Hai nhà sử học nói về Tết

Mùa xuân là mùa để hy vọng, là dịp để “tống cựu nghinh xuân”, nhìn lại cái cũ, đón cái mới. Trong con mắt của người chép sử, sự đón ấy là sự kế thừa.

Bạn nghĩ gì về Tết? Trong thời khắc thiêng liêng này, hãy cùng GS Sử học Đinh Xuân Lâm và Nhà sử học Dương Trung Quốc ngẫm ngợi về Tết xưa, Tết nay, về một năm cũ đã qua và mong ước cho một năm mới đang đến.

GS Sử học Đinh Xuân Lâm: Nhớ mãi thời khắc giao thừa được nghe tiếng Bác

“Tết là sự kết thúc năm cũ để chuyển sang năm mới với tràn trề hy vọng vào những điều tốt đẹp. Đây là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ, dù ai có đi xa đến đâu, ngày Tết cũng cố về nhà cho bằng được. Nhớ những năm chiến tranh, tôi đi học xa, không năm nào là không về nhà ăn Tết, dù hồi đó tàu xe đi lại rất khó khăn. Bởi ăn Tết xa nhà buồn lắm.

Tôi đã nhiều lần ăn Tết xa Tổ quốc, lần ở Pháp năm 1982 khi tôi sang dạy học bên đó, lần sang ăn Tết cùng con trai ở Hungary. Tuy bà con Việt kiều bên đó cũng tổ chức nhiều hoạt động đón Tết nhưng vẫn chẳng phải là không khí Tết quê nhà.

Thời tôi còn nhỏ, ngày Tết đúng là một ngày hội. Nhà tôi chuẩn bị Tết trước hàng tháng, đi chợ phiên nhiều lần để sắm sanh đồ Tết, rồi mẹ tôi làm các loại mứt, nhà cửa quét vôi, trang hoàng lại cho đẹp đẽ… Tất cả tạo ra một không khí chộn rộn, phấn chấn khiến ai cũng mong chờ Tết. Nhất là thời khắc giao thừa, sao mà thiêng liêng, sâu lắng.

Tôi vẫn nhớ, đêm giao thừa bàn thờ nhà tôi đèn sáng trưng, khói hương nghi ngút, ông cụ thân sinh hướng dẫn tôi cách cúng tổ tiên vì tôi là con trưởng. Rồi tiếng trống, tiếng chuông chùa vang lên báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giây phút đó thật cảm động. Sáng mùng 1 khai bút vì ông cụ tôi là nhà Nho. Mùng 2 trở đi là có thể đi chơi, xem những trò chơi dân gian như đánh đu, đốt pháo…

Nhớ hồi tôi dạy học ở Thanh Hóa, Tết đến, có những tốp thiếu nữ tập hợp nhau lại hát, một không khí lành mạnh, thánh thiện, trong sáng.

Tết cũng là thời gian để đi chơi, thăm hỏi bạn bè, người thân, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Hồi chúng tôi mới ra Hà Nội, năm 1954, vợ chồng còn trẻ, con còn nhỏ, ngày Tết thường bế con đi thăm những di tích thắng cảnh, chùa chiền quanh Hà Nội như Bách Thảo, Văn Miếu. Riêng đêm giao thừa thiêng liêng lắm, bao giờ cũng đi phố, mua hoa về trang trí trong nhà.

Những năm Bác Hồ còn sống, Tết là thời gian ai cũng háo hức mong chờ để được nghe thơ chúc Tết của Bác. Tôi không thể quên lúc gần giao thừa, xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đông nghịt người. Trời rét, đồng bào miền Nam trong những chiếc áo bông to sụ đi xung quanh hồ gặp gỡ nhau. Thời khắc tiếng Bác Hồ chúc Tết vang lên từ những chiếc loa treo trên các cây ven hồ rất xúc động. Tôi vẫn còn nhớ mãi thời khắc thiêng liêng của những năm đó.

Còn ngày nay, bên cạnh những phong tục tốt đẹp vẫn giữ được, thì Tết cũng bị ảnh hưởng bởi đời sống thị trường, nên có phần lãng phí, xa hoa, và có nhiều cái không thích hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp xưa. Thanh niên bây giờ cũng không hiểu hết ý nghĩa tốt đẹp của Tết, họ chỉ nghĩ đến hiện tại, coi đó là dịp để hưởng thụ, tiêu xài.

