Y tế tư nhân kêu mất công bằng khi tham gia BHYT
VOV.VN - Nhiều cơ chế, chính sách lĩnh vực y tế vẫn còn là rào cản đối với hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, trong đó có BHYT.
Vừa qua, tại Hội nghị hội viên năm 2017 diễn ra ở Hải Phòng, đại diện Hiệp Hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, các chính sách về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) như thông tuyến khám, chữa bệnh, điều chỉnh giá dịch vụ BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, thu hút thêm người bệnh, giảm áp lực cho các cơ sở y tế công lập… Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thanh quyết toán BHYT.
Hội nghị của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam. |
Một số cơ sở y tế chỉ ra tình trạng không công bằng giữa các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa tư nhân không được ký hoặc bị dừng ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) không đúng quy định. Trong năm 2016, hàng loạt cơ sở y tế tư nhân bị đề nghị tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, chỉ riêng tỉnh Thanh Hoá đã có 7 cơ sở.
Đại diện một cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân ở Tp. HCM cho biết: “Trong khi làm thủ tục ký hợp đồng bảo hiểm, chúng tôi không hiểu tại sao các bệnh viện chuyên khoa lại không được ký bảo hiểm, mà lý do cơ quan bảo hiểm và Sở y tế đưa ra lại rất mơ hồ, là vì chúng tôi không có bệnh nhân, nếu ký hợp đồng thì ai chuyển bệnh nhân đến cho chúng tôi”. Nhưng trên thực tế, vị đại diện này cho biết, một ngày cơ sở vẫn có từ 200-400 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.
Khi nhận được kiến nghị của các cơ sở y tế tư nhân thì lý do được nêu ra là cơ quan bảo hiểm xã hội chưa quản lý được nên chưa ký hợp đồng. Theo các cơ sở y tế, cần thay đổi cách quản lý, tất cả các cơ sở y tế đều phải được thanh toán BHYT nếu có người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. Bởi vì, cơ quan BHXH không phục vụ cho cơ sở y tế, mà phục vụ cho bệnh nhân, những người mua bảo hiểm nên phải có trách nhiệm với họ. “Bản thân bảo hiểm là bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm, nhân dân bỏ tiền ra mua bảo hiểm thì phải được hưởng quyền lợi”- một ý kiến của cơ sở y tế tư nhân.
Bên cạnh việc không được ký hoặc bị dừng ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân còn không được tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày thứ bảy, chủ nhật…Quy định khiến người bệnh bức xúc, cơ sở y tế giảm số lượng người bệnh do không cung cấp được dịch vụ khám, chữa bệnh này.
Trong khi Chính phủ đang thực hiện lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, việc cơ quan BHXH không tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế tư nhân ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT là đi ngược lại chủ trương trên, chưa bảo vệ quyền lợi của người bệnh và cơ sở y tế, làm mất động, lực, ý chí của các nhà đầu tư.
Tại Hội nghị, đại diện bệnh viện tư nhân cho rằng, cơ quan BHXH cần làm rõ các khái niệm "trục lợi", "lạm dụng quỹ BHYT", đánh giá công bằng, khách quan các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng quỹ khám, chữa bệnh BHYT, tránh tình trạng thanh tra chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm cho khối y tế tư nhân, gây hiểu lầm trong dự luận, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế.
Thực tế, một phòng khám đa khoa ở tỉnh Thái Bình đã nhận được công văn về việc tạm dừng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT từ 1/1/2017 với lý do đã để bội chi quỹ BHYT, phối hợp với BHXH để quản lý và sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT chưa hiệu quả. Đại diện của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng: “Chỉ căn cứ vào các số liệu chi phí khám chữa bệnh như chi phí khám chữa bệnh, gia tăng các chỉ định lâm sàng…rồi đi đến các kết luật để bội chi quỹ BHYT, phối hợp với BHYT để quản lý và sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT chưa hiệu quả mà không chỉ ra được nguyên nhân của hiện tượng nói trên là tuỳ tiện”.
Từ thực tế các trường hợp xuất toán quỹ BHYT còn nhiều tranh cãi thời gian qua, các ý kiến cho rằng, nguyên nhân gia tăng chi phí khám, chữa bệnh phải do hội đồng chuyên môn độc lập đánh giá mới có giá trị. Nhiều địa phương hiện nay, cán bộ giám định không có chuyên môn sâu về y tế nên kết quả giám định không hợp lý, cần có đơn vị giám định BHYT độc lập để thẩm định các chỉ định của bác sỹ một cách khách quan, khoa học.
Nguy cơ vỡ Quỹ BHYT: Tăng mức phí để cân đối Quỹ BHYT
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng lo ngại các quy định sắp tới có hiệu lực cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, kế hoạch đầu tư của các cơ sở y tế tư nhân. Đó là Thông tư 35 yêu cầu chứng chỉ hành nghề đối với các danh mục dịch vụ kỹ thuật. Nhiều bác sỹ được đào tạo trước đây, vẫn đang thực hiện các dịch vụ kỹ thuật nhưng sắp tới nếu không có chứng chỉ hành nghề mà vẫn thực hiện các dịch vụ kỹ thuật sẽ bị cơ quan BHXH xuất toán.
Dự thảo Thông tư xếp hạng các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân rất mâu thuẫn, mập mờ, việc xếp hạng các cơ sở hoàn toàn cho cơ quan quản lý nhà nước chứ không do các cơ sở y tế tư nhân. Rồi khi có quy định xếp hạng các cơ sở y tế tư nhân hạng 2 nhưng lại không nêu rõ thuộc tuyến nào nên không biết có được đón tiếp người bệnh theo quy định thông tuyến huyện khám, chữa bệnh hay không. Đây sẽ là những “rào cản” cho sự phát triển của y tế tư nhân, nếu không có những điều chỉnh, những lộ trình thực hiện phù hợp của cơ quan BHXH và Bộ y tế.
Cũng trong hội nghị, một vấn đề khá bức xức được một số đại biểu chia sẻ, đó là, thời gian qua, có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của bảo hiểm, y tế, phòng cháy chữa cháy, công an liên miên đến làm việc, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh của cơ sở. “Khi đến, đoàn thanh tra, kiểm tra yêu cầu đóng cửa, giải trình như vi phạm pháp luật hình sự. Có cơ sở một năm tiếp 4,5 đoàn kiểm tra đến, không thể tập trung làm được việc gì. Cần một hành lang pháp lý rõ ràng để các cơ sở y tế tư nhân thực hiện, như hiện nay, nhiều quy định chưa hợp lý, nếu thực hiện rất dễ bị quy kết là vi phạm pháp luật”- một ý kiến bức xúc cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch Hiệp hội bệnh viên tư nhân Việt Nam. |
Áp giá trần viện phí mới đối với người không có BHYT từ 1/6
Siết chặt giảm chi BHYT, bệnh nhân nghèo Nghệ An kêu trời