Giữ lửa cho ca trù

Anh bạn tôi kể, ông nội anh vì mê mẩn tiếng ca và cả nhan sắc của các ca nương trên phố Khâm Thiên ngày nào, mà có lần bỏ lại đó cả tư trang. Nhiều người cũng vì sắc cầm làm cho điên đảo, để lại hồn vía nơi đây.

Mẹ tôi, một người con gái thành Nam, nơi trước đây cũng tấp nập phố phường không thua kém gì Hà Nội, có kể lại rằng: Thuở ông ngoại tôi còn sống, chiều chiều cứ diện quần áo Tây, thắt cà vạt, chải tóc bóng mượt, đeo cặp kính gọng vàng hàng Paris chính hiệu, kiệu cô bé con ba, bốn tuổi là mẹ tôi lúc bấy giờ, vào nhà cô đầu nghe hát.

Hát ả đào, cô đầu, cũng là những từ chỉ làn điệu hát ca trù – nghệ thuật ca hát đã có một thời hoàng kim ở nước ta vào thế kỷ XIX. Ca trù xuất hiện từ thời điểm nào và quê tổ ở đâu, đến nay vẫn còn nhiều giả thiết khác nhau.

Nhiều giả thiết cho rằng ca trù xuất hiện vào đầu thế kỷ XVI. Trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, có lúc tưởng chừng như không thể tồn tại được, nhưng với những đặc trưng về loại hình nghệ thuật độc đáo, sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ và giọng hát hoà cùng các nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu… cho tới ngày nay, ca trù đã khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại. Đây là môn nghệ thuật dân gian đang được Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. 

Những năm gần đây, thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Nhà nước ta đã có những hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, tôn vinh cho nghệ thuật truyền thống, trong đó có ca trù. Những cuộc “Liên hoan ca trù Hà Nội”, “Liên hoan ca trù toàn quốc” đã được tổ chức, nhằm tôn vinh các nghệ nhân và phát hiện, đào tạo lớp kế cận để bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật này. Những cuộc liên hoan ấy đã hội tụ được rất nhiều khán thính giả hâm mộ cùng các nghệ nhân của môn nghệ thuật này từ nhiều địa phương trong cả nước; từ những cụ già đầu bạc, lưng còng đến các em bé mới 6, 7 tuổi đời cũng nhiệt tình tham dự. Có những giáo phường có từ vài trăm năm nay như giáo phường Cổ Đạm (Hà Tĩnh), giáo phường Lỗ Khê (Hà Nội), những giáo phường xuất hiện từ đầu thế kỷ XIX như Ngải Cầu (Hà Tây cũ), Đông Môn (Hải Phòng), Tứ Kỳ (Hải Dương), Yên Xá (Nam Định)… một số câu lạc bộ (CLB) truyền thống Thái Hà (Hà Nội), Bắc Ninh.

Nói đến ca trù không thể không nhắc tới Nghệ sỹ nhân dân Quách Thị Hồ, tiếng đàn của các danh cầm một thuở như cụ Du, cụ Mỳ, cụ Đẹ… Cũng không thể không nhắc tới sự ra đời và phát triển của Bích Câu đạo quán - CLB ca trù Hà Nội. Cùng với một số nghệ nhân nặng lòng với ca trù, bà Bạch Vân, hiện là chủ câu lạc bộ này đã tổ chức những buổi sinh hoạt định kỳ vào chủ nhật cuối mỗi tháng tại Bích Câu đạo quán.

Đến nay, CLB đã tồn tại trên 10 năm và thu hút trên 200 hội viên. CLB Ca trù Thăng Long là một trong những CLB có tuổi đời trẻ nhất trong số các CLB ca trù gây được tiếng vang ở Hà Nội hiện nay. Người sáng lập ra CLB ấy cũng là một người phụ nữ còn rất trẻ - chị Phạm Thị Huệ (giảng viên Khoa Âm nhạc truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia). Ngay tại địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) cũng có tới 4 CLB ca trù: CLB ca trù Chanh Thôn (Phú Xuyên), CLB Ngãi Cầu (Hoài Đức), CLB Thượng Mỗ (Đan Phượng) và CLB thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh.

Người có công lớn trong việc phổ biến, giới thiệu ca trù Việt Nam ra thế giới chính là Giáo sư Trần Văn Khê. Nhờ những tác động tích cực của ông mà ca trù  Việt Nam được thế giới công nhận là vốn cổ của Việt Nam, di sản văn hóa nhân loại. Hội đồng âm nhạc thuộc UNESCO cũng đã trao cho nghệ sỹ Quách Thị Hồ tấm bằng danh dự “Nghệ sỹ hát ca trù đặc sắc của Việt Nam”.

Tuy nhiên, công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống nói chung, cũng như nghệ thuật ca trù nói riêng, vẫn là một con đường đầy gian nan. Việc “giữ lửa” cho ca trù trong thời kinh tế thị trường này là điều không hề đơn giản. Mở cửa hội nhập như một luồng gió thổi vào cửa từng nhà những giá trị nhận thức mới, những sản phẩm vật chất và văn hóa tinh thần mới. Đồng thời, những thế hệ trẻ 7X, 8X, 9X  ra đời giữa những lỏng lẻo, những rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội, cộng đồng, gia đình truyền thống…

Trong khi lớp trẻ nhiệt tình với các thú vui mới như: game, nhạc trẻ, nhạc rock, hiphop; các dòng phim thị trường, phim hành động, kinh dị… thì số người ở độ tuổi 40 trở lên còn tâm huyết và có thời gian dành để thưởng thức nghệ thuật truyền thống cũng chiếm số lượng rất ít ỏi.

Chính vì vậy, những năm gần đây, nghệ thuật truyền thống, trong đó có ca trù chưa thực sự đi vào đời sống xã hội mà chỉ dừng ở chỗ bảo tồn một số làn điệu, bài vở để diễn cầm chừng và phục vụ khách nước ngoài tới Việt Nam, phục vụ hội diễn trong nước và các tour lưu diễn nước ngoài. Riêng ca trù, từ chỗ có gần 90 làn điệu, đến nay chỉ còn khoảng 20 làn điệu; số nghệ nhân cũng rất hạn chế.

Muốn cho nghệ thuật ca trù nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung sống được trong thời đại mới này, cần có những chính sách bài bản. Tuy nhiên, trước hết phải tạo điều kiện cho người nghệ sỹ “sống” được với nghề, bởi lẽ, họ chính là những người mang sứ mệnh “truyền lửa” cho thế hệ mai sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên