Yếu kém nhập nhèm trong quản lý đất đai, người dân giảm niềm tin vào "công bộc"

VOV.VN - Thời gian qua, công tác quản lý đất đai ở tỉnh Kon Tum đã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, thậm chí cố tình nhập nhèm. Hậu quả, cùng với lãng phí về đất đai, thiệt hại tài sản Nhà nước, không ít người dân giảm sút niềm tin vào công bộc làm công tác quản lý đất đai của địa phương.

Đã mấy tháng nay, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhà ở thôn Đăk Brông, xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum đứng ngồi không yên. Cách đây khoảng 4 tháng, trong khi đi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho lô đất gia đình đang ở tại xã Chư Hreng, chị phát hiện đất của nhà mình đã được cơ quan chức năng cấp trùng số lô, số thửa cho anh Nguyễn Tăng Trung từ năm 2002. Tưởng mọi việc dễ dàng được cơ quan chức năng điều chỉnh vì đất của gia đình chính quyền xã Chư Hreng cấp từ năm 1995 và ở ổn định từ đó đến nay. Thế nhưng mọi việc không đơn giản.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ngán ngẩm: “Khi tôi phát hiện ra thì tôi cũng làm đơn kiến nghị gửi cho UBND xã. UBND xã trả lời rằng, không có thẩm quyền để giải quyết. Đề nghị tôi là làm đơn kiến nghị lên UBND thành phố. Một tháng rồi chưa thấy UBND thành phố trả lời. Vừa rồi tiếp xúc cử tri tôi cũng có ý kiến, họ trả lời việc này  không quan trọng. Cứ đề nghị lên cấp trên là sẽ có hướng giải quyết thôi không có khó khăn gì. Lòng vòng, lòng vòng tôi còn làm ăn nuôi con nữa chứ”.

Cùng với những “lỗi kỹ thuật” như cấp đất không đúng quy trình thủ tục, cấp sai đối tượng, một thửa đất cấp cho nhiều người… còn có cả những nhập nhèm trong quản lý đất đai ở thành phố Kon Tum dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu kiện.

Đầu tháng 6 vừa qua, bà Phan Thị Thắm, thôn 2, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum có đơn gửi cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum và cả Thanh tra Chính phủ tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đối với việc UBND thành phố Kon Tum tháng 12/2021 bồi thường 499m2 đất nông nghiệp, trong đó có 26,7m giáp đường Nguyễn Văn Bảy, phường Duy Tân cho bà Dương Thị Minh Tân, cư trú từ trước năm 2015 tại số 83, đường Dương Đình Nghệ, Phường 8, Quận 11, TP.HCM khi Nhà nước thu hồi đất của bà này.

Theo Luật sư Huỳnh Thanh Tú, Văn phòng Luật sư Quốc Cường Đà Nẵng, qua nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu thực tế thì đơn tố cáo của bà Phan Thị Thắm là có cơ sở: “Theo quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn, thì bà Tân chỉ được bồi thường bằng tiền nhưng bà Tân lại được bồi thường bằng đất nông nghiệp. Không đúng đối tượng được bồi thường đó là vi phạm Luật đất đai. Vấn đề thứ hai là hiện trạng đất bà Tân được cấp đó là đất cấp trên đất thủy lợi. Mương thủy lợi này là mương thủy lợi của Nhà nước trước đây người dân hiến cho Nhà nước làm. Hiện giờ, theo chúng tôi tìm hiểu, mương thủy lợi này mặc dù không còn sử dụng nữa nhưng nó vẫn là mương thủy lợi chịu sự quản lý của Nhà nước và theo quy định của Luật đất đai không được dùng đất mương thủy lợi để cấp đất bồi thường cho đối tượng khác”.

Cùng những yếu kém, nhập nhèm đang khiến công tác quản lý đất đai ở Kon Tum “rối như canh hẹ”. Mới đây tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang truy vấn việc UBND thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà cho cá nhân ông Đỗ Trọng Lâm, số 475 đường Hùng Vương mượn đất từ năm 2017. Hiện tại, trên diện tích đất này ông Lâm đã đổ bê tông toàn bộ mặt suối, xây cửa hàng bên trên để kinh doanh.

Ông Ka Ba Thành, Bí thư Huyện ủy Đăk Hà thẳng thắn, sự việc đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của chính quyền địa phương: “Người dân ở trên địa bàn thấy rằng, nếu như chính quyền địa phương không cho thì không cách nào mà cá nhân tự ý đi xây dựng việc này hết. Sau khi kiểm tra lại thì đúng là thị trấn đã quản lý rất lỏng lẻo. Khi phát hiện sự việc không kịp thời xử lý mà vẫn để cho ông này xây dựng, dẫn đến người dân nghi ngờ chính quyền địa phương tạo điều kiện, tiếp tay”.

Liên quan đến công tác quản lý đất đai ở tỉnh Kon Tum, tại Kết luận thanh tra số 222 ngày 18/2/2022 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt yếu kém, sai phạm, như: Giai đoạn 2016- 2019 UBND tỉnh Kon Tum chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của 10 huyện, thành phố; 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá tại huyện Đăk Hà; Dự án Tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư chưa hoàn thành song Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Kon Tum đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và đã tự ý tách thửa diện tích trên 17.600m2; Việc giao đất cho 43 trường hợp ở Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, thành phố Kon Tum không thuộc đối tượng tái định cư…

Cùng với đó, những yếu kém, bất hợp lý trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, thu hồi đất cũng như việc chậm khắc phục, xử lý sai phạm khiến không ít người dân Kon Tum giảm sút niềm tin vào đội ngũ công bộc làm công tác quản lý đất đai của địa phương.

Chị Phạm Thị Vân Kiều, nhà ở thành phố Kon Tum có đất vướng quy hoạch bày tỏ: “Đâu đâu cũng để quy hoạch. Người dân nguyện vọng được sinh sống trên mảnh đất của họ nhưng mà bây giờ quy hoạch không cho làm gì thì thực chất không biết niềm tin đi đâu nữa bởi vì chỗ nào cũng quy hoạch, chỗ nào cũng thu hồi”.

Ông Phạm Văn Trúc, cán bộ hưu trí ở số nhà 217, đường Hùng Vương, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà nêu ý kiến: “Trung ương thì làm việc quyết liệt, Nhân dân chúng tôi rất tin tưởng. Nhưng với một công dân, với một đảng viên trên địa bàn tỉnh Kon Tum thì tôi thấy rằng, công tác này đối với tỉnh  còn chưa được quan tâm cho lắm. Bao nhiêu sự việc đã nổi lên sau thanh tra, sau kiểm tra đã có nhưng việc thực hiện kết luận thanh tra đó thì hình như chưa được làm. Có những nơi đưa ra những lý do là khó khăn quá khắc phục dần dần. Mong rằng việc này phải làm đến nơi đến chốn”.

Gần đây tại các cuộc họp như: Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII; Hội nghị đối thoại của UBND tỉnh Kon Tum với doanh nghiệp; Hội nghị của Tỉnh ủy Kon Tum đánh giá kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum đã thể hiện quyết tâm trong việc xử lý sai phạm, khắc phục bất cập, xử nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu gây ách tắc, phiền hà trong quá trình người dân, doanh nghiệp đi làm các thủ tục liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin của người dân trong lĩnh vực quản lý đất đai thì chỉ quyết tâm thôi là chưa đủ, các sở, ngành chức năng, các cấp chỉnh quyền của tỉnh Kon Tum cần phải đảm bảo không để quyết tâm, chỉ đạo của cấp trên rơi vào tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hay “đánh trống bỏ rùi”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bí thư xã bị khởi tố vì sai phạm trong quản lý đất đai
Bí thư xã bị khởi tố vì sai phạm trong quản lý đất đai

VOV.VN - Ông Khá bị khởi tố vì đã “phối hợp” cùng cán bộ địa chính xã, hợp thức các lô đất và bán trái thẩm quyền. 

Bí thư xã bị khởi tố vì sai phạm trong quản lý đất đai

Bí thư xã bị khởi tố vì sai phạm trong quản lý đất đai

VOV.VN - Ông Khá bị khởi tố vì đã “phối hợp” cùng cán bộ địa chính xã, hợp thức các lô đất và bán trái thẩm quyền. 

Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND xã vì sai phạm trong quản lý đất đai
Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND xã vì sai phạm trong quản lý đất đai

VOV.VN - Nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh và thuộc cấp vừa bị cơ quan điều tra Công an huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An khởi tố.

Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND xã vì sai phạm trong quản lý đất đai

Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND xã vì sai phạm trong quản lý đất đai

VOV.VN - Nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh và thuộc cấp vừa bị cơ quan điều tra Công an huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An khởi tố.

“Quan xã" đi tù vì sai phạm trong quản lý đất đai
“Quan xã" đi tù vì sai phạm trong quản lý đất đai

VOV.VN - Các bị cáo nguyên là lãnh đạo xã Tú Sơn bị đi tù vì để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương.

“Quan xã" đi tù vì sai phạm trong quản lý đất đai

“Quan xã" đi tù vì sai phạm trong quản lý đất đai

VOV.VN - Các bị cáo nguyên là lãnh đạo xã Tú Sơn bị đi tù vì để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương.