn khởi kiện của Cty Ciri, người đại diện Cty Ciri nhận được cú điện thoại mang đầu số 069xxxx từ một cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng người gọi lại nói ngay mình không phải là cán bộ cơ quan này mà chỉ là... một người có quan hệ rất thân thiết với cán bộ có cỡ của lực lượng này. Rồi người này ngang nhiên cho biết, “đã hoãn rồi đấy”, “sẽ không để cho tòa xử”, và “em đã mua lại toàn bộ 15% cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Mạ, Chủ tịch HĐQT Cty CKK và ông Cung Tiến Hưng, thành viên HĐQT”...

Xin trích nội dung cuộc trao đổi: “Em tên là Hà, SN 1979” , “Em đã mua lại toàn bộ 15% cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Mạ, Chủ tịch HĐQT Cty CKK và ông Cung Tiến Hưng, thành viên HĐQT” , “Em quê gốc Ninh Bình, chồng em cũng là người trong ngành...” , “Bên Cục X (xin tạm giấu tên) bảo đã đánh giấy xuống chỗ anh 3 lần nhưng mà anh không lên. Ở trên này anh K (lãnh đạo phòng thuộc Cục X)  và mọi người ai cũng biết em” , “Sếp” T (lãnh đạo Cục X) và mọi người ở đây đều biết em là người như thế nào và biết sự việc như thế nào” , “Em thì em không muốn dùng một thế lực gì bên em để nói chuyện.  Em đã vào mua cổ phần của Ông Mạ, ông Hưng thì em sẽ không để cho tòa xử. Anh biết là công văn của Cục X đã đánh sang bên đó rồi (sang Tòa án – PV), em đã  hoãn rồi đấy” , “Em đang ngồi nói chuyện với anh ở số máy như thế này thì anh phải biết là em không phải là nói không có cơ sở. Em phải có quan hệ như thế nào thì mới vào được đây nói chuyện ngang nhiên như là cơ quan  của mình” , “Em thề... hiện em đang ngồi ở Cục X, em nói thật… các anh bên Cục X nói việc của cô chú là việc của anh và việc của sếp rồi” , “Có người nói thẳng với em tại sao em không lên bác B (xin tạm dấu tên) để bác can thiệp với tòa, mà bác B đã có lần xuống thăm bà nhà em rồi đấy”…

Sau hơn nửa giờ sử dụng số máy của cơ quan bảo vệ pháp luật để “khoe” quan hệ, cuối cùng, người tên Hà đề nghị được gặp đại diện Cty Ciri để đàm phán.

Gặp doanh nghiệp và ra điều kiện vô lối

Bà Nguyễn Thị Hà không chỉ nói trên điện thoại, mà vào các ngày 20, 22 và 24/9/2013, bà đã làm việc với đại diện Cty Ciri. Bà nói rõ, quê ở Ninh Bình có chồng làm trong ngành công an, trước là Công an kinh tế Hà Nội và hiện là Phó Trưởng Công an phường ở quận Thanh Xuân.

Bà Lê Thúy Hạnh, Phó TGĐ Cty Ciri, người được ủy quyền đại diện Cty Ciri cho biết: Bà Hà khẳng định, trong 66,6% cổ phiếu của Cty Ciri thì có 19% cổ phiếu mua bất hợp pháp. Vì vậy, bà Hà đề nghị được chia phần trăm “bất hợp pháp” này theo tỷ lệ bà Hà 7%, còn lại của Cty Ciri; hoặc nếu Ciri nhượng bộ thì chia theo tỷ lệ 50/50.

Cũng theo bà Hạnh, trong buổi làm việc ngày 24/9, bà Hà lại đòi được chia tài sản, trong đó tài sản của Cty CKK được xác định bao gồm hơn 10.000m2 đất ở cầu Bươu (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) và 260m2 đất tại phố Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bên Cty Ciri lấy hơn 10.000m2 tại cầu Bươu, còn 260m2 tại Hàng Gà thì phải chia đôi. Đến buổi chiều cùng ngày, bà Hà lại đòi lấy hết 260m2 đất ở Hàng Gà. Ngoài việc đòi chia chác tài sản một cách vô căn cứ, bà Hà còn yêu cầu Cty Ciri phải rút đơn kiện tại Tòa án, nếu không, cán bộ Cục X sẽ tiếp tục điều tra, xác minh Cty Ciri (.?)

Bà Hà là ai mà vô lối đến vậy? Bà Hà đại diện cho Cty CKK, nói đã mua 15% cổ phiếu của Cty này, nhưng lại bộc lộ sự kém hiểu biết về mặt pháp luật và không hề nắm bắt được thực trạng hoạt động cũng như những diễn biến tranh chấp tại Cty CKK. Nếu hiểu biết, bà Hà sẽ không nói Cty Ciri mua 19% không hợp pháp vì cơ quan pháp luật đã có phán quyết rõ ràng. Nếu hiểu biết, bà Hà cũng sẽ không đề cập việc chia chác tài sản Cty CKK với đại diện Cty Ciri, vì Cty CKK là doanh nghiệp cổ phần hóa, tài sản được hình thành từ các cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước, việc chia tài sản nếu có phải được sự đồng ý của các cổ đông tại Đại hội cổ đông. Đó là chưa kể nếu có chia tài sản thì phải công khai, minh bạch và được định giá một cách khoa học chứ không thể đàm phán riêng, thậm chí, hôm nay thích thì đòi như thế này, mai lại đòi thế khác là được...

Về phía Cty Ciri, hiểu được những điều kiện của bà Hà đưa ra là trái pháp luật, nên đã kiên quyết từ chối.

Cùng với việc từ chối, cán bộ Cty Ciri còn đặt câu hỏi về hành tung đáng ngờ của bà Hà. Có thể thấy, từ việc sử dụng số điện thoại của một cơ quan bảo vệ pháp luật, cố tình khoe có mối quan hệ với một cán bộ cấp cao của Bộ X, đến việc ra điều kiện với doanh nghiệp trước khi phiên phúc thẩm TANDTC diễn ra, đã kết thành một chuỗi hành vi được tính toán kỹ và có chủ đích ngăn chặn phiên tòa phúc thẩm và tiến hành đàm phán trên thế mạnh. Việc này phù hợp với lợi ích của ông Nguyễn Văn Mạ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CKK có nhiều sai phạm. Vì nếu để phiên tòa phúc thẩm diễn ra thì hành vi vi phạm của ông Mạ sẽ bị bóc trần. Chính vì thế, câu hỏi về mối quan hệ giữa ông Mạ và bà Hà không thể không được đặt ra?

Cùng với đó là những câu hỏi khác cần được làm rõ: Bà Hà là ai mà lại dám lợi dụng số máy của một cơ quan bảo vệ pháp luật để gọi điện gây sức ép với doanh nghiệp nhằm giải quyết lợi ích cá nhân? Bà Hà là ai mà dám ngang nhiên sử dụng số máy của một cơ quan quyền lực, dám công nhiên “khoe” mối quan hệ với các cán bộ lãnh đạo của cơ quan này? Và không những “khoe” qua điện thoại, mà ngay giữa chốn công đường, bà Hà vẫn “khoe” một cách ngang nhiên!?

Đứng trước tòa, yêu cầu tòa phải… hoãn!?

Ngày 30/9/2013, diễn ra Phiên tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, xét xử vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là Cty Ciri và bị đơn là Cty CKK. Bà Nguyễn Thị Hà xuất hiện trước tòa với tư cách là người được bị đơn ủy quyền. Và bà Hà đã có màn “trình diễn” yêu cầu HĐXX phải hoãn phiên tòa.

Bà Hà (đứng) trả lời HĐXX

Xin trích đoạn trình bày của bà Hà trước phiên tòa: “Tôi cứ nghĩ là được hoãn phiên tòa”;  “Cái giấy mà bác M (xin tạm giấu tên) nói với bác thư ký là viết cho bác B (xin tạm giấu tên) là hoãn phiên tòa 10 ngày...”. Vẫn lời bà Hà: “Bây giờ tôi đã đưa bản photo lên mà Tòa không hoãn phiên tòa thì chúng tôi cũng không dự cái phiên tòa này nữa…”.

Sự  ngang nhiên ra điều kiện với Hội đồng xét xử, lúc đầu thì gọi thẩm phán bằng chị, lúc thì nói xét về tình cảm… của bà Hà quá đà đến mức Hội đồng xét xử đã phải nhắc nhở: “Trước Tòa mà chị nói năng không có tư duy gì pháp luật gì cả. Cứ như ở ngoài đường, ngoài chợ. Quyền vắng mặt tại phiên tòa là quyền của đương sự, kể cả bỏ. Còn chuyện hoãn phiên tòa hay không hoãn là do pháp luật quy định chứ không ai chỉ đạo được cả…”.

Cuối cùng, ngày 14/10/2013, tại phiên Tòa phúc thẩm của TANDTC tại Hà Nội, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là Nguyễn Thị Hà đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 2 nhưng vắng mặt mà không có lý do chính đáng nên căn cứ vào quy định pháp luật, Tòa phúc thẩm TANDTC đã tuyên: Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án giữa Cty Ciri và bị đơn là Cty CKK.

