Yên Bái nỗ lực bảo đảm an toàn thực phẩm trong bếp ăn bán trú
VOV.VN - An toàn vệ sinh thực phẩm luôn được các đơn vị trường học tổ chức nấu ăn cho học sinh từ vùng cao đến vùng thấp ở Yên Bái quan tâm mỗi khi bước vào năm học mới.
Không để xảy ra mất an toàn, ngộ độc thực phẩm tại các bến ăn bán trú, nội trú, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Yên Bái đã phối hợp với chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đến tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh.
Em Đặng Thế Anh, học sinh lớp 4A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái nhà ở cách trường 10 cây số, đường đi khó khăn, nên Thế Anh cùng em trai đang học lớp 1 phải ở bán trú tại trường cho tiện việc học tập. Nhà ở bán trú của trường rất thoáng đãng, sạch sẽ; việc học tập được các thầy cô giáo thường xuyên quan tâm hướng dẫn và có các bạn để trao đổi bài. Ăn uống hàng ngày có các cô nhà bếp nấu cho, thậm chí còn ngon hơn ở nhà.
"Cháu thấy ngủ ở đây ấm hơn ở nhà, ăn ở trường cũng ngon hơn và cháu rất thích khi được ăn món thịt gà"- em Thế Anh chia sẻ.
Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Phong Dụ Thượng mỗi ngày tổ chức nấu trên 1.600 suất ăn cho hơn 540 học sinh là con em các dân tộc Dao, Tày, Mông… tại trường. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã ký cam kết với các hộ dân, đơn vị cung cấp thực phẩm đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, chất lượng; việc giao nhận thực phẩm hàng ngày cũng được kiểm tra chất lượng mặt hàng một cách kỹ càng.
Bà Ngô Thị Mai, Tổ trưởng Tổ bếp, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Phong Dụ Thượng cho biết: "Nhận thực phẩm mình phải kiểm tra, nếu thịt có mùi sẽ gọi y tế xuống kiểm tra lại, trong trường hợp không đảm bảo là sẽ trả ngay cho nhà cung cấp. Rau, củ, quả đều ở địa phương nên rất yên tâm, nhưng cũng phải kiểm tra để đảm bảo tươi ngon".
Trường Mầm non Ngòi A, xã Ngòi A, huyện Văn Yên có 3 điểm trường, với 261 học sinh. Hàng ngày, 100% học sinh ăn tại trường với 1 bữa chính, 2 bữa phụ. Do chỉ có một nhà bếp, nên sau khi nấu xong tại điểm trường chính, đội ngũ nhân viên dinh dưỡng phải mang đến các điểm lẻ cho các cháu. Vì vậy, ngoài yếu tố nguồn thực phẩm an toàn, các khâu từ chế biến, bảo quản, vận chuyển được nhà trường chú trọng. Ngoài quy định chung cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhà trường còn có những quy định riêng cho đội ngũ nhân viên dinh dưỡng.
"Để đảm bảo an toàn cho các cháu, chúng tôi luôn thực hiện theo đúng 10 nguyên tắc của Bộ Y tế quy định. Vào buổi sáng, chúng tôi đun nước sôi luộc lại hết đồ dùng ăn uống của các cháu như bát đũa, thìa, cốc… đảm bảo theo quy định của trường đề ra"- bà Trần Thị Nguyệt, nhân viên dinh dưỡng, Trường Mầm non Ngòi A cho biết.
Tại huyện Lục Yên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh nội trú, bán trú, đại diện các nhà trường, đội ngũ y tế, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất, giám sát… nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ mất an toàn vệ sinh để điều chỉnh, khắc phục.
Cô giáo Hà Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tô Mậu cho biết: Mỗi ngày nhà trường tổ chức nấu ăn cho 200 học sinh tại 2 điểm trường. Tuy còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc nấu nướng, nhưng các quy trình trong nấu ăn đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được chú trọng.
"Nhà trường đã ký hợp đồng mua bán thực phẩm đầy đủ đúng theo quy định, đảm bảo bếp ăn một chiều, cửa sổ có lưới chống chuột, nhặng và các côn trùng khác. Dụng cụ chứa thức ăn và sử dụng để ăn uống đảm bảo làm bằng vật liệu dễ vệ sinh, có phương tiện bảo quản thực phẩm. Thực hiện kiểm đếm thực phẩm 3 bước và lưu mẫu thực phẩm trên 24 giờ"- cô giáo Hà Thị Thúy cho biết.
Năm học này, tỉnh Yên Bái có gần 7.000 lớp học, với hơn 226.000 học sinh; trong số này có hơn 94.000 học sinh ăn từ 1 đến 3 bữa tại trường (bao gồm cả hơn 5.000 học sinh mang cơm cặp lồng đến trường ăn bữa trưa).
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng chục nghìn học sinh ăn bán trú, nội trú, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái Bái đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; tăng cường vệ sinh bếp ăn, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm... Bên cạnh đó là tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, nhất là học sinh vùng cao không ăn các loại củ quả mọc tự nhiên; các loại rau, nấm rừng mà không biết chắc chắn có độc hay không, tránh xảy ra những vụ ngộ độc đáng tiếc như trước đây đã từng xảy ra với học sinh vùng cao…
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết, Sở đã yêu cầu tất cả các nhà trường phải có hợp đồng cung cấp thực phẩm cho bếp ăn; yêu cầu kiểm soát kỹ nguồn thực phẩm; các bếp ăn phải tổ chức lưu mẫu thức ăn hằng ngày theo quy định; đảm bảo phân cách giữa khu vực chế biến, nấu nướng, khu vực ăn uống và lưu mẫu. Đồng thời phối hợp với cơ quan y tế địa phương sẵn sàng phương án xử lý những tình huống khi mà có ngộ độc xảy ra.
Dù nhiều năm nay, Yên Bái không xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học. Tuy nhiên, trước những nguy cơ tiềm ẩn do hệ thống bếp ăn, nguồn thực phẩm, nhận thức còn có sự khác biệt giữa các vùng, trường học trên địa bàn, vì vậy việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học đang tiếp tục được các nhà trường ở Yên Bái chú trọng.
Hiện cùng với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng đang được các nhà trường ở Yên Bái quan tâm, tất cả đều hướng tới mục tiêu trường học thân thiện, an toàn và năm học đạt kết quả cao./.