Ly rượu mừng Xuân

Rượu được coi như con dao hai lưỡi, người biết thưởng thức thì rượu gây cảm xúc, tâm hồn lâng lâng, phấn chấn. Ngược lại, nếu uống quá nhiều rượu có độ cồn nặng thì hậu quả khôn lường.  

Ngày Tết, trong mỗi gia đình đều phải có rượu. Rượu để cúng Thần linh, Tổ tiên, đã trở thành nếp sống, tập tục tự nghìn xưa trong nghi lễ của cội nguồn dân tộc. Sau đó, con cháu nội ngoại được thừa hưởng lộc của người xưa lấy may cho cả năm. Ngoài ra, rượu còn được dùng để tiếp khách, bạn bè xa gần đến chúc tụng trong buổi mừng Xuân mới. Số lượng rượu trong mỗi gia đình đều tăng hơn so với những ngày thường. Nhiều gia đình còn kén những loại rượu đặc biệt, rượu mạnh, rượu mùi của ngoại quốc rất đắt tiền. Thời cơ chế thị trường hiện nay, giá một chai rượu ngoại, ngày Tết lên đến hàng triệu đồng, hoặc còn nhiều triệu đồng. Nếu số lượng rượu Tây, rượu Ta chỉ để đủ vui trong ba ngày Tết như câu thơ của nhà thơ Trần Tế Xương:

“Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết.

Kiết cú như ai cũng rượu chè…”.

Như vậy, chúng ta cũng chẳng có điều gì đáng phàn nàn. Nhưng ngược lại, có những người dùng quá nhiều rượu. Đặc biệt, những thanh niên “bốc” lên còn chuốc cho nhau say đến mềm người không còn biết trời đất là gì nữa.

Rượu được coi như con dao hai lưỡi, người biết thưởng thức thì rượu gây cảm xúc, tâm hồn lâng lâng, phấn chấn và cao thượng, hưng phấn hơn lên. Ngược lại, nếu uống quá nhiều rượu có độ cồn nặng, (chưa nói đến uống phải rượu rởm có chất độc) thì hậu quả khôn lường. Rượu làm mờ lý trí, hủy hoại thần kinh khiến người say rượu đánh mất nhân cách, phẩm chất, đạo đức.

Một điều ai cũng biết, rượu gây nên bao tai họa, không ngoại trừ cả tang tóc. Thậm chí, say rượu dẫn đến phạm tội. Xin kể một câu chuyện vui cùng độc giả, nhân buổi đón Xuân ta nâng chén mời nhau. Có lẽ cũng là một điều thú vị.

Thuần Vu Khôn làm quan nước Tề thời chiến quốc bên Tàu, một con người hay lấy chuyện nói bóng gió để khuyên vua. Nhân một sự kiện lui được quân nước Sở vây hãm thành Hàm Đan, kinh đô nước Tề, vua Tề Uy Vương đặt tiệc ở hậu cung, mời Khôn thưởng rượu và hỏi:

- Tiên sinh uống được bao nhiêu rượu thì say?

Thuần Vu Khôn đáp:

- Thần uống một đấu cũng say, một hộc cũng say!

Tề Uy Vương lại hỏi:

- Tiên sinh uống một đấu đã say, uống sao được một hộc?

Thuần Vu Khôn nói:

- Nếu thần uống rượu trước mặt đại vương, có quan chấp pháp đứng bên cạnh, quan ngự sử nấp sau lưng, Khôn sợ hãi cúi đầu mà uống, chỉ mới một đấu đã say. Nếu cha mẹ có khách quý, Khôn vén áo, khom lưng hầu rượu ở trước mặt, thỉnh thoảng được bề trên ban cho mấy giọt rượu thừa, lại phải bưng chén chúc thọ, phải đứng lên hầu rượu luôn, như thế chỉ uống hai đấu đã say rồi. Còn như bè bạn lâu ngày không gặp gỡ nhau, bỗng nhiên gặp lại, mừng rỡ kể chuyện cũ, đem chuyện riêng ra nói cùng nhau, như thế có thể uống năm, sáu đấu là say. Nhưng nếu như ngày hội ở nông thôn, nhà quê, trai gái ngồi lẫn lộn, mời rượu dằng dai, đánh bạc, ném hồ, kéo nhau túm năm, tụm ba, nắm tay nhau không ai phạt, mắt nhìn nhau không ai cấm. Đằng trước có cái trâm bị bỏ sót, đằng sau có cái hoa tai đánh rơi. Khôn trộm lấy thế làm vui, có thể uống tám đấu cũng chỉ say đến hai phần. Khi trời chiều đã vãn, dồn chén ngồi kề, gái trai cùng chiếu, giày dép lẫn lộn, chén bàn bừa bãi, trên thềm tắt đuốc, chủ nhân mời ở lại mà tiễn khách ra, áo là cởi bỏ, thoảng thấy mùi hương phưng phức. Trong lòng Khôn bấy giờ vui đến tột độ, có thể uống một hộc. Vì vậy nói: Rượu quá hóa loạn, vui quá hóa buồn. Muôn việc đều không thể quá. Hễ quá thì hỏng…

Vua Tề khen: “Hay!” bèn bãi bỏ việc uống rượu suốt đêm.

Thuần Vu Khôn lấy việc uống rượu ra để khuyên vua Tề. Câu chuyện vui mà mang ý nghĩa sâu sắc. Ta đọc chuyện đời xưa tận bên Tàu mà tưởng như đó là bài học cho mọi người hôm nay vậy. Ngày xuân mới, ta nâng cốc mời nhau, chúc bạn, mừng xuân. Xin được cùng bạn cạn một ly rượu nhỏ, vừa đủ để tâm hồn ta lâng lâng cùng với Xuân đời…/.                 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên