Lên Hà Quảng xem Hội bò xuân

Không "chuyên nghiệp" như hội chọi trâu ở Hải Phòng hay hội đua bò ở An Giang, Hội bò xuân ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng có sức hấp dẫn từ chính sự hoang sơ của lễ hội trên miền sơn cước

Vừa đi cày, vừa đi hội

Ông Thi Quốc Khánh, Trưởng phòng văn hóa huyện Hà Quảng, một người khá am hiểu về hội chọi bò của bà con vùng cao Hà Quảng kể cho chúng tôi: Đa số những con bò dự thi đều là gia súc cày bừa của các đồng bào, đến hội thôi vác cái cày đi tham dự lễ hội. “Có nhiều hộ đồng bào đã được chọn dự thi, đến hôm thi lại vác bò đi cày. Chúng tôi phải lên tận trên nương nhắc thì mới nhớ ngày thi đấu”. Nhưng chính những nét hoang sơ, chân chất ấy tạo nên sự hấp dẫn và cuồng nhiệt của Hội bò xuân hàng năm trên miền đất khô cằn vì sỏi đá này.

Kiểm tra sừng bò trước khi vào trận đấu

Lễ hội bò của bà con đồng bào dân tộc sống ở huyện Hà Quảng có từ lúc nào không ai còn nhớ. Chỉ biết rằng, khi trên các sườn núi, khi hoa mận bắt đầu khoe sắc thì bà con đồng bào dân tộc xúng xính trong trang phục sặc sỡ tham gia vào lễ hội bò.

Trước năm 2007, Lễ hội bò ở đất Hà Quảng không được tổ chức một cách quy mô. Bởi vậy những cuộc chọi bò chỉ diễn ra lẻ tẻ ở các xã. Đấy là những cuộc thách đố của đám trai tráng trong bản, cũng là dịp để họ thể hiện sức mạnh, khoe cái tài chăn bò, chăm sóc bò khéo.

Không có giải thưởng nào được trao tặng. Chỉ có nụ cười và những chén rượu ngô, những cuộc gặp gỡ tự tình sau những ngày mùa màng vất vả. Những can rượu được rót ra bát. Họ chung vui bằng 1 chiếc bát duy nhất quay vòng. Tình cảm được chia đều trong cùng bát rượu. Sự phân biệt và tính không trung thực trong cuộc đấu ở đây sẽ không bao giờ có. Chỉ có tình bạn, tình bản làng mới xây đắp lên được cuộc vui cho các mùa xuân.

Trận đấu long trời lở đất giữa cặp "đấu sĩ" bò vùng cao

Nhận thấy đây là một lễ hội hay, cần được bảo tồn, UBND huyện Hà Quảng đã tiến hành tổ chức một cách quy mô hội chọi bò để bà con trong huyện tham gia.

Toàn huyện có 12 xã được chia làm 4 điểm thi đấu. Những chú bò chiến thắng ở các cụm xã sẽ đại diện lên huyện dự thi chung kết.

Ông Thi Quốc Khánh, Trưởng phòng văn hóa huyện Hà Quảng khoe: “Năm nay, ngoài thi bò khỏe, chọi bò, chúng tôi còn bổ sung thêm nội dung bò mẹ + bê con để nội dung thi thêm phần đặc sắc”. Với những nội dung mới, không chỉ khuyến khích bà con đồng bào dân tộc nuôi bò khỏe mà còn khuyến khích bà con nuôi bò đẹp.

Giải thưởng cho người chiến thắng

Những con bò chủ yếu là công cụ sản xuất của đồng bào, đến hội lại đem đi tham dự lễ hội. “Thế nên để động viên bà con tham gia, tất cả những người dự thi đều được huyện trao giải”, ông Khánh cho biết thêm.

Cũng theo ông Khánh, mục đích của chọi bò nhằm xây dựng và phát triển lễ hội ở địa phương, góp phần lưu trữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện.

Bí quyết của người chiến thắng

Ông Thi Quốc Khánh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng bật mí: “Người Mông họ nuôi bò giỏi lắm, 3 năm tổ chức lễ hội ở huyện, cả ba năm họ đều giành chức vô địch”.