Phán quyết kể trên của phiên tòa phúc thẩm TANDTC cũng có nghĩa: Bản án sơ thẩm số 34/2013/KDTM-ST ngày 26/4/2013 của TAND TP. Hà Nội công nhận Cty Ciri nắm giữ 66,6% cổ phần tại Cty CKK là có hiệu lực pháp luật.

Công lý đã sáng tỏ. Nhưng dư luận không thể không quan tâm đến bà Nguyễn Thị Hà, người bất ngờ xuất hiện và lập tức gây chú ý bởi những hành xử khó hiểu của mình, khi vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm tại Cty CKK đang đi đến hồi kết.

Trong bối cảnh dư luận đang bức xúc, thậm chí bàng hoàng về những hậu quả đau lòng từ những vụ việc tiêu cực lớn, mà thủ đoạn của kẻ phạm pháp thường bắt đầu từ chỗ mon men làm quen, tạo mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, rồi sau đó lên kịch bản hù dọa, lừa đảo hoặc bất chấp pháp luật để trục lợi, nhiều người đã đặt vấn đề: Nếu ngay từ đầu cơ quan có trách nhiệm kiên quyết làm rõ trắng đen, người người cảnh giác, thì chắc chắn hậu quả đã không xảy ra.

Trong vụ việc này, hành vi lợi dụng điện thoại của cơ quan Nhà nước, lợi dụng sự quen biết với nhiều cán bộ Nhà nước và không ngần ngại đưa ra mối quan hệ đó để “thị uy” doanh nghiệp, yêu cầu hoãn cả một phiên tòa của TANDTC, để tiến hành đàm phán vì lợi ích cá nhân của bà Nguyễn Thị Hà đã làm dấy lên mối nghi ngờ về tính nghiêm minh của cơ quan bảo vệ pháp luật, làm ảnh hưởng tới uy tín của một số cán bộ Nhà nước, làm nhiễu loạn môi trường kinh doanh. Cũng cần nói thêm, theo thông tin chúng tôi thu thập được, bà Nguyễn Thị Hà không có mối quan hệ gia đình với đồng chí cán bộ cấp cao ở Bộ X.

Công luận đã kịp thời phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật trong một thời gian dài tại Cty CKK liên quan trực tiếp đến ông Nguyễn Văn Mạ. Các cơ quan pháp luật đã vào cuộc và lần lượt ra các phán quyết nghiêm minh, ngăn chặn các hành vi sai trái của ông Mạ. Tuy nhiên, hậu quả của những hành vi đó đã làm cho Cty CKK lâm vào tình trạng hoạt động không đúng pháp luật và thất thoát hết vốn điều lệ. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, để Cty CKK có thể khôi phục lại hoạt động, đặc biệt là đảm bảo đời sống và việc làm cho người lao động, bảo toàn đồng vốn của doanh nghiệp, trong đó có vốn Nhà nước, sự kiên quyết xử lý những cá nhân có hành vi phạm pháp trong vụ việc này của cơ qaun bảo vệ pháp luật là rất cần thiết, không thể không làm./.    

 

Sau khi nhận được Công văn số 8634/VPCP-V1, ngày 16/10/2013 của Văn phòng Chính phủ chuyển đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Văn Mạ, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội, ngày 25/10/2013, Văn phòng UBND TP. Hà Nội có Công văn số 5992/VT-KT, gửi Công an TP. Hà Nội thông báo ý kiến chỉ đạo của phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu như sau: Giao Công an TP. Hà Nội điều tra xác minh nội dung đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Văn Mạ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công ty Cơ kim khí Hà Nội “bay” trong... "vùng cấm" của luật pháp!
Công ty Cơ kim khí Hà Nội “bay” trong... "vùng cấm" của luật pháp!

Dù toà án đã bật “đèn đỏ” nhưng HĐQT Công ty CKK vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại? Phải chăng cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật bó tay để vốn của nhà nước, của cổ đông tiếp tục thất thoát?

Công ty Cơ kim khí Hà Nội “bay” trong... "vùng cấm" của luật pháp!

Công ty Cơ kim khí Hà Nội “bay” trong... "vùng cấm" của luật pháp!

Dù toà án đã bật “đèn đỏ” nhưng HĐQT Công ty CKK vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại? Phải chăng cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật bó tay để vốn của nhà nước, của cổ đông tiếp tục thất thoát?