Năm mới, tôi chỉ mong bố mẹ tôi được phiêu diêu nơi cực lạc và phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, an khang thịnh vượng, luôn luôn được hanh thông trong mọi công việc”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tết là cơ hội quý để củng cố nếp nhà


“Ngày Tết luôn là cơ hội quý báu để củng cố mối quan hệ gia đình, dòng tộc, quê hương, cũng là để sang sửa cái nếp nhà đã được gìn giữ như một truyền thống. Việc đi tảo mộ, chăm sóc ban thờ, chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, đi thăm hỏi người thân và những hoạt động tín ngưỡng hay tôn giáo khác cũng chính là cách để chỉnh đốn nếp nhà sau một năm không ít những tác động có thể làm suy chuyển thói ăn, nếp ở của mỗi thành viên gia đình.

Tết cổ truyền Việt Nam ngày nay đã có nhiều đổi khác. Ngày xưa người Việt gắn liền với quê hương bản quán nên ngày Tết cũng chỉ mang tính chất làng xóm. Còn ngày nay, con người đi khắp nơi nên việc Tết hướng về cội nguồn, gia đình, cũng tạo ra áp lực xã hội nhất định. Như người lao động xa quê hương, họ khó thích nghi với những cách quản lý lao động hiện đại, vì thế các khu công nghiệp sau Tết rất đau đầu với vấn đề nhân lực.

Tết cổ truyền đang đứng trước áp lực của sự biến đổi, nảy sinh không ít vấn đề của đời sống, đòi hỏi một mặt vẫn phải quan tâm tới bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết, để người dân vẫn gắn kết với đời sống tâm linh tín ngưỡng, là cách giữ lại bản sắc dân tộc. Nhưng mặt khác Tết cũng phải thích ứng với đời sống hiện đại để không gây ảnh hưởng đến sự vận hành của một xã hội đang từng bước hội nhập nhanh chóng.

Thế nhưng, sự thay đổi cũng không thể theo hướng cực đoan. Tôi nhớ trước đây vị giáo sư rất đáng kính là GS Từ Giấy có bàn đến chuyện này. Vì một năm cũng phải mất một tháng dành cho ăn Tết, việc đi lại khó khăn, quản lý lao động phức tạp, nên ông đưa ra ý tưởng 3 năm làm một cái Tết cho dân, còn lại tập trung lao động sản xuất. Nhưng ngay lập tức ý tưởng của ông bị phản ứng dữ dội cho thấy phá vỡ tập tục không phải là dễ mà ta phải chuyển từng bước một. Quan trọng là phải giữ lại được hạt nhân gia đình. Các nhà quản lý phải biết nắm bắt nhu cầu hợp lý của xã hội hiện đại để thỏa mãn nó, làm cho Tết thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tết có giá trị lịch sử lắm chứ. Nhưng đừng quan niệm lịch sử là cái bất biến, lịch sử chính là cái thay đổi, có điều thay đổi thế nào thôi.

Ngày Tết, thế hệ chúng tôi vẫn hướng về nếp sống cũ, về gia đình, quê hương và người thân. Còn giới trẻ thì khác, họ hướng ngoại hơn, cuộc sống gia đình chưa là một nhu cầu lớn. Giới trẻ như con thuyền bắt đầu rời bến, còn chúng tôi như con thuyền đang tìm bến đỗ rồi. Họ coi Tết là dịp để nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè, du lịch.

Mùa xuân là mùa để hy vọng, là dịp để “tống cựu nghinh xuân”, nhìn lại cái cũ, đón cái mới. Tất nhiên, trong con mắt của người chép sử, tôi hiểu sự đón ấy là sự kế thừa.

Năm 2011 là năm có nhiều biến đổi khách quan, có nhiều sự kiện quan trọng, đặt dấu mốc cho sự phát triển của đất nước. Bởi vậy, bên cạnh mong ước cho gia đình, người thân, trong năm mới, tôi còn mong các nhà lãnh đạo đổi mới tư duy hơn. Muốn thay đổi tư duy, tôi nghĩ quan trọng nhất là phải nâng cao trách nhiệm, trách nhiệm với đời sống, với dân và theo tôi, đó còn là trách nhiệm với lịch sử. Bởi lịch sử dân tộc sẽ ghi lại tất cả, nếu ý thức được cái đó sẽ khác với người chỉ nghĩ tới trách nhiệm hoàn thành nghị quyết, hoàn thành nhiệm kỳ. Tôi vẫn cảm thấy nhiều người chưa nghĩ tới lịch sử, coi lịch sử là một cái gì xa vời. Tôi mong ước rằng, các nhà lãnh đạo sẽ có trách nhiệm với lịch sử hơn, để đưa đất nước ta vươn tới những tầm cao mới, để đất nước lúc nào cũng là mùa xuân”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên