Hà Nội, xuân nâng tầm
Một trong 10 sự kiện nổi bật của đất nước trong năm 2008 là Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Sau sự kiện này, hơn 6 triệu người dân thành phố đang chung sức, chung lòng để đưa Hà Nội bứt phá...
Ông Phạm Quang Tiềm, cựu chiến binh ở thành phố Hà Đông năm nay bước sang tuổi 62. Gần cả cuộc đời theo quân ngũ, ông chứng kiến rất nhiều sự đổi thay của quê hương cũng như những biến cố, thăng trầm của Thủ đô Hà Nội. Nhưng theo ông, dấu ấn sâu đậm nhất trong ông là toàn bộ tỉnh Hà Tây được hợp nhất về Hà Nội. Việc hợp nhất không chỉ đơn thuần là vùng đất kinh kỳ diện tích rộng thêm gấp 4 lần; mà điều quan trọng và sâu xa hơn, đó là sự mở rộng quy mô và tầm văn hoá. Xuân Kỷ Sửu, qua Đài TNVN, ông gửi niềm mong ước: “Điều mong mỏi nhất của tôi là năm 2009 Hà Nội phải có một quy hoạch thống nhất, cả trước mắt và lâu dài. Các cấp chính quyền sâu sát với dân, giảm bớt phiền hà cho dân trên cơ sở cải cách thủ tục hành chính phải đi vào thực chất…”. Cùng ông Tiềm, chúng tôi nhắc lại cái ngày lịch sử - ngày 1/8/2008, TP. Hà Nội chính thức được mở rộng địa giới hành chính. Sau gần nửa năm hoạt động, diện mạo mới của Thủ đô đến mùa xuân này tuy chưa có nhiều đổi thay, nhưng điều kiện thuận lợi và động lực quan trọng để Hà Nội phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của cả nước, đã hiện hữu.
Chưa đầy nửa năm, Hà Nội phải gồng mình với một khối lượng công việc khổng lồ, từ ổn định bộ máy cho đến quy hoạch, phát triển kinh tế… Vậy mà trong bối cảnh ấy, Hà Nội vẫn thu được những thành tựu khá nổi bật: Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2008 đạt 10,58%; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,8%; Tổng huy động vốn đầu tư xã hội tăng 19,3%; Gần 300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép và tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký 5 tỷ USD, tăng gấp 2 lần năm 2007; Tổng thu ngân sách tăng 12% so với dự toán; Bình quân thu nhập một người đạt 1.500 USD.
Thực hiện chủ trương “thắt lưng buộc bụng” nhưng cũng phải biết “đi tắt, đón đầu”, năm qua, Hà Nội tiếp tục dành nguồn vốn đầu tư lớn cho phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó nổi bật là đầu tư cho các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với tổng số vốn hơn 2.360 tỷ đồng. đến thời điểm này, đã hoàn thành và bàn giao 5 công trình và hạng mục công trình; phê duyệt quyết định đầu tư 14 dự án; khởi công 12 công trình trong tổng số 66 công trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chọn công trình đầu tư xây dựng, ưu tiên nguồn vốn để phát triển hạ tầng không chỉ thể hiện qua những con số, mà còn là ý nghĩa xã hội do công trình mang lại. Chỉ sau hơn 2 tháng trở thành công dân Thủ đô, 137 gia đình ở xã Yên Trung - một trong 4 xã thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hòa Bình chuyển về Hà Nội - được dùng điện. Lần đầu tiên những người dân ở xã miền núi này được xem ti vi ngay tại nhà mình trong cảnh mắt người già nhòe lệ, mắt trẻ anh ánh niềm vui. Rồi chuyện khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, Hà Nội cũng dành khoảng 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân. Dù là mức chi đột xuất lớn nhưng nguồn ngân sách của thành phố vẫn cân đối được.
Mới gần nửa năm hoạt động, Hà Nội có sự chuyển biến khá rõ trong xã hội hóa về thu hút nguồn lực để đầu tư. Riêng lĩnh vực giáo dục và y tế, đến nay, thành phố có gần 600 cơ sở giáo dục - đào tạo, 155 cơ sở dạy nghề và hơn 5.600 cơ sở y tế ngoài công lập được xây dựng và đi vào hoạt động. Nguồn thu từ các đơn vị này đạt gần 3.600 tỷ đồng, trong đó ở lĩnh vực y tế gấp gần 5 lần dự toán chi ngân sách.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết: Năm 2009, Hà Nội vẫn xác định 9 chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá; nhưng trình tự và bước đi được đổi mới và làm quyết liệt hơn để phấn đấu đạt cho được tốc độ tăng trưởng GDP từ 9,5 - 10%, như chỉ tiêu HĐND đã đề ra cho năm trước thềm Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chủ động bàn với Bộ Xây dựng xây dựng quy chế thống nhất giữa 2 bên và chuẩn bị một ban công tác phối hợp, bao gồm các sở, ban, ngành và các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực quy hoạch để tập hợp trí tuệ vào ban công tác phối hợp này. Chủ trương của chúng tôi sẽ mời một số nhà tư vấn giỏi về quy hoạch của nước ngoài như Pháp, Nhật Bản… tham gia cùng thành phố, cùng với Bộ Xây dựng để thực hiện việc lập quy hoạch cho tốt; đảm bảo cho Thủ đô phát triển đến 30 năm, 50 năm sau”.
Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á cho rằng: Năm 2009, Hà Nội và cả nước có nhiều khó khăn hơn vì đang chịu ảnh hưởng của suy thoái toán cầu. Do vậy, thành phố cần giải quyết được những vấn đề trọng tâm mà người dân Thủ đô đang mong đợi. Bà Loan nói: “Việc tổ chức bộ máy cán bộ là vấn đề rất quan trọng. Trước là 2 tổ chức, nay sáp nhập làm một, mà chỉ chọn một người đứng đầu. Hiện tại, cấp phó rất nhiều, đòi hỏi thành phố sử dụng đội ngũ cán bộ này như thế nào cho hợp lý và hiệu quả. Đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội để chọn người có tâm, có trí phù hợp với từng lĩnh vực, bộ phận”.
Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị khẳng định: Cái được lớn nhất trong năm qua là thành phố đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở. Từ đó, hoạt động của các cơ quan, đơn vị đảm bảo được thông suốt; không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp. “Thực tiễn năm 2008 cho thấy, nếu thủ tục hành chính được cải tiến, thông thoáng hơn, Hà Nội có thể huy động được nhiều nguồn lực to lớn để đầu tư phát triển. Nếu các cấp uỷ Đảng, chính quyền chủ động hơn nữa, phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…, chắc chắn Hà Nội không chỉ là vai trò đầu tàu, là động lực thúc đẩy phát triển cho các tỉnh khu vực phía Bắc, mà còn góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước”.
Hà Nội mở rộng địa giới hành chính là một sự kiện mang tầm vóc lịch sử. Xuân Kỷ Sửu đã về, hơn 6 triệu người dân Thủ đô đang đón xuân trong niềm kỳ vọng về một Hà Nội bứt phá nâng tầm trong năm 2009./.