"Ý kiến của nông dân tác động rất lớn trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi"
VOV.VN - Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, người nông dân hiện nay chiếm trên 60% dân số, tham gia trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 15 triệu người. Vì vậy, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách.
Chiều 7/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Lương Quốc Đoàn; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Lê Minh Ngân cùng đông đảo các chuyên gia, đại diện các cơ quan. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) là Luật rất quan trọng, có thể coi là đạo luật gốc, tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và đời sống nhân dân.
"Trong quá trình lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều văn bản tham gia và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu chỉnh sửa bổ sung. Hội Nông dân Việt Nam đánh giá rất cao sự chuẩn bị của Cơ quan chủ trì soạn thảo và chất lượng của Dự thảo Luật được đưa lấy ý kiến rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân", ông Lương Quốc Đoàn cho hay.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đối với nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, không chỉ là sinh kế của hơn 1/3 dân số cả nước với hơn 9,1 triệu hộ nông dân mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Việc nông dân tích cực tham gia chuyển đổi, tập trung đất đai, hợp tác, liên kết trong sản xuất đã góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế trang trại, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao từng bước phát triển, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với nhiều sản phẩm chủ lực, làm thay đổi và tạo ra phương thức sản xuất mới (nông nghiệp chính xác, thông minh...), thúc đẩy công nghiệp chế biến, dịch vụ phát triển, tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập bình quân chung toàn xã hội.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trong những năm qua cũng cho thấy một bộ phận nông dân bị tác động ảnh hưởng rất lớn và thường chịu thiệt thòi do việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng làm phát sinh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Đồng thời một bộ phận nông dân sau khi bị thu hồi đất, không còn sinh kế trong khi các chính sách, quy định của pháp luật về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến những hệ lụy cho xã hội (như thiếu việc làm, mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội...); đặc biệt là vẫn còn một bộ phận nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.
"Hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy vai trò tham gia giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân Việt Nam, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, hội viên nông dân các cấp, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời đây cũng là dịp sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống các cấp hội, qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai", ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai. Việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, liên quan đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, của mỗi người dân. Trong đó, người nông dân hiện nay chiếm trên 60% dân số, tham gia trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 15 triệu người. Chính vì vậy, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách.
Phó Thủ tướng cho rằng, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là một sản phẩm mang tính chất lý luận và thực tiễn, được đóng góp từ trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Hiện nay, các Bộ, ban, ngành đã lấy ý kiến riêng trong bộ, ban, ngành…. nhằm đưa ra ý kiến đóng góp đại diện cho ý chí, mong muốn trong thể chế hóa chính sách đất đai.
“Do đó, tại Hội nghị lần này, thay mặt cho Chính phủ, tôi rất mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp một cách kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến của nhiều nông dân với hơn 60% dân số hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế; tập trung vào đời sống của nhân dân ở nông thôn và quá trình chuyển đổi CNH, HĐH cũng chính là quá trình chuyển đổi nông thôn mới; các vấn đề chuyển dịch kinh tế gắn với chuyển dịch đất đai liên quan đến thu hồi, hỗ trợ, đền bù, tái định cư và chính sách an sinh xã hội cũng như đa giá trị sử dụng trong đất nông, lâm nghiệp…”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Theo Phó Thủ tướng, Dự thảo Luật đã tính toán đến các Nghị quyết về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng Nghị quyết về Kinh tế tập thể xác định rõ vai trò nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhấn mạnh đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là vấn đề an ninh lương thực…
Gợi mở các vấn đề liên quan đến đất nông nghiệp, đất rừng, tích tụ ruộng đất, tăng cường sự tham gia của MTTQ các cấp, cho phép người dân giám sát, tham gia quá trình lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật… Phó Thủ tướng đề nghị các ý kiến đóng góp tại Hội nghị này cũng cần hết sức cụ thể, đi vào các quy định trực tiếp trong Điều, khoản.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ý kiến, tập trung thảo luận vào 4 nội dung trọng tâm. Đó là: Vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Hội Nông dân các cấp) trong quản lý và sử dụng đất đai; việc lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại diện Hội Nông dân TP. Hà Nội đề nghị nên chia các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT - XH vì lợi ích quốc gia, công cộng làm 3 nhóm; nhóm 1 thu hồi đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; nhóm 2 để xây dựng các công trình dự án thương mại; nhóm 3 để thực hiện các công trình phục vụ mục đích phúc lợi xã hội chung vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.
GS.TS.Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, tại điểm b, khoản 3 điều 68 quy định: “Việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện” cần bổ sung thêm hình thức công khai ý kiến đóng góp và việc giải trình tiếp thu trên trang thông tin của UBND cấp xã và niêm yết công khai tại trụ sở xã.
Ngoài ra cần quy định cụ thể thời gian lập, hoàn thành và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp để hạn chế việc thực hiện điều chỉnh cấp tập như hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật của các đại biểu. Phó Chủ tịch đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và xác đáng của các đại biểu để tổng hợp báo cáo Quốc hội, qua đó góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu thực tiễn và kỳ vọng của nhân dân./.