Xúc động lễ cưới tập thể của 46 cặp đôi khiếm khuyết tại Hà Nội

VOV.VN - Hôm nay, 6/12, 46 cặp đôi người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn được tham dự lễ cưới với đầy đủ lễ nghi diễn ra tại Hà Nội.

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ tổ chức Lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” lần thứ 3. Sự kiện là dịp hưởng ứng kỷ niệm ngày Quốc tế Người Khuyết tật (3/12) và hưởng ứng tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020.

Phát biểu khai mạc, bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Từ tháng 4 đến nay, Ban tổ chức đã rất nỗ lực chuẩn bị, mặc dù đã có lúc nghĩ tới việc sự kiện sẽ không tổ chức được do dịch bệnh Covid-19. Đến hôm nay, mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo".

46 cặp đôi được lựa chọn từ những hồ sơ đăng ký tham dự gửi về. Họ là người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang yêu nhau hoặc đã đăng ký kết hôn (đã có con), hoặc mong muốn được kết hôn nhưng không có khả năng, điều kiện tổ chức đám cưới hiện đang sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

 Lễ cưới chính là món quà mà Ban tổ chức đã chung tay và huy động nguồn lực trong xã hội để chăm lo, tạo điều kiện cho những người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng mái ấm gia đình và hòa nhập xã hội.

Lễ cưới trang trọng diễn ra với đầy đủ nghi lễ truyền thống trước sự chứng kiến không chỉ của người thân, bạn bè mà còn có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm tham dự sẽ là một trải nghiệm không phải ai cũng có trong đời.

Có mặt trong đám cưới tập thể, vợ chồng anh Trương Xuân Lâm và chị Nguyễn Thị Hoa không khỏi xúc động khi đây là lần đầu tiên anh chị được tổ chức một lễ cưới đúng nghĩa. Hai anh chị quen nhau qua mạng vào tháng 5/2020,  như con tim mình mách bảo, anh Lâm đã đi từ Quy Nhơn ra Hà Nội gặp chị Hoa, chủ động lo hết mọi thủ tục kết hôn và đưa chị đi theo mình trong sự ngỡ ngàng của gia đình.

“Lúc đầu tôi cũng không nghĩ sẽ cưới bạn ấy đâu, nhưng từ thương chuyển thành yêu và cho đến bây giờ tôi thấy rằng mình đã chọn đúng người. Vợ tôi là trẻ mồ côi, đi lại cũng khó khăn, sống trong trung tâm từ nhỏ, ít tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài. Tôi yêu vẻ ngây ngô, dễ thương và trái tim thương người của vợ, khi cưới nhau về tôi càng yêu vợ nhiều hơn”.

Hai anh chị đã có một lễ cưới nhỏ tại Quy Nhơn vào ngày 1/7, đơn giản là vài mâm cỗ mời họ hàng bên nội, vợ cũng không được mặc áo cô dâu bởi kinh tế của gia đình  khó khăn. “Hôm nay, tham dự buổi chụp ảnh cưới, chúng tôi rất xúc động khi góp mặt ở một chương trình rất ý nghĩa như thế này. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến ban tổ chức đã tài trợ cho vợ chồng tôi và các cặp đôi có một đám cưới trong mơ như thế này” - anh Lâm cho hay. 

Chị Nguyễn Thị Ngân và anh Nguyễn Minh Hải bị tật ở mắt từ nhỏ. Cả 2 anh chị quen biết nhau trong lớp học vi tính của Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc. 5 năm yêu nhau, cặp đôi vấp phải sự ngăn cấm kịch liệt từ gia đình 2 bên. “Bố mẹ vì lo lắng và mong muốn con mình lấy được người khỏe mạnh hơn. Bản thân tôi nghĩ rằng, nếu tôi đến với một người bình thường liệu có sự đồng cảnh không? Vậy nên hai đứa quyết tâm nếu không nhận được sự đồng ý từ gia đình thì chúng tôi vẫn sống chung với nhau".

Sau đó, chị Ngân và anh Hải quyết định tự vay vốn và mở một cơ sở tẩm quất người mù mà người thân 2 bên không hề hay biết. Góp vốn, làm ăn chung được một năm, công việc ổn định, cả hai mới bắt đầu chia sẻ với người nhà. Nhận thấy 2 anh chị đã quyết tâm, phấn đấu cùng nhau vượt qua khó khăn, nên bố mẹ đã tổ chức một lễ cưới nho nhỏ cho con ở Vĩnh Phúc. “Mặc dù chúng tôi đã từng mặc áo cô dâu và chú rể nhưng hôm nay cảm xúc vừa bồi hồi, vừa xúc động như lần đầu. Bản thân mình là người khiếm khuyết, nhận được sự quan tâm của cộng đồng, của ban tổ chức. Đây có lẽ là lễ cưới khó quên nhất trong cuộc đời tôi” - anh Hải cho biết. 

“Giấc mơ có thật” năm 2020 là một hoạt động xã hội mang tính nhân văn sâu sắc nhằm khuyến khích sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người khuyết tật và hành động vì sự hòa nhập, phát triển của người khuyết tật trong mọi mặt của xã hội. Sự hòa nhập của người khuyết tật là điều kiện cần thiết để duy trì quyền con người, sự phát triển bền vững, hòa bình và an ninh. Đây cũng là cam kết quan trọng của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Việc cam kết thực hiện các quyền của người khuyết tật không chỉ là vấn đề về sự công bằng mà góp phần vào sự phát triển vì một tương lai chung./.

Một số hình ảnh tại chương trình:

 Chương trình hy vọng là cầu nối để cùng nhau lan tỏa sự tôn trọng những khác biệt, tinh thần bình đẳng, sự sẻ chia và tình yêu thương để không bị ai bỏ lại phía sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên