Yên Bái phấn đấu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao
VOV.VN - Yên Bái tập trung phát triển kinh tế rừng, nâng cao tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp, đồng thời xây dựng được thương hiệu ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19 xác định xây dựng “Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Trung du và miền núi phía Bắc tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Khu công nghệ cao được hình thành sẽ nâng cao tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp, đồng thời xây dựng được thương hiệu ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Thực hiện nội dung này, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế lâm nghiệp và phấn đấu sớm trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao.
Hàng năm, tỉnh Yên Bái trồng mới trên 15.000 ha rừng các loại, đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 62% vào năm 2015 lên 63% vào năm 2022, xếp thứ tư trong toàn quốc. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt 500.000 m3, hướng đến trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng quy mô lớn với công nghệ hiện đại. Những con số trên cho thấy kinh tế lâm nghiệp đã và đang trở thành lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia và trở thành động lực để phát triển kinh tế ở các địa phương.
Gia đình bà Lý Thị Mỹ ở tổ 10, thị trấn Mậu A,huyện Văn Yên có hai vườn ươm với khoảng hai triệu cây quế giống. Nhờ chăm sóc cẩn thận nên cây phát triển tốt, đáp ứng được nhu cầu trồng rừng của người dân trên địa bàn huyện. Mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình bà Mỹ thu về gần 150 triệu đồng: "Làm dần dần, lúc đầu chúng tôi chỉ làm ít thôi rồi mỗi năm làm tăng lên một vài chục vạn. Cây quế nó phát triển thì kinh tế nó cũng được một chút".
Gắn bó với nghề trồng rừng gần 30 năm, chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cảm thấy rừng lại mang nhiều giá trị như những năm gần đây. Bà Nguyệt chia sẻ, trước đây người dân địa phương có thói quen duy trì chu kỳ khai thác gỗ rừng trồng là 6 đến 7 năm, nhưng gần đây kéo dài chu kỳ lên hơn 10 năm, nên giá thành cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với khai thác rừng non. Dưới tán rừng, các hộ còn phát triển thêm nghề nuôi ong, chăn nuôi gia cầm cho thu nhập khá.
"Nuôi một rừng gỗ lớn để đảm bảo kinh tế dài, bởi vì chẳng hạn như 7 năm mình bán thì 1 ha có thể được khoảng 60 – 70 triệu nhưng mà mình để 12 năm thì được hơn trăm triệu cơ, trong lúc đó mình không phải đầu tư nữa và kết hợp mình nuôi ong dưới tán rừng, hai cái kết hợp với nhau", bà Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ.
Ông Lương Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình cho biết, địa phương có trên 300 hộ có diện tích rừng 1 ha trở lên. Xã luôn xác định phát triển lâm nghiệp không chỉ giảm nghèo mà còn là hướng làm giàu của người dân: "Chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đến cho các hộ gia đình sản xuất để đưa những giống mới, cây con mới vào phát triển kinh tế".
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương thực hiện trồng rừng sản xuất theo hướng quản lý rừng bền vững (FSC). Đến nay, toàn tỉnh có gần 12.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, phấn đấu khoảng 4 năm tới sẽ có khoảng 100.000 ha rừng được cấp chứng chỉ này. Bên cạnh đó, vận động nhân dân chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đủ tiểu chuẩn cho ngành chế biến lâm sản phát triển mạnh.
Nói về hiệu quả của kinh tế rừng tại Yên Bái không thể không đề cập đến sự phát triển của các hoạt động chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ rừng trồng. Toàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có gần 100 doanh nghiệp và hợp tác xã, còn lại hộ cá thể. Sản phẩm sản xuất ra từ dạng sơ chế nguyên liệu thô như: ván bóc, ván xẻ thanh, đến các sản phẩm được chế biến sâu như: ván ép, ván ghép thanh xuất khẩu... Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái còn có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giấy và bột giấy, mà chủ lực là sản xuất giấy đế, giấy vàng mã... Từ đây giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách tỉnh.
Công ty TNHH sản xuất và đầu tư Lâm Phong là một ví dụ điển hình. Đây là một trong những công ty đi đầu về sản xuất tủ bếp từ nguyên liệu gỗ, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 780 tỷ đồng. Bà Trác Thu Hạnh, Trợ lý Tổng Giám đốc công ty này cho biết: Để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu, công ty luôn chú trọng đến chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, đó là các sản phẩm từ gỗ rừng trồng có nguồn gốc rõ ràng gắn với đổi mới dây chuyền thiết bị.
"Sản xuất trên địa bàn Yên Bái rất thuận lợi bởi vì rất nhiều những nhà máy cung cấp những nguyên liệu mà chúng ta cần. Cái thị trường của công ty bên kia thì cũng tương đối tốt, hiện tại bây giờ đơn hàng gia tăng rất nhiều", bà Trác Thu Hạnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Trữ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lâm Nông sản thực phẩm Yên Bái, một trong những công ty nổi bật trong lĩnh vực chế biến giấy cho biết thêm: "Chúng tôi cũng đã nâng cao chất lượng sản phẩm lên một bước nữa để đáp ứng được yêu cầu của thị trường ngày càng cao. Chúng tôi cũng đã cải tiến một số các thiết bị trong dây chuyền công nghệ; cho một số cán bộ kỹ thuật đi học hỏi ở các đơn vị có tiêu chuẩn cao hơn để về áp dụng vào công ty chúng tôi".
Với tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp gần 479.000 ha, Yên Bái là địa phương có sản lượng gỗ lớn trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi năm có thể khai thác gần 700.000 m3 gỗ các loại và trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa. Lợi thế này đã và đang được các doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng, nhằm mục tiêu đa dạng sản xuất, gia tăng doanh thu, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế địa phương, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra trong tiểu dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong đó tập trung tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.