Bản của người Mông nằm tít tắp trên những sườn núi cao, bởi vậy để đến được nhà anh Hoàng Văn Sơn, chàng trai người Mông nức tiếng nuôi bò giỏi của huyện Hà Quảng, Cao Bằng, chúng tôi phải đi bộ hơn 2 tiếng đường rừng.

Vừa dẫn chúng tôi đi, ông Thi Quốc Khánh vừa giới thiệu: “Tuy còn trẻ nhưng tay này có cách nuôi bò hay lắm. Lên rồi các anh sẽ biết”, ông Khánh lấp lửng.

Căn nhà tuềnh toàng dựng lên bằng phên, nứa không có một bóng người. Ngồi chờ hơn 30 phút mà vẫn chưa thấy chủ nhà về. Thấy chúng tôi có vẻ sốt ruột, ông Trưởng phòng văn hóa huyện động viên: “Chờ thêm đi, tôi đã hẹn hắn rồi”.

Người Mông luôn biết cách nuôi bò tốt

Gần 1 tiếng sau, một người đàn ông dáng người nhỏ nhắn, mảnh mai, vai vác một bó cỏ lớn đang đi như chạy về phía chúng tôi. Tất tả dắt khách vào nhà, Hoàng Văn Sơn xuề xòa: “Tao phải qua mấy quả đồi mới kiếm được cỏ tốt về cho bò”.

Khi biết mục đích của chúng tôi vượt qua mấy quả núi để gặp anh, Sơn trợn mắt ngạc nhiên: “Tao không có bí quyết gì đâu. Tao chỉ làm theo lời cha tao dạy thôi”.

Anh Sơn kể, đồng bào Mông rất thích nuôi bò. Ngoài là công vụ cày kéo thì nuôi bò còn thể hiện sự sung túc, chứng tỏ được sự khá giả và yên ấm trong gia đình. Trong các loại bò thì người Mông rất thích nuôi bò U. Đây là một giống bò độc nhất vô nhị, thân hình vạm vỡ, u vai nhô cao như bò tót, cơ bắp cuồn cuộn to hơn bất cứ giống bò nội địa nào trên đất nước ta. Anh Sơn giải thích: “Người Mông thích nuôi bò U vì khi cày, nó có thể kéo bật cả đá”.

Bên cạnh giống thì ngoại hình bò là yếu tố rất quan trọng để chọn ra được một con bò tốt. Đó là U phải nổi cao, cổ chum, thân dài, mông lồng bàn, đuôi dài, chân to, ức nở. Có như vậy, con bò mới phát triển tốt. Chọn được bò tốt thì phải có cách chăm sóc đặc biệt. Cỏ cho bò phải đi ngắt trên những đỉnh núi cao về, “chỉ có trên ấy cỏ mới non, đủ chất” anh Sơn cho biết. Trời lạnh phải nấu nước nóng cho bò uống, nấu cháo ngô cho bò ăn. Che chắn chuồng trại cẩn thận. Bởi cách nuôi như vậy cho nên trận rét lịch sử năm 2007, khi đàn gia súc vùng cao thi nhau chết vì không chịu được giá lạnh thì đàn bò của anh vẫn sống khỏe.

Thông thường, mỗi con bò có thể chọi tốt thì phải được nuôi là 3 năm. “Chắc tao có duyên với bò nên chỉ nuôi hơn 2 năm thôi” Sơn cười hiền. Tuy nhiên, để chọn một con bò có thể đi đọ sức và làm nở mặt nở mày với thiên hạ thì anh còn cho biết thêm: “Con bò ấy phải có cặp sừng nhọn, vát lên và khum vào với nhau nhìn như hai mũi giáo”.

Có lẽ vì cái tài chăn bò của mình nên những người tham gia lễ hội chọi bò rất thích những con bò của anh. Hoàng Văn Sơn khoe: “Con bò vô địch năm 2009 đã có người trả gần 25 triệu đồng nhưng tao không bán. Tao để làm giống thôi”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên